Hệ thống tên lửa phóng loạt M270A2: Hiệu quả làm nên 'huyền thoại'

Với hệ thống tên lửa phóng loạt M270A2 hiện đại hóa, Quân đội Mỹ tiếp tục chứng minh cam kết của mình trong việc duy trì ưu thế công nghệ và sự sẵn sàng trước các mối đe dọa mới nổi.

Lữ đoàn pháo binh dã chiến số 41 (FAB số 41) của Quân đội Mỹ, đóng quân tại căn cứ quân sự Grafenwoehr ở Bavaria, Đức, vừa được tăng cường đáng kể hỏa lực thông qua việc triển khai 9 hệ thống tên lửa phóng loạt M270A2 MLRS.

Là phiên bản mới nhất của nền tảng M270 đã được chứng minh hiệu quả trong thực chiến, hệ thống tên lửa phóng loạt M270A2 kết hợp một loạt các nâng cấp tiên tiến giúp tăng cường khả năng sát thương, tính cơ động và khả năng sống sót, đảm bảo rằng nó vẫn là nền tảng cho khả năng chiến đấu của Mỹ và NATO tại châu Âu.

Hệ thống tên lửa phóng loạt M270A2 tham gia một cuộc tập trận với các đồng minh NATO ở Phần Lan, tháng 11/2024. Ảnh: DVIDS

Hệ thống tên lửa phóng loạt M270A2 tham gia một cuộc tập trận với các đồng minh NATO ở Phần Lan, tháng 11/2024. Ảnh: DVIDS

Hệ thống tên lửa phóng loạt M270 có lịch sử lâu đời và đáng nể. Lần đầu tiên được giới thiệu vào đầu những năm 1980, nó được thiết kế để cung cấp hỏa lực cơ động và sát thương cao, có khả năng tấn công các khu vực mục tiêu bằng hỗn hợp đạn dược không dẫn đường và có dẫn đường chính xác.

Trong nhiều thập kỷ, M270 đã trải qua nhiều lần cải tiến để duy trì hiệu quả trước các mối đe dọa đang phát triển. Những cải tiến này đã tăng hiệu quả hoạt động của nền tảng, đặc biệt là thông qua các bản nâng cấp trong thập kỷ qua.

M270A2 là phiên bản tiên tiến nhất của hệ thống tên lửa phóng loạt "huyền thoại" này cho đến nay. Thứ nhất, trọng tâm của quá trình hiện đại hóa là tích hợp Hệ thống kiểm soát hỏa lực chung (CFCS), giống như hệ thống đang được sử dụng trên "hỏa thần" HIMARS (Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao).

Việc chuẩn hóa này giúp đơn giản hóa quá trình đào tạo, cải thiện hiệu quả hậu cần và tăng cường khả năng tương tác giữa các nền tảng, cho phép phối hợp liền mạch trong các hoạt động chung và liên minh.

Hệ thống tên lửa phóng loạt M270A2 của pháo binh Mỹ tại Grafenwoehr, Bavaria, Đức. Ảnh: Militarnyi, Stars & Strips

Hệ thống tên lửa phóng loạt M270A2 của pháo binh Mỹ tại Grafenwoehr, Bavaria, Đức. Ảnh: Militarnyi, Stars & Strips

Thứ hai, M270A2 cũng nổi bật với những cải tiến đáng kể về khả năng cơ động và khả năng sống sót. Nó có động cơ 600 mã lực mới và hộp số được nâng cấp, mang lại khả năng cơ động, độ tin cậy và hiệu suất được cải thiện trên các địa hình đầy thách thức và trong các nhiệm vụ kéo dài.

Thứ ba, cabin bọc thép đã được thiết kế lại để bảo vệ tốt hơn cho kíp lái trước hỏa lực vũ khí nhỏ, mảnh đạn và mìn, gia tăng khả năng sống sót cho quân nhân trong môi trường xung đột khốc liệt.

Thứ tư, cải tiến quan trọng nhất đối với M270A2 nằm ở khả năng tương thích với các loại đạn dược hiện đại như đạn ER-GMLRS tầm xa.

ER-GMLRS là tên lửa dẫn đường chính xác thế hệ tiếp theo được thiết kế để cung cấp hỏa lực tầm xa, gây ra ít thiệt hại ngoài ý muốn. Nó dài 3,93 m và rộng 0,22 m, với mỗi khoang phóng có khả năng mang 6 tên lửa. M270A2 có thể mang 2 ổ tên lửa như vậy – tăng gấp đôi hỏa lực so với 1 ổ tên lửa của hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS.

Hệ thống tên lửa phóng loạt M270A2 có thể khai hỏa đạn ER-GMLRS tầm xa. Ảnh: Army Technology

Hệ thống tên lửa phóng loạt M270A2 có thể khai hỏa đạn ER-GMLRS tầm xa. Ảnh: Army Technology

ER-GMLRS có gói dẫn đường quán tính hỗ trợ hệ thống định vị toàn cầu và các cánh nhỏ điều khiển trên mũi tên lửa để tăng cường độ chính xác và độ chuẩn xác. Tên lửa được trang bị thêm động cơ lớn hơn và hệ thống điều khiển bằng đuôi để cải thiện tầm bắn và khả năng cơ động, giúp nó có hiệu quả cao trong việc tấn công cả các mục tiêu cụ thể và các mục tiêu diện tích rộng hơn.

Nó tương thích với cả cấu hình Đầu đạn đơn nhất (UW) và Đầu đạn thay thế (AW), mang lại sự linh hoạt để thích ứng với các yêu cầu nhiệm vụ khác nhau.

Trong một cuộc thử nghiệm được tiến hành tại Trường bắn tên lửa White Sands vào tháng 10/2022, đạn ER-GMLRS đã chứng minh khả năng của mình bằng cách bắn trúng mục tiêu cách xa khoảng 59 km trong một cuộc thử nghiệm bay tầm ngắn, đáp ứng mọi tiêu chí được xác định trước.

Những cải tiến này giúp tăng cường đáng kể phạm vi hoạt động và khả năng sát thương của M270A2, cho phép nó tấn công các mục tiêu cách xa tới 150 km bằng đạn ER-GMLRS.

Tên lửa tấn công chính xác (PrSM) của Lockheed Martin đang nằm trong ổ phóng. Ảnh: Militarnyi

Tên lửa tấn công chính xác (PrSM) của Lockheed Martin đang nằm trong ổ phóng. Ảnh: Militarnyi

Thứ năm, M270A2 cũng được thiết kế để khai hỏa Tên lửa tấn công chính xác (PrSM), với tầm bắn thậm chí còn lớn hơn, vượt quá 500 km, giúp khuếch đại thêm tiện ích trên chiến trường của hệ thống tên lửa phóng loạt trứ danh này.

Với những tiến bộ này, M270A2 đảm bảo rằng FAB 41 – còn được gọi là "Rail Gunners" và là lữ đoàn pháo binh tên lửa duy nhất của Quân đội Mỹ đóng tại châu Âu – vẫn là một lực lượng mạnh mẽ và phản ứng nhanh.

Các hệ thống tên lửa phóng loạt này tăng cường khả năng cung cấp hỏa lực hỗ trợ chính xác và tầm xa của lữ đoàn, cung cấp các khả năng quan trọng để ngăn chặn sự xâm nhập của kẻ địch và hỗ trợ chiến lược phòng thủ tập thể của NATO tại châu Âu.

Tóm lại, bằng cách hiện đại hóa với M270A2, Quân đội Mỹ tiếp tục chứng minh cam kết của mình trong việc duy trì ưu thế công nghệ và sự sẵn sàng trước các mối đe dọa mới nổi.

Minh Đức (Theo Army Recognition, Defence Blog)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Công Nghệ xem các tin, bài liên quan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/he-thong-ten-lua-phong-loat-m270a2-hieu-qua-lam-nen-huyen-thoai-20424121915565359.htm
Zalo