Hiện đại hóa để 'nuôi dưỡng' nguồn thu bền vững từ thuế

Đây là vấn đề chính được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo 'Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững' do Bộ Tài chính chủ trì, Tổng cục Thuế phối hợp Báo Lao Động tổ chức ngày 18/12.

Dù ngành thuế đã chuyển đổi số mạnh mẽ nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực và năng lực để thích nghi

Dù ngành thuế đã chuyển đổi số mạnh mẽ nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực và năng lực để thích nghi

Ngành Thuế Việt Nam, một trong những lĩnh vực góp phần quan trọng cho ngân sách quốc gia, ngành tác động đến đông đảo người dân và doanh nghiệp đã tiên phong trong việc áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài Chính) cho biết, từ năm 2021 đến nay, ngành Thuế đã triển khai đơn giản hóa thủ tục hành chính từ 304 xuống 235 thủ tục, tiết kiệm gần 600 tỷ đồng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế, tích hợp 122/235 thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đến nay, có 100% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, 99% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia hoàn thuế điện tử. Triển khai dịch vụ Thuế điện tử dành cho cá nhân đối với hoạt động cho thuê tài sản, khai lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy đã đạt gần 50% trên tổng số tờ khai. Việc eTax Mobile được triển khai, ứng dụng hóa đơn điện tử, áp dụng Big Data và AI để quản lý hóa đơn đã giúp phát hiện nhanh và ngăn ngừa các hành vi gian lận hóa đơn, gian lận thuế…Đây là những nỗ lực rất lớn của ngành thuế trong quá trình số hóa.

Công tác chuyển đổi số ngành Thuế Việt Nam có nhiều điểm mạnh nổi bật song ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám Đốc Trung tâm Công nghệ số - Cục chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, công tác này cũng đối diện không ít thách thức cần khắc phục. Đơn cử, mặc dù đã triển khai hệ thống dữ liệu lớn Big Data, nhưng hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đủ mạnh để xử lý khối lượng dữ liệu lớn và phức tạp từ hoạt động kinh tế số dẫn đến tình trạng quá tải hoặc chậm trễ trong xử lý dữ liệu. Rủi ro an ninh mạng gia tăng khi số lượng giao dịch và dữ liệu được số hóa ngày càng lớn, trong khi các biện pháp bảo mật chưa thực sự toàn diện. sự cạnh tranh nhân sự giữa khu vực công và khu vực tư nhân khiến ngành Thuế khó thu hút được các chuyên gia công nghệ hàng đầu. Giao diện và tính năng dịch vụ thuế điện tử khó sử dụng đối với các cá nhân ít tiếp xúc với công nghệ, nhất là các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chưa quen với các công cụ và quy trình trực tuyến.

Từ những bất cập này, nhiều doanh nghiệp phản ánh hiện vẫn đang gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế. Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong một khảo sát môi trường kinh doanh mới nhất do VCCI tiến hành trong năm 2024, vẫn có tới 31% doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ví dụ, dù đã có nhiều cải thiện, nhưng quy trình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quyết toán thuế vẫn còn phức tạp, gây mất thời gian và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Một số quy định thuế chưa được diễn giải hoặc áp dụng thống nhất giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương, dẫn đến sự thiếu minh bạch và khó dự đoán cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mặc dù ngành thuế đã chuyển đổi số mạnh mẽ, nhưng không phải doanh nghiệp nào, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng có đủ nguồn lực và năng lực để thích nghi.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo

Do đó, VCCI đề xuất: để tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện tốt trong hoàn thành nghĩa vụ thuế, cần xây dựng các cổng thông tin thân thiện, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để giải đáp thắc mắc nhanh chóng và chính xác; Cần có hướng dẫn cụ thể, các tài liệu hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu và thống nhất về việc thực thi các chính sách thuế; Nghiên cứu, sửa đổi và triển khai chính sách thuế đơn giản, ổn định, đơn giản hóa biểu mẫu kê khai, giảm thiểu các loại thuế phí chồng chéo, và duy trì sự ổn định trong chính sách để doanh nghiệp yên tâm lập kế hoạch dài hạn. Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs), đối với các doanh nghiệp này, cần có các chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo về tuân thủ thuế, hoặc tư vấn trực tiếp; Tăng cường đối thoại và tham vấn, cơ quan thuế cần duy trì các kênh đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để lắng nghe phản hồi, cũng như cập nhật các vấn đề thực tiễn trong thực thi chính sách.

Từ góc độ của người trực tiếp tham gia và quản lý quá trình chuyển đổi số, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, ngành Thuế cần phát triển các trung tâm dữ liệu lớn, mạnh mẽ hơn để xử lý các giao dịch phức tạp và khối lượng dữ liệu ngày càng gia tăng từ nền kinh tế số; xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế, quản lý rủi ro thuế và hoạch định chính sách; thiết kế các hệ thống dễ sử dụng, tập trung vào sự tiện lợi và thân thiện với người dùng. Ngoài ra, xây dựng trung tâm hỗ trợ trực tuyến ứng dụng trợ lý ảo để kịp thời giải quyết các vấn đề cho người nộp thuế. Cơ quan thuế cũng cần tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho cán bộ thuế về sử dụng và vận hành hệ thống công nghệ hiện đại.

Song hành cùng các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành thuế, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn ngành thuế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ bằng việc hoàn thiện chính sách thuế, giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp như áp dụng thuế suất ưu đãi thấp hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, như du lịch, logistics, và bán lẻ; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế; Tăng cường cơ chế đối thoại, hợp tác với doanh nghiệp…

“Doanh nghiệp, người dân, đối tượng nộp thuế bao giờ cũng có yêu cầu cao hơn trước, đây là áp lực rất lớn đối với ngành thuế. Nhưng tôi tin rằng, với công việc đã thực hiện bài bản, khoa học, tận tâm, tận tụy của ngành thuế trong thời gian vừa qua thì ngành thuế sẽ thực hiện tốt trong thời gian tới”, ông Mạc Quốc Anh khẳng định.

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hien-dai-hoa-de-nuoi-duong-nguon-thu-ben-vung-tu-thue-159066.html
Zalo