Hệ thống 'Vòm Vàng': Nguồn gốc, cách thức hoạt động và những công nghệ đằng sau

Tổng thống Donald Trump công bố hệ thống phòng thủ tên lửa 'Vòm Vàng' trị giá 175 tỷ USD, sử dụng mạng lưới vệ tinh và laser, lấy cảm hứng từ dự án 'Star Wars'. Công nghệ có gì đặc biệt?

 Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra thông báo liên quan đến lá chắn phòng thủ tên lửa "Vòm Vàng" tại Phòng Bầu dục hôm 20/5. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra thông báo liên quan đến lá chắn phòng thủ tên lửa "Vòm Vàng" tại Phòng Bầu dục hôm 20/5. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã công bố thiết kế hệ thống phòng thủ tên lửa mới có tên “Golden Dome” (Vòm Vàng) và bổ nhiệm người đứng đầu chương trình quốc phòng đầy tham vọng trị giá 175 tỷ USD.

Dưới đây là chi tiết về hệ thống “Vòm Vàng” – nguồn gốc, cách thức hoạt động và những công nghệ đằng sau hệ thống này.

Cơ chế hoạt động của “Vòm Vàng”

Hệ thống “Vòm Vàng” được thiết kế như một mạng lưới gồm hàng trăm vệ tinh bay quanh Trái Đất, trang bị cảm biến tinh vi và tên lửa đánh chặn, nhằm tiêu diệt các tên lửa địch ngay sau khi chúng được phóng đi từ các quốc gia như Trung Quốc, Iran, Triều Tiên hoặc Nga.

"Tôi đã hứa với người dân Mỹ rằng tôi sẽ xây dựng một lá chắn phòng thủ tên lửa tối tân để bảo vệ Tổ quốc khỏi các mối đe dọa từ nước ngoài", Tổng thống Trump phát biểu khi công bố sáng kiến hôm 20/5.

Trước đó vào tháng 4, Lầu Năm Góc đã đề nghị các nhà thầu quốc phòng đưa ra đề xuất thiết kế mạng lưới có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ngay trong “giai đoạn tăng tốc” – thời điểm ngay sau khi tên lửa rời bệ phóng và vẫn đang trong quá trình leo dốc chậm và có thể dự đoán qua khí quyển Trái Đất. Đây là bước tiến so với các hệ thống hiện tại, vốn chỉ đánh chặn khi tên lửa đã bay vào không gian.

Hệ thống “Vòm Vàng” sẽ xác định và đánh chặn tên lửa trong giai đoạn đầu bằng đạn đánh chặn hoặc laser; nếu không thành công, hệ thống sẽ tiếp tục theo dõi và bắn hạ mục tiêu trong không gian bằng các tên lửa đánh chặn mặt đất hiện có, bố trí tại California và Alaska.

Ngoài lớp đánh chặn không gian, hệ thống sẽ có thêm lớp phòng thủ thứ hai ngay trong lãnh thổ hoặc xung quanh nước Mỹ – điều từng được Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Lầu Năm Góc nghiên cứu trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Những công nghệ đằng sau hệ thống "Vòm Vàng"

Vệ tinh cảm biến quỹ đạo thấp

“Vòm Vàng” sẽ sử dụng mạng lưới hàng trăm vệ tinh ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO), được trang bị cảm biến hồng ngoại và radar độ phân giải cao, có khả năng: Phát hiện tia lửa động cơ tên lửa ngay sau khi phóng (giai đoạn boost phase). Xác định hướng bay, tốc độ, chủng loại tên lửa trong thời gian thực. Truyền dữ liệu tức thì tới trung tâm chỉ huy và hệ thống đánh chặn.

Công nghệ này được kế thừa và nâng cấp từ các cảm biến của hệ thống Hypersonic and Ballistic Tracking Space Sensor (HBTSS) do L3Harris và Northrop Grumman phát triển.

Đánh chặn bằng vũ khí năng lượng định hướng (DEW)

Một phần tham vọng của "Vòm Vàng" là tích hợp các vũ khí laser đặt trên vệ tinh hoặc máy bay không người lái tầng cao (HALE UAVs) để bắn hạ tên lửa địch trong giai đoạn đầu: Laser công suất cao có thể làm hỏng đầu đạn hoặc hệ thống dẫn đường của tên lửa trong vài giây. Không cần kho đạn vật lý, giảm chi phí mỗi lần bắn.

Công nghệ này từng được thử nghiệm trong các chương trình vũ khí laser trên không của DARPA và Boeing.

AI và hệ thống chỉ huy tự động

"Vòm Vàng" sử dụng nền tảng phần mềm tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để: Phân tích dữ liệu hàng nghìn vệ tinh và cảm biến cùng lúc. Ra quyết định đánh chặn trong thời gian tính bằng mili-giây. Điều phối đồng thời nhiều phương án đánh chặn: laser, tên lửa, UAV...

Công nghệ phần mềm nhiều khả năng do Palantir phát triển, kết hợp với dữ liệu vệ tinh từ SpaceX (Starlink Defense) và hệ thống cảm biến của Lockheed Martin.

Hệ thống đánh chặn đa tầng

Hệ thống sẽ hoạt động theo mô hình đa lớp đánh chặn, gồm:

- Tầng ngoài không gian (exo-atmospheric): sử dụng các tên lửa đánh chặn tầm xa (như GBI – Ground-Based Interceptors ở Alaska và California) để tiêu diệt ICBM ngoài khí quyển.

- Tầng khí quyển trung bình: vũ khí laser và drone tầm cao đánh chặn tên lửa ở giai đoạn giữa.

- Tầng mặt đất: phòng thủ cuối cùng bằng hệ thống Patriot, THAAD hoặc các đơn vị đánh chặn trong lãnh thổ Mỹ.

Tính năng dự đoán đường bay và "đánh chặn thông minh"

"Vòm Vàng" không chỉ phát hiện và phá hủy mà còn phân tích xem mục tiêu có đe dọa thực sự hay không: Nếu tên lửa không nhắm vào khu vực dân cư hay cơ sở trọng yếu, hệ thống sẽ bỏ qua để tiết kiệm chi phí đánh chặn. Tương tự cơ chế hoạt động “chọn lọc mục tiêu” của hệ thống Iron Dome của Israel, nhưng ở tầm cao hơn rất nhiều.

 Hình ảnh hệ thống Vòm Sắt của Israel đang hoạt động nhằm đánh chặn các tên lửa từ bên ngoài. Ảnh: Getty.

Hình ảnh hệ thống Vòm Sắt của Israel đang hoạt động nhằm đánh chặn các tên lửa từ bên ngoài. Ảnh: Getty.

“Vòm Vàng” có giống “Vòm Sắt” của Israel?

“Chúng tôi đã giúp Israel phát triển hệ thống đó, và nó rất thành công. Giờ đây chúng tôi sở hữu công nghệ còn tiên tiến hơn nhiều”, ông Trump phát biểu, ám chỉ đến hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel.

“Vòm Sắt” được thiết kế để đánh chặn các loại tên lửa tầm ngắn, như rocket do Hamas bắn từ Dải Gaza. Hệ thống được phát triển bởi công ty Rafael của Israel, với sự hỗ trợ từ Mỹ, và đi vào hoạt động từ năm 2011.

Mỗi đơn vị “Vòm Sắt” có thể di chuyển bằng xe tải, sử dụng radar dẫn đường cho các tên lửa đánh chặn để phá hủy mục tiêu trong không trung. Hệ thống cũng có thể xác định liệu tên lửa có đe dọa khu vực dân cư hay không; nếu không, nó sẽ bỏ qua mục tiêu để tiết kiệm chi phí.

Ban đầu, “Vòm Sắt” được thiết kế để bảo vệ thành phố trước các tên lửa có tầm bắn từ 4 đến 70 km, nhưng các chuyên gia cho biết phạm vi này hiện đã được mở rộng.

Sự hồi sinh của chương trình “Star Wars” thời Reagan?

"Chúng tôi thực sự đang hoàn thiện công việc mà Tổng thống Reagan đã khởi xướng cách đây 40 năm – chấm dứt vĩnh viễn mối đe dọa tên lửa đối với nước Mỹ", ông Trump tuyên bố hôm thứ Ba.

Ý tưởng gắn bệ phóng hoặc laser lên vệ tinh để bắn hạ tên lửa đạn đạo liên lục địa từ không gian thực ra không mới – đây là cốt lõi của chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” (Star Wars) mà Tổng thống Ronald Reagan đưa ra trong những năm 1980.

Chương trình đó, có tên chính thức là “Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược” (Strategic Defense Initiative - SDI), được công bố vào năm 1983 như một hướng đi đột phá nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa hạt nhân.

Mục tiêu là phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa không gian, có khả năng tự động phát hiện và tiêu diệt hàng loạt tên lửa địch ở cả ba giai đoạn: khi được phóng đi, trong hành trình bay và khi tiếp cận mục tiêu. Tuy nhiên, SDI đã thất bại do quá đắt đỏ, công nghệ chưa đủ tầm, không thể thử nghiệm đầy đủ và vi phạm hiệp ước tên lửa chống đạn đạo (ABM) đang có hiệu lực lúc đó.

 Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump khi họ tham dự giải vô địch đấu vật nam NCAA tại Philadelphia, Pennsylvania, ngày 22/3. Ảnh: Reuters.

Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump khi họ tham dự giải vô địch đấu vật nam NCAA tại Philadelphia, Pennsylvania, ngày 22/3. Ảnh: Reuters.

Ai sẽ xây dựng “Vòm Vàng”?

Công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Elon Musk – đồng minh thân cận của ông Trump – đang nổi lên là ứng viên hàng đầu để triển khai vệ tinh, cùng với hãng phần mềm Palantir và công ty sản xuất drone Anduril.

Nhiều hệ thống ban đầu dự kiến sẽ được sản xuất từ dây chuyền hiện có. Tại buổi họp báo ở Nhà Trắng, các cái tên như L3Harris Technologies, Lockheed Martin và RTX Corp cũng được nhắc đến như các nhà thầu tiềm năng.

L3 đã đầu tư 150 triệu USD xây dựng cơ sở mới ở Fort Wayne, Indiana để sản xuất các vệ tinh cảm biến theo dõi tên lửa siêu thanh và đạn đạo – một phần trong nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm phát hiện sớm vũ khí siêu thanh từ không gian, và công nghệ này hoàn toàn có thể tích hợp vào Golden Dome.

Hiện tại, nguồn tài chính cho Golden Dome vẫn là một dấu hỏi lớn. Một số nghị sĩ Cộng hòa đã đề xuất khoản đầu tư ban đầu trị giá 25 tỷ USD trong gói quốc phòng trị giá 150 tỷ USD. Tuy nhiên, đề xuất này đang bị ràng buộc vào một dự luật điều chỉnh ngân sách gây tranh cãi, vốn vấp phải nhiều rào cản trong Quốc hội.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/he-thong-vom-vang-nguon-goc-cach-thuc-hoat-dong-va-nhung-cong-nghe-dang-sau-post185784.html
Zalo