Hệ thống phòng không Trung, Ấn bị loại bởi chính đồng minh BRICS vì lý do công nghệ

Trong nỗ lực thâm nhập thị trường quốc phòng Mỹ Latinh, cả Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục gặp trở ngại khi Brazil, một thành viên BRICS, đã từ chối hai loại hệ thống tên lửa phòng không Akash và Tianlong 50 để theo đuổi giải pháp công nghệ cao từ châu Âu.

Theo Eurasian Times, kể từ cuối năm 2023, lục quân Brazil đã phát hành hai yêu cầu báo giá (RFQ) nhằm tìm kiếm một hệ thống pháo phòng không tầm trung - cao (Medium-Altitude/High-Altitude Air Defense System). Hai ứng viên đáng chú ý là Akash của Ấn Độ và Tianlong 50 (Sky Dragon 50) do Trung Quốc sản xuất.

Brazil từng cử các đoàn quân sự tới Trung Quốc và Ấn Độ để trực tiếp quan sát diễn tập bắn đạn thật. Hệ thống Akash được đích thân Tổng tham mưu trưởng lục quân Brazil, tướng Tomas Miguel Paiva, thị sát trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 8.2023. Trong khi đó, Tianlong 50 và pháo tự hành SH15 cũng được Trung Quốc trình diễn cho Brazil cùng năm.

Dù cả hai bên đều nỗ lực quảng bá năng lực, Brazil rốt cuộc đã dừng đàm phán với New Delhi và Bắc Kinh để chuyển hướng sang hệ thống EMADS (Enhanced Modular Air Defence Solutions), một tổ hợp tên lửa phòng không mô đun của châu Âu sử dụng tên lửa CAMM-ER với tầm bắn trên 40km, vượt xa Akash (25 - 30km).

Tổ hợp tên lửa phòng không EMADS của châu Âu - Ảnh: MDAA

Tổ hợp tên lửa phòng không EMADS của châu Âu - Ảnh: MDAA

Yếu tố công nghệ - lý do khiến Akash và Tianlong bị loại

Theo truyền thông Brazil, mặc dù Ấn Độ từng công bố hệ thống Akash đạt tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu tuyệt đối trong cuộc xung đột ngắn ngày với Pakistan hồi tháng 5, song điều đó không đủ thuyết phục giới chức quân sự Brazil. Nguyên nhân chính nằm ở khoảng cách công nghệ giữa các hệ thống được chào bán và nhu cầu tác chiến hiện đại mà Brazil đang hướng tới.

Hệ thống phòng không Akash của Ấn Độ - Ảnh: Eurasian Times

Hệ thống phòng không Akash của Ấn Độ - Ảnh: Eurasian Times

Cụ thể, Ấn Độ chỉ đề xuất xuất khẩu phiên bản Akash cũ, vốn sử dụng công nghệ nội địa hoàn toàn, thay vì biến thể mới hơn là Akash-NG, hiện đại hơn và có sự tham gia phát triển của các đối tác công nghệ từ Israel. Phiên bản Akash cũ bị đánh giá là khó thích nghi với các hệ thống chỉ huy - kiểm soát hiện đại và kém linh hoạt trong tích hợp tác chiến mạng lưới.

Trái lại, hệ thống EMADS của MBDA đã được biên chế trong lục quân Anh từ năm 2018 theo chương trình Land Ceptor, đồng thời đang được triển khai tại Ba Lan. Với tên lửa CAMM-ER dẫn đường bằng radar chủ động, khả năng đánh chặn ngoài đường chân trời và tốc độ phản ứng cao, EMADS thể hiện rõ ưu thế vượt trội cả về công nghệ lẫn khả năng triển khai thực tế.

Một điểm nổi bật khiến EMADS trở nên hấp dẫn hơn là khả năng tích hợp vào nhiều lực lượng. Tên lửa CAMM-ER cũng đang được trang bị cho tàu hộ vệ lớp Tamandare - dự án đóng mới của hải quân Brazil. Việc sử dụng cùng một hệ thống phòng không cho cả hải quân và lục quân giúp tối ưu chi phí huấn luyện, hậu cần và bảo trì, đồng thời tạo ra mạng lưới phòng thủ đồng bộ giữa các quân chủng.

Ngoài ra, Brazil đặc biệt quan tâm tới khả năng sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ. MBDA sẵn sàng đàm phán các điều kiện cho phép lắp ráp và bảo dưỡng tại chỗ, qua đó mở rộng nền tảng công nghiệp quốc phòng nội địa. Trong khi đó, các công ty Ấn Độ như Bharat Dynamics Limited (BDL) và Bharat Electronics (BEL) bị cho là thiếu linh hoạt trong đàm phán và kiên quyết giữ lại công nghệ phiên bản cũ, không sẵn sàng chuyển giao công nghệ lõi hay nâng cấp lên thế hệ mới.

Phía Trung Quốc, dù đã tổ chức các buổi trình diễn bắn thật khá ấn tượng với Tianlong 50 và pháo tự hành SH15, vẫn không đưa ra đề xuất mang tính tích hợp hệ sinh thái như đối thủ châu Âu. Hệ thống Tianlong cũng gặp giới hạn về tầm bắn, phạm vi radar, và thiếu khả năng tương thích với hệ thống phòng thủ chuẩn NATO, điều được Brazil coi là tiêu chí quan trọng trong lựa chọn vũ khí.

Hệ thống phòng không Tianlong 50 của Trung Quốc - Ảnh: Global Security

Hệ thống phòng không Tianlong 50 của Trung Quốc - Ảnh: Global Security

Tổng hòa các yếu tố kể trên cho thấy, quyết định của Brazil không chỉ dựa trên hiệu năng đơn lẻ, mà phản ánh rõ định hướng ưu tiên công nghệ đã được kiểm chứng, khả năng tích hợp liên quân và giá trị chuyển giao công nghiệp, những khía cạnh mà EMADS hiện đang dẫn đầu.

Ấn Độ và Trung Quốc vẫn "đứng ngoài" thị trường quân sự Mỹ Latinh

Thất bại trong thương vụ phòng không với Brazil chỉ là một phần trong chuỗi nỗ lực chưa thành công của Ấn Độ và Trung Quốc tại Mỹ Latinh. Trước đó, Argentina đã từ chối cả LCA Tejas của Ấn Độ và JF-17 Thunder của Trung Quốc, dù từng được đánh giá là lựa chọn phù hợp về chi phí. Cuối cùng, Buenos Aires lại chọn mua 24 chiếc F-16 đã qua sử dụng của Đan Mạch.

Máy bay trực thăng Dhruv của Ấn Độ cũng bị loại khỏi các gói thầu ở Peru, Chile và Ecuador sau nhiều tai nạn ở Ecuador, nơi từng mua Dhruv nhưng sau đó chấm dứt hợp đồng. Tương tự, xe tăng MBT-2000 và trực thăng H-425 của Trung Quốc từng thu hút sự quan tâm ở Peru và Bolivia nhưng đều không tiến xa hơn giai đoạn thử nghiệm.

Hiện tại, theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Venezuela là khách hàng lớn nhất của vũ khí Trung Quốc tại Mỹ Latinh, trong khi Ấn Độ vẫn chưa có hợp đồng lớn đáng kể nào trong khu vực.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/he-thong-phong-khong-trung-an-bi-loai-boi-chinh-dong-minh-brics-vi-ly-do-cong-nghe-235057.html
Zalo