Hiểm họa từ trào lưu độ, chế xe đạp điện
Thời gian gần đây, tình trạng học sinh sử dụng xe đạp điện được độ, chế để tăng tốc độ ngày càng phổ biến. Nhiều em học sinh, vì muốn trải nghiệm cảm giác lạ, phóng nhanh như xe máy, đã tự ý hoặc nhờ thợ sửa xe thay đổi kết cấu của xe đạp điện. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông
Chỉ cần lên mạng xã hội gõ tìm kiếm “Xe điện độ” sẽ có hàng loạt hội nhóm có từ vài nghìn đến hàng chục nghìn thành viên xuất hiện. Những bài viết chia sẻ trong các hội nhóm này chủ yếu về cách "độ" xe, rao bán pin, bộ điều tốc, các bộ phận phanh đĩa, ốp xe…. Thậm chí, có diễn đàn còn tổ chức cuộc thi "Xe điện độ keng Việt Nam" để tìm xem ai "độ" xe đạt được tốc độ cao nhất, đồ chất nhất. Đáng nói là đa số những người tham gia, đạt giải lại là các em học sinh, thanh thiếu niên.
Mới đây, ngày 24.4.2025, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa ngăn chặn, xử lý gần 70 thanh thiếu niên mang xe điện độ chế đi biểu diễn tại Quảng trường 10/3 (TP. Buôn Ma Thuột) để quay video nhằm tung lên mạng xã hội câu view. Tại hiện trường, lực lượng Cảnh sát giao thông đã thu giữ 64 chiếc xe điện các loại, trong đó, có 52 chiếc đã được độ chế. Có những chiếc được độ chế tinh vi, cường độ dòng điện rất lớn, công suất lên đến hơn 100km/giờ. Bước đầu, Công an xác định có 68 trường hợp liên quan, độ tuổi từ 12 đến 16, chủ yếu là học sinh các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn nhiều huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh Đắk Lắk, cùng hai huyện Krông Nô và Cư Jút thuộc tỉnh Đắk Nông.

Cuộc thi "Xe điện độ keng Việt Nam" để tìm xem ai "độ" xe đạt được tốc độ cao nhất, đồ chất nhất thu hút nhiều học sinh, thanh thiếu niên tham gia.
Chị Cao Thị Bích (Diễn Châu, Nghệ An) chia sẻ, “Mỗi lần đi làm về gặp đúng lúc học sinh tan học dường như trở thành nổi ám ảnh của tôi. Giờ gia đình nào cũng có điều kiện nên thường mua xe điện cho con đi học nhưng thường các cháu xem đi không hàng lối gì, mũ không đội, có khi kẹp 2, kẹp 3 lạng lách đánh võng. Giờ còn kiểu độ xe nên không khó để gặp các cháu đi xe điện với tốc độ cao, rất nguy hiểm. Tôi không hiểu các em lấy đâu ra tiền để độ xe vì tôi biết số tiền bỏ ra để độ xe cũng không hề nhỏ”.
Là một người chuyên bán xe điện, anh Đặng P. (Diễn Châu, Nghệ An) cho biết, việc "độ" xe hiện nay khá đơn giản, chỉ cần tháo dây hãm tốc ở bánh sau, chiếc xe đạp điện sẽ chạy nhanh như xe máy điện. Còn muốn tốc độ nhanh hơn, mạnh mẽ, khác lạ hơn, có thể chạy ngang với xe máy cần thay đổi bộ điều tốc, nâng dung lượng pin. “Tuy nhiên, nếu "độ" đến vận tốc 80 - 100 km/giờ sẽ rất nguy hiểm vì đã phá vỡ kết cấu an toàn của xe. Việc thay đổi động cơ và nâng cấp pin không đúng tiêu chuẩn có thể dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống điện, gây chập, cháy, nổ pin. Đồng thời, việc thay đổi các linh kiện không phù hợp với đặc tính ban đầu sẽ làm giảm tuổi thọ xe, dẫn đến hỏng hóc bất ngờ khi vận hành” anh P. nhấn mạnh.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Thực tế, xe đạp điện thông thường chỉ có tốc độ tối đa khoảng 25-30 km/h. Tuy nhiên, nhiều người đã tìm cách can thiệp vào bộ điều tốc, thay pin công suất cao hoặc thay đổi hệ thống động cơ để nâng tốc độ lên 50-70 km/h, thậm chí hơn 100 km/h. Việc này có thể khiến chiếc xe nhỏ bé trở thành một phương tiện di chuyển như xe máy, nhưng lại không được thiết kế để chịu tải và đảm bảo an toàn khi di chuyển với vận tốc cao.
Nguyên nhân chính của trào lưu này xuất phát từ tâm lý thích thể hiện, đua đòi giữa các học sinh, cùng với sự dễ dàng trong việc tìm mua linh kiện nâng cấp qua mạng xã hội. Chỉ với vài trăm đến vài triệu đồng, các em có thể tìm thấy các bộ kit tăng công suất, pin lithium dung lượng cao, thậm chí cả động cơ điện mạnh hơn. Các hướng dẫn độ xe cũng được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội khiến việc tự nâng cấp xe trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk tạm giữ gần 70 xe điện độ chế tại Quảng trường 10-3, TP. Buôn Ma Thuột.
Điều đó đang dẫn đến việc xe đạp điện đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người khi ngày càng có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh, ở độ tuổi 16-18, đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3 và xe đạp điện, xe máy điện. Có 70% số vụ tai nạn giao thông thương vong là do học sinh THCS đi xe đạp điện, xe máy điện gây ra.
Hiện có trên 50% số học sinh THPT đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả xe máy. Đáng lo ngại là do thiếu hành lang pháp lý nên tình trạng học sinh phổ thông sử dụng xe máy điện đang gia tăng đáng báo động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Điều đáng nói là nhiều phụ huynh đang còn khá thờ ơ với các quy định, “vô tình” để con em mình vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Không ít phụ huynh cho rằng, điều khiển xe đạp điện, xe máy điện an toàn hơn so với xe gắn máy. Tuy nhiên, trên thực tế, với vận tốc tối đa của xe máy điện có thể lên đến 40-50 km/h thì mức độ nguy hiểm của xe đạp điện và xe máy là tương đương trong khi người điều khiển chủ yếu chỉ là thiếu niên 13-17 tuổi nên kỹ năng và kinh nghiệm xử lý tình huống khẩn cấp còn hạn chế, trong khi xe rất dễ mất kiểm soát.