Hiểm họa từ những ban công bị quây kín
Thời gian qua, nhiều vụ hỏa hoạn đã xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đáng chú ý là hậu quả nghiêm trọng hơn khi cháy nổ xảy ra tại những ngôi nhà không có lối thoát hiểm thứ 2, hoặc nếu có thì cũng quá kiên cố. Rất lo ngại, đây lại đang là tình trạng khá phổ biến hiện nay.
Từ những căn hộ ở ngay mặt đường lớn, đến các ngõ ngách sâu nhỏ hẹp; nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp với kinh doanh, đến chung cư mini tập trung đông người, tất cả đều có một điểm chung là ban công, cửa sổ đều rất kiên cố. Ở một khu nhà trọ, xe máy để gần nơi thường xuyên nấu nướng.
"Mình sống ở trong khu nhà trọ đông người, chủ yếu là người đi làm và sinh viên, không gian cũng không được rộng, trong ngõ nhỏ, chung quanh thì có nhiều đường dây điện thấp chằng chịt. Trước đây cũng từng xảy ra vụ cháy bốt điện, tuy không thiệt hại về người, nhưng mình cũng rất sợ có thể xảy ra cháy tại khu vực mình sống. Bởi vì cháy thì không biết chạy đi đâu cả" - chị Phùng Ngọc Trang, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, nói.
Nhiều ngôi nhà, lối thoát hiểm duy nhất bị bịt kín. Ngay cả khi thoát được lên sân thượng nếu chẳng may nhà cháy, chỉ có những công cụ chuyên dụng mới có thể phá dỡ được khung sắt được hàn kiên cố. Việc cơi nới ban công thành "chuồng cọp" là thực trạng ở hầu hết các khu tập thể cũ, nhằm mở rộng diện tích và đảm bảo an ninh. Thế nhưng, khi phòng trộm hơn phòng cháy, hậu quả sẽ rất đau thương nếu hỏa hoạn xảy ra.
Hà Nội hiện có khoảng 4000 phố, ngõ, ngách nhỏ hẹp có chiều dài hơn 200m xe chữa cháy không thể tiếp cận được. Nếu xảy ra sự cố, ngoài khó khăn trong việc dập lửa thì lực lượng chức năng gặp nhiều thách thức để cứu hộ, cứu nạn khi phải xử lý những chuồng cọp, khung sắt bịt kín ban công. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ cháy dù nhỏ nhưng lại dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người trong thời gian qua.