Hết thời hạn, gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được 3,05%

Đây là thông tin do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tại Báo cáo ngày 6/11 gửi tới Quốc hội để phục vụ phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 11/11.

Các gói tín dụng hỗ trợ giải ngân thấp

Theo Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2024 của Bộ Xây dựng, công bố ngày 30/10/2024, tổng dư nợ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (cho vay lãi suất ưu đãi đối với chủ đầu tư, người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ) đến nay là 1.783 tỷ đồng.

Qua tổng hợp, đến nay mới có 34/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố 83 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, trong số các dự án đủ điều kiện vay, đã có 15 dự án ký hợp đồng tín dụng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.633 tỷ đồng.

68 dự án còn lại chưa ký hợp đồng tín dụng cho vay theo Chương trình 120.000 tỷ đồng; trong đó, 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn và có 6 dự án đang được các ngân hàng thương mại thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay.

Đối với người mua nhà, qua rà soát hiện nay nguồn vốn 120.000 tỷ đã giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho người mua nhà tại 12 dự án.

Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam do Thống đốc Nguyễn Thị Hồng ký ngày 6/11 gửi tới Quốc hội để phục vụ phiên chất vấn sáng 11/11, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện nay đã có 09 ngân hàng đăng ký tham gia Chương trình với tổng số tiền các ngân hàng đăng ký tham gia là 145.000 tỷ đồng.

Bà Hồng cho biết, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Chương trình theo hướng quy định mức lãi suất ưu đãi hơn cho người mua nhà.

Hiện nay, NHNN đang tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Xây dựng chủ trì làm việc với NHNN đối với nội dung này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Chương trình hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/5/2022 (Gói hỗ trợ lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng do NHNN xây dựng), NHNN cho biết, đến thời điểm kết thúc chương trình (ngày 31/12/2023), doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 240.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 61.000 tỷ đồng.

Số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 1.218 tỷ đồng cho gần 2.300 khách hàng, tương đương giải ngân được 3,05% tổng quy mô nguồn lực là 40.000 tỷ đồng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nhận xét về việc triển khai các chương trình tín dụng này, Thống đốc cho hay, gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay về nhà ở xã hội nhưng do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế; một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý (về thủ tục về đầu tư, đất đai,...), đa số người dân trên địa bàn thuộc khu vực nông thôn, có thu nhập thấp hoặc đối với công nhân trong các khu công nghiệp không có nhu cầu ở dài hạn nên không có nhu cầu mua nhà ở xã hội, chỉ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội,...

Bên cạnh đó, nhiều khách hàng khó khăn từ dịch Covid -19, mới khôi phục lại sản xuất kinh doanh do được áp dụng các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới; nay lại tiếp tục thiệt hại do cơn bão số 3 nên hầu như không có khả năng khắc phục, không đáp ứng các điều kiện vay mới, dẫn tới nguy cơ nợ xấu gia tăng.

Cải cách thủ tục để cho vay gói cũ và thiết kế các gói hỗ trợ mới

Nêu giải pháp để đẩy mạnh cho vay các gói hỗ trợ, NHNN cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 25/9/2024, như:

Xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng, xây dựng các chương trình, các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới theo quy định hiện hành trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, khẩn trương xét duyệt cho vay mới và tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người vay nhất là vấn đề tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh sau bão...

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với hình thức phù hợp nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc và có giải pháp tháo gỡ, tạo thuận lợi trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng.

Một điểm mới, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3; ban hành Thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của cơn bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3.

Đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Việt Nam, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình cấp có thẩm quyền chấp thuận bổ sung kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2024 lên tối đa 10% và cho phép NHCSXH được bổ sung nguồn lực để cho vay các chương trình tín dụng chính sách;

Chỉ đạo NHCSXH các tỉnh, thành phố rà soát, bổ sung, đề xuất xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng tại các địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do bão lũ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có văn bản công bố thiên tai và chỉ đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trên địa bàn khẩn trương tổng hợp đánh giá tình hình thiệt hại, xem xét thực hiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục khoanh nợ và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/het-thoi-han-goi-ho-tro-40000-ty-dong-moi-giai-ngan-duoc-305-post357735.html
Zalo