Hệ thống lưu trữ thế hệ mới thúc đẩy thị trường năng lượng tại Trung Quốc

Tại huyện ven biển Rudong, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, một cấu trúc thép cao tương đương 35 tầng chứa khoảng 1.000 khối trọng lực nặng 25 tấn. Những khối này được nâng lên để lưu trữ năng lượng tái tạo dư thừa và hạ xuống để phát điện khi nhu cầu đạt đỉnh.

Một khu lưu trữ năng lượng ở Trung Quốc. Ảnh AP

Một khu lưu trữ năng lượng ở Trung Quốc. Ảnh AP

Khi hoàn thành toàn bộ, hệ thống sẽ có tổng cộng 12.000 khối trọng lực, có thể tạo ra 100.000 kilowatt-giờ điện chỉ trong vòng 4 giờ.

Dự án thử nghiệm này là một ví dụ điển hình cho nền kinh tế lưu trữ năng lượng đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. Dựa trên lợi thế sẵn có trong lĩnh vực xe điện, pin lithium và tấm pin mặt trời, Trung Quốc hiện đang mở ra một hướng đi mới trong tăng trưởng kinh tế với công nghệ lưu trữ năng lượng thế hệ mới.

Việc mở rộng nhanh chóng công suất năng lượng sạch tại Trung Quốc đặt ra bài toán lớn về lưu trữ điện xanh, từ đó thúc đẩy hàng loạt giải pháp sáng tạo.

Theo dữ liệu mới nhất từ Liên minh Lưu trữ Năng lượng Trung Quốc (CNESA), đến cuối năm 2024, tổng công suất lắp đặt của các hệ thống lưu trữ năng lượng thế hệ mới đã lần đầu tiên vượt qua công suất của các trạm thủy điện tích năng truyền thống.

Kỳ vọng thị trường khổng lồ

Lưu trữ năng lượng thế hệ mới đã trở thành trọng tâm trong nhiều kế hoạch phát triển công nghiệp cấp khu vực tại Trung Quốc. Theo CNESA, giá trị thị trường này dự kiến sẽ vượt 3.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 412,2 tỷ USD) vào năm 2025.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nhắm đến thị trường đầy tiềm năng này. Cuối năm 2024, nhà máy lưu trữ năng lượng Megafactory của Tesla tại Thượng Hải đã bắt đầu chạy thử nghiệm dòng pin Megapack. Đây là nhà máy đầu tiên của Tesla ngoài lãnh thổ Mỹ và dự kiến sẽ đi vào khai thác hàng loạt trong quý I năm nay.

Megapack là hệ thống lưu trữ năng lượng điện hóa sử dụng pin lithium – một công nghệ chủ đạo trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng thế hệ mới. Phó Chủ tịch Tesla, bà Tao Lin, nhận định rằng Trung Quốc sở hữu chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh, thị trường rộng lớn và môi trường khai thác – kinh doanh lý tưởng để thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp.

Các giải pháp lưu trữ năng lượng sáng tạo

Các kỹ sư Trung Quốc đang nghiên cứu nhiều cách thức mới để lưu trữ nguồn điện dồi dào từ năng lượng sạch. Ngoài hệ thống lưu trữ trọng lực, họ còn thử nghiệm hàng loạt giải pháp lưu trữ thông minh khác và xây dựng nhiều dự án quy mô lớn.

Tại thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, một hệ thống lưu trữ sử dụng khí nén đã được triển khai. Không khí được nén ở áp suất trên 120 atm trong các hang muối nằm sâu 1.000 mét dưới lòng đất. Nhiệt lượng sinh ra được truyền vào dầu nhiệt, sau đó điện được tái tạo theo yêu cầu.

Nhà máy lưu trữ này, đi vào hoạt động từ tháng 5/2022, đã giúp tiết kiệm 40.000 tấn than tiêu chuẩn mỗi năm và giảm hơn 150.000 tấn khí CO₂ thải ra môi trường.

Ngày 2/1, dự án lưu trữ năng lượng bánh đà từ tính đơn lẻ lớn nhất thế giới đã chính thức hòa lưới điện và đi vào hoạt động liên tục tại Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông. Trong quá trình lưu trữ năng lượng, điện năng từ bên ngoài sẽ làm cho rotor bánh đà quay nhanh hơn, từ đó chuyển đổi thành năng lượng động học để lưu trữ.

Đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ lưu trữ năng lượng

Khi thị trường trong nước ngày càng cạnh tranh, các doanh nghiệp lưu trữ năng lượng của Trung Quốc đang đẩy mạnh tốc độ mở rộng ra thị trường quốc tế, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi.

Tháng 7/2024, Sungrow Power Supply đã ký hợp đồng dự án lưu trữ năng lượng quy mô lớn với công ty Algihaz của Ả Rập Xê Út, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm nay.

Trước đó, công ty có trụ sở tại Hợp Phì, tỉnh An Huy cũng đã ký thỏa thuận với Citicore của Philippines và Fidra Energy của Anh. Đơn hàng 1,5 GWh của Citicore là lớn nhất tại Đông Nam Á, trong khi đơn hàng 4,4 GWh của Fidra Energy lập kỷ lục về lưu trữ năng lượng tại châu Âu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei, Envision Energy, CORNEX và Sunwoda cũng đã giành được các hợp đồng lưu trữ năng lượng quan trọng tại Philippines, Nam Phi, Ý và Úc.

“Doanh nghiệp Trung Quốc khi vươn ra thế giới sở hữu lợi thế lớn về thương hiệu, phản ứng thị trường nhanh nhạy và khả năng cạnh tranh tổng thể mạnh mẽ”, giáo sư Tôn Xuyên Vượng, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc thuộc Đại học Hạ Môn, nhận định.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/he-thong-luu-tru-the-he-moi-thuc-day-thi-truong-nang-luong-tai-trung-quoc-723922.html
Zalo