Hệ thống chống tên lửa THAAD của Mỹ mạnh cỡ nào và vì sao được gửi đến Israel?

Động thái của Mỹ trong bối cảnh Israel có ý định trả đũa cuộc tấn công tên lửa của Iran, trong khi Tehran cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ, có thể bao gồm các mục tiêu của Mỹ trong khu vực.

Hệ thống phòng thủ tên lửa lợi hại!

Trong một thông báo hôm 13/10, Lầu Năm Góc cho biết, trong đợt hỗ trợ quân sự mới nhất cho Israel, Mỹ sẽ gửi hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tiên tiến cho nước này, cùng với ê kíp vận hành gần 100 quân nhân.

Mục đích theo tuyên bố, để giúp tăng cường khả năng phòng không của Israel trước bất kì cuộc tấn công tên lửa đạn đạo nào của Iran.

THAAD do Lockheed Martin sản xuất, lần đầu tiên được quân đội Mỹ triển khai tháng 5/2008. Hệ thống được cho có giá từ 1- 1,8 tỉ đô la.

Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, được trang bị radar AN/TPY-2 để phát hiện các mục tiêu đang bay tới từ khoảng cách xa, cho phép đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở giai đoạn cuối. Tên lửa của THAAD có tầm bắn 150-200km.

 Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD khai hỏa. Nguồn: Ssbcrack.com

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD khai hỏa. Nguồn: Ssbcrack.com

Theo Trung tâm Kiểm soát và hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân, hệ thống THAAD có thể đánh chặn tên lửa bên trong và bên ngoài bầu khí quyển của Trái Đất trong giai đoạn bay cuối cùng, sau khi đầu đạn tách ra xâm nhập trở lại bầu khí quyển của Trái Đất hướng đến mục tiêu.

Một hệ thống THAAD thường bao gồm 6 bệ phóng di động gắn trên xe tải với 48 tên lửa đánh chặn, một hệ thống radar và một bộ phận điều khiển hỏa lực và thông tin.

Là một hệ thống phức tạp, THAAD cần một e kíp vận hành lên tới 95 binh sĩ.

Tuy nhiên số lượng bệ phóng và tên lửa đánh chặn có thể tùy biến.

Tên lửa đánh chặn của THAAD không mang đầu đạn, cho phép chúng đạt độ cao lớn một cách nhanh chóng và vô hiệu hóa tên lửa mục tiêu đang bay tới bằng động năng.

 Một bệ phóng THAAD được đưa xuống từ máy bay vận tải C-17 GlobeMaster III tại Căn cứ Không quân Nevatim, Israel để diễn tập, ngày 1/3/2019. Ảnh: Robert DURR / DVIDS / AFP.

Một bệ phóng THAAD được đưa xuống từ máy bay vận tải C-17 GlobeMaster III tại Căn cứ Không quân Nevatim, Israel để diễn tập, ngày 1/3/2019. Ảnh: Robert DURR / DVIDS / AFP.

Là phương tiện đánh chặn tầm cao, THAAD không thiết kế để tiêu diệt các vật thể bay nhỏ hơn, bao gồm máy bay không người lái, vốn là vũ khí thường được các phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas và Houthis sử dụng.

Theo báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, quân đội nước này đã triển khai 7 hệ thống THAAD, bao gồm cả ở Hàn Quốc và Guam.

Theo tuyên bố được Lầu Năm Góc hôm 13/10, năm 2019, Mỹ từng triển khai một hệ thống THAAD tới miền Nam Israel trong một hoạt động huấn luyện và diễn tập phòng không tích hợp.

Tuy nhiên, theo Aljazeera, hệ thống này đã được đưa trở lại Mỹ sau cuộc diễn tập.

 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (bên phải), cùng Đại sứ Mỹ David Friedman thị sát khu vực phát triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, ngày 6/3/2019. Ảnh: Matty Stern/ĐSQ Mỹ tại Jerusalem.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (bên phải), cùng Đại sứ Mỹ David Friedman thị sát khu vực phát triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, ngày 6/3/2019. Ảnh: Matty Stern/ĐSQ Mỹ tại Jerusalem.

Tuyên bố của Lầu Năm Góc cũng tiết lộ, Mỹ đã triển khai một hệ thống THAAD ở Trung Đông để bảo vệ quân đội và lợi ích của Mỹ trong khu vực, sau khi xung đột Hamas- Israel tái bùng phát ngày 7/10/2023, tuy vậy thông tin không nêu rõ quốc gia nào được triển khai.

Với số lượng khá triển khai không nhiều trong một không gian, điều có thể cho thấy phạm vi bảo vệ rộng lớn của THAAD.

Israel hiện đang vận hành hệ thống phòng không đa lớp, gồm 3 hệ thống thành phần: Iron Dome (Vòm sắt), là hệ thống đánh chặn tên lửa di động tầm gần và cực gần, từ 4-70km; David's Sling (Đũa thần), đánh chặn tên lửa tầm trung từ 40-300km và Hệ thống Arrow (Lá chắn thép), đánh chặn tên lửa tầm xa lên tới 2.400km.

“Thử lửa” với tên lửa siêu thanh Fattah của Iran?

Elijah Magnier, nhà phân tích quân sự và an ninh từ Brussels, Bỉ, cho rằng, trong cuộc tấn công tên lửa ngày 1/10 nhắm vào các mục tiêu của Israel, Iran đã bắn ồ ạt gần 200 tên lửa vào 3 địa điểm, khiến bất kì tên lửa đánh chặn nào cũng khó có thể đối phó.

Đáng lưu ý, theo truyền thông Iran, trong cuộc tấn công này, Tehran lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo siêu thanh Fattah.

 Tên lửa siêu thanh Fattah do Iran phát triển. Nguồn: Hossein Zohrvand / AP.

Tên lửa siêu thanh Fattah do Iran phát triển. Nguồn: Hossein Zohrvand / AP.

Fattah được Iran công bố lần đầu tiên vào tháng 6/2023. Đến tháng 9/2023, Iran tuyên bố ra mắt thế hệ thứ 2 của tên lửa siêu thanh.

Theo truyền thông Iran, tên lửa Fattah có thể cơ động với tốc độ Mach 14 - Mach 15, hay 17.000- 18.500 km/h và giáng đòn tấn công ở khoảng cách 1.400 km.

Tên lửa Fattah có thể xuyên thủng tất cả các hệ thống tên lửa phòng không và kích nổ hệ thống chống tên lửa của đối phương.

 Tên lửa siêu thanh Fattah có động cơ hình cầu với ống phụt có thể di chuyển được, cho phép tên lửa cơ động theo mọi hướng. Ảnh: IRNA.

Tên lửa siêu thanh Fattah có động cơ hình cầu với ống phụt có thể di chuyển được, cho phép tên lửa cơ động theo mọi hướng. Ảnh: IRNA.

Đáng lưu ý, đầu đạn của tên lửa có động cơ hình cầu chạy bằng nhiên liệu rắn với ống phụt, vai trò như bánh lái, có thể di chuyển linh hoạt, cho phép tên lửa cơ động theo mọi hướng.

Cho đến nay, Fattah là loại tên lửa mà Mỹ chưa từng đối mặt và Washington muốn “kiểm tra” xem THAAD có thể vô hiệu hóa được loại tên lửa này hay không, chuyên gia Magnier nhận định.

Văn Phong (theo Aljazeera)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/he-thong-chong-ten-lua-thaad-cua-my-manh-co-nao-va-vi-sao-duoc-gui-den-israel-166508.html
Zalo