Hai tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn của châu Âu là Rheinmetall và MBDA đã quyết định tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực vũ khí laser và đã tiến hành ký thỏa thuận tương ứng, điều này đã được cơ quan báo chí của Rheinmetall đưa tin hôm 20/9.
Mục tiêu là đưa một hệ thống vũ khí laser do hai bên cùng phát triển ra thị trường trong vòng 5 đến 6 năm tới, điều này sẽ mở ra những cơ hội mới, đặc biệt là bảo vệ tàu chiến khỏi máy bay không người lái.
Cả hai "gã khổng lồ" quốc phòng đều tự tin cho rằng chuyên môn bổ sung của họ sẽ giúp phát triển thành công hệ thống laser chiến đấu nhằm đối phó thách thức mới của chiến trường hiện đại.
Thiết bị trình diễn tia laser do Rheinmetall và MBDA phát triển đã được tích hợp trên khinh hạm FGS Sachsen (F219) của Hải quân Đức, từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2023, nó đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm thành công.
Trong những cuộc thử nghiệm từng diễn ra, hơn 100 phát bắn đã được thực hiện và chứng minh rằng tia laser công suất lớn có khả năng tiêu diệt thành công các mục tiêu trong môi trường hàng hải.
Theo thông tin đăng tải trên Tạp chí Quốc phòng Châu Âu vào thời điểm đó, Tập đoàn MBDA chịu trách nhiệm về hệ thống theo dõi và thu thập mục tiêu, bảng điều khiển và giao diện hệ thống vũ khí dẫn đường.
Trong khi đó đối tác của họ là Tập đoàn Rheinmetall làm việc trực tiếp trên tia laser, bao gồm hệ thống căn chỉnh, dẫn hướng chùm tia, cơ cấu phát và tích hợp tổ hợp vũ khí laser trên chiến hạm.
Đại diện của Tập đoàn Rheinmetall cho biết, hiệu quả chiến đấu của vũ khí laser đã được chứng minh trong nhiều tình huống phức tạp, với điều kiện hoạt động thực tế khác nhau.
Bên cạnh hệ thống pháo binh và tên lửa dẫn đường, vũ khí laser tỏ ra đặc biệt phù hợp để chống lại các mối đe dọa từ "bầy đàn" máy bay không người lái, tàu cao tốc và có thể cả tên lửa hành trình ở cự ly gần hoặc rất gần.
Ngoài ra trong tương lai, hệ thống vũ khí năng lượng cao này có thể được nâng cấp để tiêu diệt tên lửa siêu thanh, rocket cũng như đạn cối và đạn pháo… ở cự ly xa hơn nhiều so với hiện nay.
Sản phẩm vũ khí laser của hai tập đoàn Rheinmetall và MBDA dựa trên công nghệ quang phổ. Được biết công suất đầu ra của chùm tia có thể đạt tới 20 kW với mật độ rất cao.
Giống như các loại tia laser mạnh mẽ khác, thiết bị trình diễn từng lắp đặt trên tàu chiến của Hải quân Đức bao gồm 12 module laser sợi quang gần như giống hệt nhau, với chùm tia được giới hạn ở mức 2 kW mỗi module
Các chùm tia laser nhỏ được kết hợp thành một với sự trợ giúp của công nghệ lưới điện môi, cho phép thu được chùm tia công suất cao đồng đều và mang năng lượng lớn đủ để hủy diệt mục tiêu.
Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, châu Âu sẽ có một vũ khí năng lượng cao rất lợi hại, có thể đi trước đối tác lớn là Mỹ và bỏ xa hai đối thủ chủ đạo bao gồm Nga và Trung Quốc.
Việt Dũng