Hiểm họa từ sợi dây câu

Trong những năm gần đây, phong trào câu cá phát triển mạnh mẽ, trở thành môn giải trí của nhiều người. Phụ kiện dành cho người câu cá (còn gọi là cần thủ) cũng đa dạng, hiện đại hơn. Tuy nhiên, một trong những hiểm họa tiềm ẩn khi cần thủ bất chấp cảnh báo nguy hiểm, dùng cần câu kim loại, máy câu chứa hàng trăm mét dây để câu cá ngay dưới đường dây điện.

Tử vong khi đang câu cá

Việc câu cá là thú vui phổ biến của nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên, do thiếu địa điểm câu cá an toàn và phù hợp, các cần thủ phải lần mò, len lỏi nhiều nơi để tìm chỗ câu cá mới. Trong khi đó, nhiều khu vực gần sông, hồ, cầu lại có đường dây điện bắc ngang qua. Các cần thủ không ngờ đã tự đùa giỡn với tính mạng của mình khi chọn bãi câu gần đường dây điện. Việc này trong thực tế đã trở thành mối nguy và gây ra không ít vụ tai nạn nghiêm trọng.

Cuộc thi câu do một hội nhóm tổ chức ở TP.Thủ Đức

Cuộc thi câu do một hội nhóm tổ chức ở TP.Thủ Đức

Ngày 01/7/2024, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhi H.K.K (11 tuổi, ngụ H.Chiêm Hóa) trong tình trạng nguy kịch do bị bỏng điện từ dây câu và cần câu. Thông tin ban đầu, cháu K. dùng cần bằng kim loại đi câu cá ở khu vực gần nhà. Khi cá đớp mồi, K. giật mạnh cần câu, vô tình dây câu vướng vào dây điện cao thế khiến đường dây phát nổ, gây ra hiện tượng phóng điện. Cháu K. bị điện giật, bất tỉnh tại chỗ. Vết bỏng 72% trên phần lớn diện tích cơ thể cháu K., các vết thương tập trung nhiều ở cả 2 tay, vùng bụng, lưng và chân.

Trước đó, vào tháng 6/2024, người đàn ông tên N.Q.H (40 tuổi, ngụ Long An) cũng gặp tai nạn tương tự và tử vong khi đang câu cá cùng một người bạn ở khu vực cầu Kênh Chà. Công an H.Đức Hòa (Long An) cho biết, khoảng 7 giờ ngày 22/6, ông H. lái xe máy đến khu vực cầu Kênh Chà (xã Hựu Thạnh) và bắt đầu câu cá. Do sử dụng cần câu bằng kim loại, máy câu và dây câu dài, khi quăng dây ông H. bất cẩn dẫn đến dây câu vướng vào dây điện ngay trên đầu chạy dọc tuyến kênh. Vụ việc có thể đã không gây ra sự cố đau lòng nếu ông H. không cố giật mạnh dây câu để gỡ rối, khiến dây điện phóng điện vào cần câu. Nạn nhân bị điện giật văng ra xa nằm bất động. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng ông H. đã ngưng tim, ngừng thở trước khi đến bệnh viện.

Một vụ tai nạn tương tự xảy ra vào tháng 11/2023, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 3 nạn nhân (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) bị bỏng điện trong lúc đi câu cá. Thời điểm trên, bác sĩ Trần Văn Khoa (Khoa Bỏng - Phẫu thuật tạo hình) trực tiếp tiếp nhận, điều trị 3 bệnh nhân đều là nam giới, gồm: T.S (SN 1983), T.H.P và N.T.T (cùng SN 2007) trong tình trạng bị sốc điện, bỏng điện toàn thân, với diện tích lớn trên 50%. Thông tin từ người nhà các nạn nhân, chiều 05/11/2023, những người này đi câu cá ở khu vực đường Ba Tháng Hai (TP.Vũng Tàu, gần bãi tắm Long Cung) thì bị điện giật. Tại hiện trường, chiếc cần câu kim loại với dây câu dài hơn 100m vướng vắt vẻo dưới đường dây điện trung thế 110kV.

Cần câu kim loại, máy câu chứa hàng trăm mét dây tiềm ẩn hiểm họa gây chết người

Cần câu kim loại, máy câu chứa hàng trăm mét dây tiềm ẩn hiểm họa gây chết người

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ nhận định 3 trường hợp trên bị sốc điện, bỏng điện toàn thân độ 2, độ 3 với diện tích từ 50 - 62%. Trong đó, bệnh nhân T.S là người trực tiếp cầm cần câu bị điện giật, bỏng sâu 10% ở phần thân và tay, phải phẫu thuật cắt lọc hoại tử. Với 2 nạn nhân còn lại, các vết bỏng nhiều ở vùng mặt nên ảnh hưởng đến hô hấp, phải thở máy và gánh chịu những hậu quả lâu dài.

Sự nguy hiểm từ các loại cần và dây câu kim loại

Hiện nay, thị trường cần câu cá ở nước ta rất đa dạng với nhiều loại cần câu và dây câu đủ loại. Nếu như trước đây các loại cần câu thường được làm từ tre, trúc thì ngày nay đa số đều được sản xuất từ vật liệu carbon và kim loại, do có ưu điểm về trọng lượng nhẹ, độ bền. Thế nhưng những loại cần câu này lại tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai họa do khả năng dẫn điện rất cao, làm tăng nguy cơ bị điện giật nếu cần câu vô tình chạm vào các nguồn điện cao thế hoặc vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện trung thế, cao thế.

Ngoài các loại cần câu thì dây câu - đặc biệt là những loại dây cáp làm từ kim loại để câu cá lớn hoặc có lõi bằng kim loại - cũng dễ gây tai nạn cho người sử dụng. Những dây này không chỉ có khả năng dẫn điện mà còn dễ bị rối, mắc, vướng vào các đường dây điện. Khi dây câu chạm vào đường dây điện cao thế, hiện tượng phóng điện có nhiều khả năng xảy ra. Dù các đường dây điện cao thế thường được thiết kế rất cao để bảo đảm an toàn, nhưng dây câu dài và các loại máy câu hiện đại có thể giúp cần thủ quăng dây lên cao, ra xa hàng chục mét trở nên một cách dễ dàng, có thể chạm đến dây điện. Nhiều nhà sản xuất cần câu cố gắng cải tiến thiết kế bằng cách pha trộn các loại vật liệu, phủ lớp cách điện bên ngoài cần câu, nhưng điều này chỉ làm giảm phần nào chứ không đủ để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị điện giật.

Bất chấp nguy hiểm, nhiều cần thủ câu cá trên cầu và gần các đường dây điện trung thế, cao thế

Bất chấp nguy hiểm, nhiều cần thủ câu cá trên cầu và gần các đường dây điện trung thế, cao thế

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế liên tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ tai nạn từ việc câu cá bên dưới đường dây điện. Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị bỏng nặng và chấn thương do điện giật từ cần câu và dây câu. Đa số nạn nhân đều gặp tai nạn khi câu cá gần khu vực có đường dây điện cao thế. Đây là một nguy cơ rất lớn mà nhiều người chưa nhận thức đầy đủ”. Bác sĩ Trần Văn Khoa thông tin thêm: "Bỏng điện rất nguy hiểm vì không chỉ gây tổn thương bên ngoài mà còn gây tổn thương sâu bên trong cơ thể, ảnh hưởng đến cơ, xương và các cơ quan nội tạng. Việc điều trị bỏng điện rất phức tạp, tốn kém, đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt và phẫu thuật tạo hình".

Thông tin từ Viện Bỏng quốc gia, bỏng điện là một trong những loại bỏng nguy hiểm nhất vì không chỉ gây tổn thương tại chỗ mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Bỏng điện có thể dẫn đến hoại tử các mô sâu, gây biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng, suy đa cơ quan, nặng nhất là tử vong. Việc điều trị bỏng điện thường kéo dài và tốn kém, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa.

Anh Trần Mạnh Hùng (39 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức; là một cần thủ) chia sẻ: "Câu cá là sở thích của mình và các anh em trong nhóm. Nhưng sau khi đọc tin tức về những vụ tai nạn, nhóm cũng cảm thấy lo lắng. Hội câu cá của mình đã đồng loạt thay đổi cần câu và dây câu sang các loại đạt tiêu chuẩn cao, được trang bị lớp cách điện của Nhật Bản, hy vọng có thể giúp mọi người an toàn hơn trong một số trường hợp. Cái chính vẫn là tìm được những bãi câu cá phù hợp để anh em có thể giải trí mà vẫn bảo đảm không gần đường dây điện, nhưng những địa điểm như vậy đang rất hiếm".

Trong nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội, thông tin người câu cá bị điện giật cũng được chia sẻ, bàn luận rộng rãi. Các hội, nhóm câu cá cũng đang tích cực cảnh báo đến thành viên về việc không câu cá dưới đường dây điện, đồng thời nhanh chóng thu dây, gấp cần câu khi thấy trời chuyển mưa lớn, có sấm chớp. Ông Nguyễn Hữu Trí (40 tuổi, ngụ TPHCM) là trưởng một hội câu cá thiên nhiên, cho biết: "Do các bãi câu bị hạn chế, nhiều anh em hay chia sẻ với nhau những địa điểm câu mới mà họ tìm thấy hoặc tổ chức đến các khu vực xa như H.Cần Giờ, tỉnh Long An để câu cá tự nhiên. Quan điểm của mình là phải làm sao để vừa thỏa mãn đam mê nhưng bảo đảm an toàn. Câu cá được xem là một môn thể thao, một loại hình giải trí chứ không phải một thú chơi bất chấp nên lúc nào anh em trong nhóm cũng tìm địa điểm câu mới với tiêu chí an toàn đặt lên hàng đầu".

Kỳ Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/hiem-hoa-tu-soi-day-cau_164459.html
Zalo