Hiện đại hóa giáo dục đại học và NCKH rất quan trọng nhưng còn nhiều 'điểm khó'

Tập trung hiện đại hóa giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của nhà trường.

Một trong những nhiệm vụ được nêu trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" làtập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Hiện đại hóa giáo dục có vai trò quan trọng đối với hoạt động của trường đại học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho biết, tập trung hiện đại hóa giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động của nhà trường.

Thầy Hiếu nhìn nhận, mặc dù đa số cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu và rút ngắn đáng kể khoảng cách với các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn có một khoảng cách lớn giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước và ngoài nước. Vai trò của trường đại học trong xã hội hiện đại không chỉ đơn thuần là cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp để sản xuất mà còn phải tham gia sâu vào việc tạo nên những thành tựu khoa học mới. Do vậy, hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu khoa học là yếu tố không thể thiếu được.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: DUT.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: DUT.

"Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng định hướng là một cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu nên các hoạt động nghiên cứu khoa học là điều cần phải ưu tiên hàng đầu, đáng tiếc là hiện nay do cơ sở vật chất đã có phần cũ kỹ cũng như nguồn nhân lực ít nhiều bị hạn chế nên các hoạt động nghiên cứu khoa học chưa phát huy hết vai trò.

Bên cạnh đó, nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học còn chiếm tỷ lệ thấp, dù tổng thu từ chuyển giao công nghệ trong thời gian gần đây có tăng nhưng chưa đồng đều giữa các lĩnh vực. Để cải thiện vấn đề này, chỉ có một giải pháp duy nhất là hiện đại hóa giáo dục đại học và hoạt động nghiên cứu khoa học", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu chia sẻ.

Cùng trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, hiện đại hóa là một trong những nhiệm vụ và sứ mạng quan trọng của trường đại học. Hiện đại hóa giáo dục đại học có nghĩa là hiện đại hóa ở mọi cấp độ, mọi khía cạnh để trường phát triển, bắt kịp các cơ sở giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Theo thầy Thanh, các trường đại học cần tập trung hiện đại hóa từ hệ thống quản trị. Theo đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý cần có sự thay đổi nhạy bén, thích ứng với sự phát triển của giáo dục đại học, đặc biệt là quản trị về mặt chiến lược, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong quản trị. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên cần cập nhật thêm những kiến thức, kỹ năng, công nghệ mới nhằm đáp ứng được nhiệm vụ giảng dạy bậc đại học, sau đại học.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh nhấn mạnh, hiện đại hóa giáo dục đại học cũng được thể hiện rõ nét thông qua đổi mới chương trình đào tạo. "Hiện đại hóa chương trình đào tạo tức là dám chấp nhận bỏ đi những gì không phù hợp, cập nhật theo thực tiễn và sự phát triển của thế giới. Theo tôi, hiện đại hóa chương trình đào tạo là một trong những nội dung rất quan trọng, là cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo. Trường đại học cần xây dựng các chương trình đào tạo thích ứng, phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam cũng như tiếp cận với thế giới.

Tất nhiên, những điều kiện đảm bảo để hoàn thành chương trình đào tạo hiện đại thì đội ngũ quản trị, giảng viên cũng phải thay đổi, kèm theo đó là cơ sở hạ tầng cũng phải được nâng cấp, hiện đại hóa. Nhà trường có thể thực hiện hiện đại hóa hạ tầng, cơ sở vật chất thông qua sự liên kết, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm hướng đến mục tiêu vận hành được chương trình đào tạo hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo".

Cùng trao đổi, một chuyên gia giáo dục đại học, hiện đang là lãnh đạo tại một trường đại học ở Hà Nội cũng nhìn nhận, tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học giúp cải thiện phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, từ đó mang lại môi trường học tập hiện đại và tiện nghi cho sinh viên. Những công nghệ như lớp học trực tuyến, hệ thống quản lý học tập, các công cụ hỗ trợ trực quan giúp giảng viên có thể tiếp cận và truyền tải kiến thức một cách hiệu quả hơn.

Hơn thế nữa, hiện đại hóa giáo dục và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học công nghệ giúp các trường đại học dễ dàng kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các cơ quan nhà nước. Điều này không chỉ mang lại nguồn tài trợ, mà còn giúp chuyển giao công nghệ và tri thức từ nhà trường ra xã hội, từ đó đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào giảng dạy và nghiên cứu giúp sinh viên có thể nắm bắt các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động hiện đại. Điều này không chỉ giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với cơ hội việc làm, mà còn giúp các doanh nghiệp có được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học cũng giúp đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà trường. Theo đó, công nghệ hiện đại giúp cải thiện quy trình quản lý tại các trường đại học, từ việc quản lý sinh viên, tài chính, cho đến các hoạt động hành chính khác. Hệ thống thông tin quản lý hiện đại có thể tối ưu hóa hoạt động và giảm thiểu chi phí, từ đó nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của trường đại học.

Đồng thời, hiện đại hóa giáo dục và nghiên cứu khoa học giúp các trường đại học dễ dàng hội nhập với cộng đồng học thuật quốc tế. Điều này thúc đẩy sự hợp tác trong nghiên cứu, trao đổi sinh viên và giảng viên, và giúp các trường nâng cao uy tín trên trường quốc tế.

Muốn hiện đại hóa, nâng tỷ trọng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, trường ĐH phải "vượt khó trăm bề"

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học đang gặp phải một số khó khăn trong vấn đề tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học, nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Vấn đề thứ nhất là nguồn vốn để hiện đại hóa. Hầu như nguồn vốn hiện nay là từ Nhà nước và để hiện đại hóa cần có kinh phí rất lớn. Ngoài ra, thủ tục để tiến hành việc đầu tư khi liên quan đến ngân sách nhà nước cần thời gian thực hiện khá lâu.

Vấn đề thứ hai là do rất khó nhận được vốn đầu tư nên khi được phân bổ, các cơ sở giáo dục đại học có khuynh hướng đầu tư hết nguồn ngân sách được cấp mà đôi khi không có đủ người sử dụng, dẫn đến việc không đạt hiệu quả khai thác. Đây cũng một phần do các cơ sở giáo dục đại học hiện nay cũng đang rất thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là các trường đại học không nằm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế hiện tại cũng còn nhiều rào cản, thủ tục còn phức tạp nên việc các giáo sư đầu ngành về Việt Nam còn hạn chế, chỉ có theo hướng ngược lại, gửi giảng viên đi tham gia nghiên cứu ngắn hạn là nhiều hơn. Do vậy, ở nước ta, đang còn hạn chế các công trình nghiên cứu nổi bật, gây tiếng vang lớn.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh cũng nhìn nhận, hiện nay các cơ sở giáo dục đại học gặp khó khăn trong nguồn tài chính để đầu tư cho hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Do đó, các trường đại học cần có tỉ trọng ngân sách tương đối để có nguồn kinh phí đầu tư vào các nguồn lực, đảm bảo chất lượng; trong đó có những nguồn lực liên quan đến nghiên cứu khoa học.

 Tiến sĩ Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh.

"Hàng năm, Trường Đại học Công thường Thành phố Hồ Chí Minh dành khoảng 3,5-4% trên tổng ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động này vẫn còn rất khiêm tốn. Hiện nay, nhà trường cũng đang có những kế hoạch để phấn đấu đạt chuẩn theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT. Đối với các trường đại học có khả năng nghiên cứu khoa học và chuyển giao tốt thì tỷ lệ này không phải quá lớn. Tuy nhiên, thực tế, so sánh với hiện tại đa phần đối với các cơ sở giáo đại học ở Việt Nam, để đạt được con số doanh thu 5% trên tổng thu thì tương đối khó khăn", thầy Thanh chia sẻ thêm.

Lãnh đạo một trường đại học tại Hà Nội cũng đánh giá, nhiều cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước, trong khi nguồn ngân sách dành cho giáo dục đại học hiện còn hạn chế (chỉ khoảng gần 0,3% GDP, thấp hơn so với mức trung bình quốc tế). Điều này dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư vào cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy và nâng cấp hệ thống nghiên cứu.

Hơn thế nữa, giáo dục đại học cũng đang thiếu các nguồn tài trợ ngoài nhà nước. Mặc dù có sự khuyến khích hợp tác với doanh nghiệp và tìm kiếm tài trợ từ xã hội, nhiều trường đại học vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút các nguồn tài trợ từ bên ngoài, do sự thiếu kết nối hoặc uy tín chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính phức tạp, tốn thời gian cũng làm cản trở việc triển khai các dự án đầu tư hiện đại hóa.

Hạ tầng công nghệ thông tin chưa phát triển, hệ thống quản lý học tập, nền tảng trực tuyến và các công cụ học tập kỹ thuật số chưa được phát triển hoặc triển khai rộng rãi. Việc chuyển đổi sang môi trường học tập trực tuyến và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy còn tương đối chậm.

Cần có các giải pháp đồng bộ, tổng thể để hiện đại hóa giáo dục đại học

Để tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đề xuất một số giải pháp cụ thể.

Thầy Hiếu nhấn mạnh, đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học phải thật sự tập trung vào thế mạnh của từng cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là yếu tố con người, các trang thiết bị được đầu tư phải được sử dụng hiệu quả. Việc đầu tư cũng cần được xem xét kỹ lưỡng về số lượng người, tần suất sử dụng, sự thay đổi về công nghệ, việc đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ nên tập trung cho đào tạo vì được sử dụng rộng rãi.

Ngoài ra, cần có một cơ chế thông thoáng hơn trong việc xã hội hóa đầu tư các phòng thực hành, thí nghiệm trong các cơ sở giáo dục đại học đặc biệt tập trung vào nghiên cứu, có như vậy, các phòng thực hành, thí nghiệm mới thực sự là nơi cung cấp các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội.

Đối với việc nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học, thầy Hiếu cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ hơn. Về mặt xã hội cần có thêm nhiều doanh nghiệp có đầu tư vào mảng R&D (nghiên cứu và phát triển - PV).

"Song song là cần tuyển nhân sự với trình độ sau đại học, điều này sẽ kéo theo nhu cầu nâng cao trình độ thực sự của người học. Đây là đội ngũ, nòng cốt chính trong việc thực hiện các công việc nghiên cứu bởi vì giảng viên, các nhà nghiên cứu trong cơ sở giáo dục đại học không thể tự mình làm hết mọi việc trong khi sinh viên đại học chưa thật sự tích lũy đủ kiến thức để tham gia sâu vào việc nghiên cứu.

Về mặt quản lý nhà nước, để khuyến khích các doanh nghiệp dành lại một phần doanh thu cho R&D, đề xuất không đánh thuế phần doanh thu này, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các cơ sở giáo dục đại học. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, việc quan trọng nhất là tìm các biện pháp nâng cao thu nhập của giảng viên, nhà nghiên cứu nhằm thu hút nhân lực", thầy Hiếu chia sẻ thêm.

Chia sẻ thực tế tại Trường Đại học Bách khoa- Đại học Đà Nẵng, thầy Hiếu cho hay, hiện nay, nhà trường đang đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng đầu tư kinh phí để xây dựng các phòng thực hành tiên tiến, tập trung vào 2 lĩnh vực mũi nhọn hiện nay là vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, nhà trường từng bước với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp để bổ sung các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Ngoài các phòng thí nghiệm, thực hành, nhà trường cũng đầu tư xây dựng không gian đổi mới sáng tạo từ nguồn kinh phí xã hội hóa, chỉnh trang các khu giảng đường từ nguồn thu học phí.

"Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục đề xuất các đề án mới, sử dụng một phần nguồn kính phí của nhà trường, cũng như tìm kiếm các nguồn xã hội hóa để cải thiện điều kiện cơ sở vật chất.

Đối với việc thu hút, giữ chân giảng viên có trình độ cao, hiện nay, cơ quan chủ quản là Đại học Đà Nẵng đã có một số giải pháp cụ thể và các trường thành viên sẽ tuân thủ. Ngoài ra, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cũng có chính sách hỗ trợ giảng viên mới được tuyển dụng, hỗ trợ thực hiện đề tài cấp cơ sở, hỗ trợ khen thưởng khi có bài đăng trên các tạp chí khoa học uy tín. Tuy nhiên, phải nói thực rằng đây hiện đang là một vấn đề nan giải mà nhà trường cần phải mạnh mẽ giải quyết hơn nữa, bởi nguồn lực con người luôn là yếu tố then chốt cho bất kì cơ sở giáo dục đại học nào", Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh cho rằng, cần gia tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Có như vậy hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mới hiệu quả, đem lại nguồn thu cho nhà trường.

 Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HUIT.

Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HUIT.

Ngoài ra, đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, cần có những giải pháp toàn diện, mang tính chiến lược và khả thi. Các cơ sở cần tăng cường nguồn tài chính và đa dạng hóa nguồn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hiện đại hóa cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ; tăng cường nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; Trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học trong quản lý tài chính, nhân sự, và chương trình đào tạo, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới quản lý và đánh giá chất lượng. Song song đó là thúc đẩy hợp tác quốc tế; phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học thì tập trung vào lĩnh vực nào?

Có ý kiến đề xuất cho rằng cần tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên gấp đôi, tức chiếm khoảng 0,6% GDP. Thầy Hiếu đánh giá: "Ngân sách đầu tư về lâu dài là dàn trải cho tất cả nhưng trước tiên nên tập trung vào 2 lĩnh vực. Đó là nâng cao cơ sở vật chất dành cho đào tạo (không phải nghiên cứu) và thứ hai là nâng mức lương cho nhân lực của cơ sở giáo dục đại học.

Việc đầu tư vào cơ sở vật chất là điều ai cũng có thể thấy rõ vì hiện trạng của nhiều trường đại học hiện nay đang xuống cấp nặng nề, các thiết bị, máy móc có khi đã có tuổi đời trên 20 – 30 năm. Hiện tại, các trường đại học trên cơ sở là nguồn thu từ học phí cũng có thể trang trải một phần để đầu tư vào người học, tuy nhiên, đối với nhân sự thì do các rào cản về trần mức lương, các trần phụ cấp khác nên khó có thể tăng thu nhập của viên chức một cách đáng kể.

Để có thể thu hút thêm nhân lực cũng như giữ chân các nhà nghiên cứu, giảng viên có trình độ, cần có chính sách từ Nhà nước mà việc này có thể được thông qua cơ chế đặc biệt khi nguồn ngân sách dành cho giáo dục đại học được tăng lên".

 Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: DUT.

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: DUT.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh cũng có chung quan điểm cần tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học. Thầy Thanh cho rằng, ưu tiên nguồn lực đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, có nghĩa là đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện nghiên cứu, phát triển và chuyển giao sản phẩm. Ngoài ra, phát triển đội ngũ, chương trình đào tạo cũng là một trong những điều kiện để đảm bảo chất lượng.

"Một trong những khó khăn của các cơ sở giáo dục đại học là đầu tư công về đất đai, nhà cửa. Đối chiếu với Chuẩn, sẽ rất khó để đạt được tỷ lệ diện tích đất/sinh viên không nhỏ hơn 25m2. Bởi vậy, nếu có chính sách, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này sẽ giúp các cơ sở giải quyết được bài toán cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu về Chuẩn.

Đối với người học, cũng cần có thêm các chính sách hỗ trợ, vay vốn, tín dụng để các em có thể có điều kiện học tập tốt hơn. Hiện nay, các trường cũng đang nỗ lực để đa dạng hóa các nguồn thu ngoài học phí. Bởi nếu tăng học phí quá cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người học", thầy Thanh chia sẻ.

Cùng chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một trường đại học ở Hà Nội đánh giá, mức đầu tư cho giáo dục đại học ở nước ta vẫn còn thấp so với các quốc gia phát triển hoặc có nền giáo dục mạnh.

“Tại một số nước phát triển như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh… thường đầu tư vào giáo dục đại học với tỷ lệ từ 1% đến 2% GDP. Chẳng hạn, ở Hoa Kỳ, tỷ lệ đầu tư cho giáo dục đại học chiếm khoảng 1,6% GDP, trong khi ở các nước Bắc Âu như Đan Mạch, con số này có thể vượt 2% GDP. Các quốc gia phát triển tại châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đầu tư vào giáo dục ở mức từ 1% đến 1,5% GDP, đặc biệt trong bối cảnh họ coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ.

Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, theo tôi việc tăng ngân sách đầu tư cần được phân bổ một cách cân bằng và chiến lược giữa các yếu tố như nhân lực, cơ sở vật chất, người học và trường đại học. Mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng giáo dục”, vị này nhấn mạnh.

Tuệ Nhi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hien-dai-hoa-giao-duc-dai-hoc-va-nckh-rat-quan-trong-nhung-con-nhieu-diem-kho-post245561.gd
Zalo