Hiến kế các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch năm 2025, ngày 26/10, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo lắng vì giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả thấp (hiện mới chỉ đạt 47,29% kế hoạch năm).

Đơn vị thi công gác dầm cầu trên công trình Đường tỉnh 929, đảm bảo đến 30/11/2024 sẽ thông xe kỹ thuật. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

Đơn vị thi công gác dầm cầu trên công trình Đường tỉnh 929, đảm bảo đến 30/11/2024 sẽ thông xe kỹ thuật. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này không có gì mới, vẫn là do vướng mắc giải phóng mặt bằng, bồi thường, xác định giá đất, chính sách tái định cư, tình trạng né tránh đùn đẩy, cộng thêm thiên tai bão lũ và mưa kéo dài ảnh hưởng thi công.

“Chính phủ đã nhận diện và đang tăng cường thành lập các đoàn công tác để đôn đốc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, phấn đấu đạt thấp nhất 95% kế hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Liên quan tới giải quyết các dự án tồn đọng, kéo dài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1250/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.

Ngoài Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng Ban chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng Ban, các thành viên của Ban chỉ đạo còn gồm rất nhiều trưởng ngành khác, bao gồm cả Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…

“Ban chỉ đạo sẽ rà soát các dự án ách tắc, đang đắp chiếu cả chục năm nay, trên cơ sở đó sẽ phân loại xem đâu là lỗi của nhà đầu tư, đâu là lỗi của nhà nước để tìm ra cách xử lý. Đảm bảo nguyên tắc không hợp pháp hóa cái sai mà phân rõ trách nhiệm và tìm ra cách giải quyết từng nhóm vấn đề. Nếu làm được, sẽ khơi thông cho nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới rà soát được 160 dự án với 59.000 tỷ đồng, thực tế chắc chắn còn nhiều hơn rất nhiều. Lần này, chúng ta sẽ tổng rà soát cả nước xem mỗi địa phương còn ách tắc bao nhiêu dự án, bao nhiêu tiền, đâu là những nhóm nguyên nhân chính để tìm ra giải pháp.

Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án đắp chiếu không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn giải phóng nguồn vốn lớn, giúp tăng thu ngân sách, đóng góp ngay cho tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư cho hay, Chính phủ đang quyết tâm rất lớn song cũng xác định đây là vấn đề rất khó. Nguyên nhân là nhiều dự án đắp chiếu quá lâu, nhiều trường hợp sai phạm phức tạp kéo dài, phạm vi rộng.

Cũng tại phiên thảo luận tổ về kinh tế xã hội năm 2024, kế hoạch 2025, ngày 26/10, nhiều đại biểu rất lo ngại tình hình giải ngân đầu tư công chậm và quá thấp, đã nói rất nhiều năm, nhưng năm nay tiếp tục thấp hơn cùng kỳ.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%), có nhiều nguồn vốn phải xin kéo dài thời gian, điều chuyển, trong khi nhiều dự án thì chờ vốn, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, lãng phí cơ hội rất nhiều.

Đây là hạn chế mà Chính phủ phải đặc biệt lưu ý, là điểm nghẽn tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP Hồ Chí Minh) chỉ ra, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công xuất phát từ các thủ tục phức tạp và quy trình rườm rà. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ thực hiện các dự án mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và khả năng sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia.

Để khắc phục tình trạng này, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị xây dựng một luật sửa đổi nhiều luật, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục đầu tư công và các dự án đang gặp khó khăn. Đây là bước đi quan trọng để khơi thông nguồn vốn, đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án đầu tư công.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh đến giải pháp đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, làm một luật để sửa nhiều luật, tháo gỡ ách tắc trong đầu tư công; trong đó, tháo gỡ các dự án đang ách tắc hiện nay.

“Chính phủ đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, rà soát thật kỹ vốn đầu tư công năm 2025, tránh tình trạng các Chương trình được ưu tiên dành nguồn lực nhưng thực tế không triển khai được, rất lãng phí”, Đại biểu Triệu Quang Huy (đoàn Lạng Sơn) đề nghị.

Đóng góp thêm giải pháp, Đại biểu Trần Kim Yến đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu lại quy trình, thủ tục để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân và cải thiện hiệu quả đầu tư công.

“Việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong khu vực tư nhân, đối mặt với khó khăn tài chính và duy trì hoạt động”, Đại biểu Trần Kim Yến cho hay.

Cùng với đó, nhiều đại biểu Quốc hội đều đề nghị Chính phủ cần nhìn nhận rõ nguyên nhân ở đâu để có giải pháp tháo gỡ kịp thời…

Thúy Hiền – Văn Giáp (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/hien-ke-cac-giai-phap-de-thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-cong-20241026170918187.htm
Zalo