Hết thời tìm kiếm theo kiểu cũ

Trong thế giới Internet, cái khác biệt lớn nhất trong năm 2024 này là cách tìm kiếm thông tin đã khác trước. Liệu cái khác biệt này sẽ đem lại một diện mạo hoàn toàn mới cho Internet, đồng thời hủy diệt nhiều trang web trong thời gian tới?

Mãi đến gần đây, muốn tìm thông tin gì, chúng ta mở trình duyệt, gõ vào thanh tìm kiếm để nhận được kết quả là các đường dẫn đi vào các trang web có chứa thông tin đó. Cách làm này dẫn tới nhiều bực bội vì bộ máy tìm kiếm lớn nhất, phổ biến nhất là Google Search tràn ngập đường link quảng cáo, biến kết quả tìm kiếm thành một mớ hổ lốn, không làm ai hài lòng. Dù không quảng cáo, người dùng cũng phải đi vào từng trang, đọc dò từng dòng, đôi lúc vào ra cả chục trang mới thấy thông tin cần tìm. Nay đã xuất hiện những cách tìm thông tin mới, hoàn toàn khác trước, kéo theo những hệ lụy chưa lường hết được.

Kiếm là có

Đầu tiên là OpenAI, vừa cho ra đời ChatGPT Search, trước mắt dành cho khách hàng có trả tiền hàng tháng nhưng hứa hẹn sẽ mở ra cho mọi người dùng. Khác với Google Search, ChatGPT Search cho ra ngay kết quả theo thời gian thật và không có quảng cáo. Chẳng hạn khi hỏi Google Search ti vi nào là tốt nhất cho phòng khách nhà tôi, nó sẽ hiển thị một loạt quảng cáo có hình, rồi các đường link quảng cáo có trả tiền sau rốt mới đến các trang kiểu hướng dẫn tiêu dùng, điểm các ti vi tốt nhất trong năm. Hỏi ChatGPT Search nó sẽ đưa ra câu trả lời cụ thể liệt kê một số ti vi bán chạy kèm theo miêu tả ngắn gọn. Yêu cầu cả hai gợi ý một kế hoạch nghỉ mát bảy ngày ở Ireland, chủ yếu ở miền quê, Google Search chỉ biết liệt kê các trang web du lịch, còn ChatGPT Search đưa ra một lộ trình từng ngày với các địa điểm cụ thể, các hoạt động cụ thể.

Thật ra Google cũng đã biết tìm kiếm theo kiểu cũ đã hết thời nên tìm cách thay đổi. Nay gõ vào thanh tìm kiếm, trong nhiều trường hợp chúng ta sẽ thấy trên đầu trang dòng chữ Search Labs/AI Overview là tính năng Google vừa mới giới thiệu rộng rãi, cũng tìm cách đưa ra câu trả lời trực tiếp cho nhu cầu tìm thông tin của người dùng với bên dưới là các nguồn tham khảo. Hiện nay AI Overview đã được triển khai trên 100 nước với hơn 1 tỉ người dùng.

Nếu các mô hình tìm kiếm mới, kể cả ChatGPT Search hay AI Overview của Google đi theo hướng trình bày hết mọi lẽ, liệt kê hết mọi góc nhìn liên quan, rồi loại bỏ hết mọi bộ lọc trung gian, chuyện kết luận như thế nào để người dùng quyết định, lúc đó nhu cầu tìm thông tin của con người mới phần nào được thỏa mãn. Tuy nhiên, từ đây xuất hiện một nguy cơ thứ nhì, có khả năng hủy diệt toàn bộ Internet như chúng ta từng biết.

Các bộ máy tìm kiếm khác có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đều đi theo hướng đó, như Perplexity.ai. Gõ câu hỏi có nên bổ sung fluor vào nước uống không, Perplexity sẽ đưa ra câu trả lời cho biết đây là vấn đề đang gây tranh cãi. Sau đó trang này sẽ lần lượt trình bày lợi ích và rủi ro khi bổ sung fluor vào nước uống kèm theo một kết luận ngắn gọn.

Khi việc tìm kiếm thông tin trên Internet thay đổi theo hướng nơi cung cấp dịch vụ có nhiệm vụ lục lọi các trang thông tin, trích nội dung liên quan rồi tóm tắt để đưa ra câu trả lời trực tiếp, có những hệ lụy diễn ra, đầu tiên là vấn đề xác định đâu là sự thật, ai có quyền xác định như thế, ai có quyền chọn lọc thông tin để cung cấp cho người dùng.

Biết đâu là đúng

Trên một diễn đàn công nghệ, có ý kiến cho rằng cách tìm kiếm cũ đã đánh mất niềm tin ở người dùng vì pha trộn quảng cáo, bị tác động bởi các trang web khôn khéo sử dụng các chiêu thức tối ưu hóa. Cách tìm kiếm mới dựa vào các mô hình ngôn ngữ lớn cũng khét tiếng vì nạn ảo giác, lấy gì để tin chắc chúng đưa ra câu trả lời đúng. Ví dụ, đặt câu hỏi “Ở Mỹ, người nhập cư trái phép có thể đi bầu cử được không?” chỉ có một câu trả lời đúng là “Không”. Nhưng trên thế giới mênh mông của Internet, có rất nhiều trang web đăng thuyết âm mưu cho rằng nhiều địa phương tìm cách để dân nhập cư vẫn đăng ký đi bầu được. Nếu trên Internet có nội dung như thế, rất có thể một AI đưa nó vào câu trả lời làm người dùng lúng túng.

Đặt câu hỏi theo kiểu đó, rủi ro AI đưa ra câu trả lời chứa thiên kiến, định kiến là rất cao. Ví dụ hỏi người chuyển giới có nên được cho phép thi đấu các môn thể thao theo giới tính họ khai, như chuyển giới nữ trong khi bản chất vẫn là nam có được quyền đấu võ với nữ hay không. Câu trả lời sẽ rất khác nhau giữa một người theo quan điểm bảo thủ và một người có quan điểm cấp tiến; máy sẽ chọn câu trả lời nào, vì sao nó quyết định như thế?

Hết SEO đến GEO

Ba nhà nghiên cứu từ trường Đại học Berkeley, California phát hiện các chatbot ưu tiên tiếp nhận thông tin từ các trang web có ngôn ngữ kỹ thuật, có các từ khóa liên quan và bỏ qua các đặc điểm con người thường chú ý khi đánh giá mức độ tin cậy như ngôn ngữ khách quan không mang định kiến cá nhân. Từ đó nảy sinh nguy cơ chủ các trang web thay vì sử dụng SEO (thủ thuật tối ưu hóa bộ máy tìm kiếm) để đạt thứ hạng cao trong kết quả tìm kiếm kiểu cũ, nay họ sẽ dùng GEO (tối ưu hóa bộ máy tạo sinh) để được các chatbot chú ý, quét thông tin. Trước sau gì cũng có người tìm cách thao túng ChatGPT Search để mỗi khi có ai hỏi máy hút bụi nào là tốt nhất, nó sẽ trích thông tin từ chủ trang web có dùng GEO để quảng bá thương hiệu máy của mình. Nếu Google dễ bị thao túng một thì chatbot dễ bị lung lạc đến mười lần, nhất là tác động lên góc nhìn chung của công chúng.

Nếu các mô hình tìm kiếm mới, kể cả ChatGPT Search hay AI Overview của Google đi theo hướng trình bày hết mọi lẽ, liệt kê hết mọi góc nhìn liên quan, rồi loại bỏ hết mọi bộ lọc trung gian, chuyện kết luận như thế nào để người dùng quyết định, lúc đó nhu cầu tìm thông tin của con người mới phần nào được thỏa mãn. Tuy nhiên, từ đây xuất hiện một nguy cơ thứ nhì, có khả năng hủy diệt toàn bộ Internet như chúng ta từng biết.

Đó là bởi thế giới Internet đa dạng, muôn màu muôn vẻ tồn tại khi con người còn có nhu cầu tìm kiếm lục lọi thông tin họ cần. Giả sử ChatGPT, AI Overview hay Perplexity cứ quét toàn bộ Internet, thu nhặt thông tin chúng cần rồi đóng gói hoàn chỉnh trao cho người dùng, liệu người dùng còn có nhu cầu đi vào các trang web riêng lẻ để đọc thông tin? Hỏi giá cổ phiếu Apple, chúng nói ngay câu trả lời, liệu còn ai vào trang Yahoo! Finance để theo dõi giá cổ phiếu? Hỏi ngày sinh của ông Trump, AI Overview có ngay câu trả lời, vậy có ai vào trang tiểu sử ông Trump trên Wiki để đọc nữa không? Ngay cả khi các AI tạo sinh có nêu nguồn trích dẫn để người đọc có thể nhấp vào kiểm chứng thông tin, các đường dẫn này sẽ rất ít so với hàng chục trang kết quả tìm kiếm theo kiểu cũ.

Ở đây mới thấy thế giới Internet sẽ phân cực nhanh chóng trong thời gian tới. OpenAI khi tung ra ChatGPT Search cho biết họ đã ký hợp đồng hợp tác chia sẻ thông tin với nhiều trang tin tức như hãng tin AP, Reuters, báo Financial Times, Le Monde, The Atlantic, Time, Vox Media… để có thể quét và sử dụng thông tin từ các nguồn này. Trong khi đó, tờ New York Times lại kiện OpenAI ra tòa với cáo buộc nơi này sử dụng thông tin bản quyền của họ không phép. Chưa biết thêm một thời gian nữa, xu hướng bắt tay với OpenAI để tham gia cách tìm kiếm thông tin mới sẽ nổi trội buộc New York Times phải nhượng bộ hay không. Nhưng chắc một điều không ai muốn bỏ lỡ con tàu tìm kiếm thông tin bằng AI vì rủi ro bị trôi vào quên lãng là rất lớn.

Sau cùng, các nhà nghiên cứu cũng khai sinh một khái niệm mới “thế lưỡng nan của câu trả lời trực tiếp”, cảnh báo cách tìm kiếm thông tin theo kiểu hỏi gì đáp nấy có nguy cơ biến kiến thức thành một món mì ăn liền. Một khi con người được cung cấp câu trả lời chế biến sẵn cho câu hỏi của họ, liệu họ có tò mò thắc mắc tìm thêm thông tin trái chiều để tham khảo - có lẽ là không. Có lẽ họ sẽ chấp nhận câu trả lời các chatbot đưa ra là chân lý và bỏ qua các sắc thái khác mà chỉ có một quá trình tìm hiểu, sàng lọc mới đem lại cho người có óc tò mò, hoài nghi và luôn chất vấn đúng sai.

Khi Google giới thiệu AI Overview, tức đưa AI tạo sinh vào tìm kiếm, họ bảo với người dùng: Hãy để Google tìm thông tin cho bạn. Nếu bạn là người thận trọng, rất có thể bạn sẽ không giao phó chuyện tìm kiếm vào bàn tay AI như thế. Bởi như thế sẽ không còn khám phá, mà chỉ còn tiêu thụ kiến thức đóng gói; không còn đường dẫn màu xanh thì Internet cũng sẽ biến mất.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/het-thoi-tim-kiem-theo-kieu-cu/
Zalo