Hiểm họa sạt lở rình rập khu vực vùng núi

Những trận mưa lớn liên tiếp trong thời gian qua đã làm cho nền đất ở nhiều khu vực miền núi trong tỉnh Thái Nguyên trở nên tơi xốp, gây nguy cơ sạt lở đất, đá.

Những trận mưa lớn liên tiếp trong thời gian qua đã làm cho nền đất ở nhiều khu vực miền núi trong tỉnh trở nên tơi xốp, nhão bở, mất kết cấu ổn định. Bởi thế, nguy cơ sạt lở đất đang đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, đặc biệt là tại các vùng đồi núi, ven suối, khu dân cư nằm sát ta luy dương.

Tại khu dân cư tổ 16, phường Bắc Kạn, xuất hiện vết nứt lớn, có nguy sạt trượt rất cao, hiện có 2 hộ dân đã phải di dời khẩn cấp.

Tại khu dân cư tổ 16, phường Bắc Kạn, xuất hiện vết nứt lớn, có nguy sạt trượt rất cao, hiện có 2 hộ dân đã phải di dời khẩn cấp.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều điểm sạt trượt, lở đất trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và khu dân cư. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giao thông, sản xuất mà còn gây tâm lý lo lắng cho người dân.

Một trong những vụ việc đáng chú ý xảy ra vào tháng 6 vừa qua, tại xã Thượng Minh một phụ nữ đã tử vong do đất đá sạt lở vào ban đêm, vùi lấp một phần ngôi nhà đang ở. Hay tại tổ 16, phường Bắc Kạn, hơn 20 hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở rất cao. Trong đợt mưa giữa tháng 6, có 2 hộ đã phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn xuất hiện sau nhà, hiện đang có dấu hiệu sụt xuống nếu mưa kéo dài.

Chị Hoàng Thị Hương, một trong những hộ dân còn bám trụ tại đây cho biết: “Mùa mưa năm ngoái, chúng tôi đã phải bỏ ra vài chục triệu đồng để san ủi lại đất sạt phía sau nhà. Nhưng năm nay mưa lớn, đất vẫn tiếp tục sạt xuống. Lo lắm, nhưng chưa biết đi đâu bây giờ. Hôm nào mưa to, cứ thay phiên nhau ra sau nhà xem có động tĩnh gì không để còn kịp chạy”.

Thực tế cho thấy, dù đã được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, nhưng vẫn còn nhiều hộ dân chưa chủ động di dời, phần vì ngại di chuyển, phần vì tâm lý chủ quan.

Không riêng tổ 16, phường Bắc Kạn, khu dân cư phường Đức Xuân, nhiều xóm, bản ở vùng núi cũng đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Những ngôi nhà nằm dưới chân đồi cao đều trở nên nguy hiểm, đặc biệt là khi đất đã ngấm nước lâu ngày, khả năng sạt trượt rất lớn.

Lượng đất phía sau nhà anh Tô Thành Luân, ở thôn Tân Hoan, xã Phủ Thông, sạt xuống ngày một lớn.

Lượng đất phía sau nhà anh Tô Thành Luân, ở thôn Tân Hoan, xã Phủ Thông, sạt xuống ngày một lớn.

Gia đình anh Tô Thành Luân, ở thôn Tân Hoan, xã Phủ Thông cũng là một trong số những hộ đang phải sống trong nỗi lo sạt lở. Ngôi nhà của anh nằm ngay sát ta luy dương, phía sau là một quả đồi đất cao. Trận mưa giữa tháng 6 vừa qua đã làm một lượng lớn đất tràn xuống áp sát nhà anh.

“Đêm nào mưa to là cả nhà không ai ngủ yên. Vợ con tôi phải kê giường ra hiên để ngủ, nếu có gì bất trắc còn kịp chủ động”, anh Luân chia sẻ. Trong khu vực anh sinh sống hiện có 5 hộ dân, trong đó có một hộ đã chủ động di dời.

Chính quyền xã đã chuẩn bị sẵn phương án phòng tránh thiên tai, bố trí sẵn nhà họp thôn làm nơi ở tạm cho các hộ nếu buộc phải di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, việc thuyết phục người dân rời bỏ nơi ở lâu năm vẫn là một thách thức.

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu mùa mưa 2025 đến nay, tại địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũ đã xảy ra nhiều đợt thiên tai lớn gây thiệt hại nặng nề. Mưa lớn kéo dài từ tháng 5 đến nay đã gây sạt lở nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn, liên tỉnh, Quốc lộ, vùi lấp vài trăm héc-ta cây nông nghiệp. Cùng với đó, nhiều công trình hạ tầng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... cũng bị hư hỏng nặng, tổng thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Một điểm sạt trượt trên Quốc lộ 3, đoạn qua xã Phủ Thông.

Một điểm sạt trượt trên Quốc lộ 3, đoạn qua xã Phủ Thông.

Hiện nay, đất tại nhiều khu vực đồi núi đã đạt đến độ bão hòa nước, độ kết dính thấp, hoàn toàn có thể gây sạt lở ở các mức độ khác nhau. Dự báo trong thời gian tới, tình hình thời tiết còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập úng cục bộ vẫn ở mức cao

Để hạn chế thiệt hại do sạt lở đất gây ra, các địa phương cần chủ động hơn nữa trong công tác phòng ngừa. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hậu quả của thiên tai cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, từ xa, từ sớm, đặc biệt là tại những khu vực có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, công tác rà soát, đánh giá các điểm có nguy cơ sạt lở cần được tiến hành định kỳ. Trong những trường hợp đặc biệt, cần kiên quyết tổ chức di dời khẩn cấp đối với các hộ dân nằm trong khu vực mất an toàn, đồng thời bố trí nơi ở tạm ổn định cho người dân.

Mỗi hộ dân cũng cần nêu cao tinh thần chủ động phòng tránh, không chủ quan trước diễn biến thời tiết. Việc quan sát địa hình xung quanh nhà, nhận biết các dấu hiệu bất thường như nứt đất, sụt lún, đùn nước… là những kỹ năng cơ bản để bà con phát hiện sạt lở và có biện pháp ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thu Trang

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tai-nguyen-moi-truong/202507/thai-nguyen-hiem-hoa-sat-lo-rinh-rap-khu-vuc-vung-nui-b55077c/
Zalo