Hệ sinh thái xanh và sân chơi mới cho startup

Hệ sinh thái bổ trợ thực hành phát triển bền vững mở ra cơ hội cho các dự án startup tham gia vào chuỗi cung ứng lớn.

Các startup trạm sạc là mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái xe điện. Ảnh: EV One

Các startup trạm sạc là mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái xe điện. Ảnh: EV One

Ghi dấu ấn tại một triển lãm về công nghệ môi trường với giải pháp sạc xe điện đa năng, EV One nhanh chóng trở thành cái tên được quan tâm trong thị trường sạc điện đang dần được định hình.

Tính đến hiện tại, các trạm sạc của EV One đã hiện diện tại gần 30 tỉnh, thành phố trên khắp ba miền. Trao đổi với phóng viên, đại diện EV One đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành mạng lưới 200 trạm sạc, qua đó góp phần giải quyết nhu cầu sạc của hầu hết các hãng xe điện đang hiện diện tại thị trường Việt Nam.

Xe điện là biểu tượng của sự chuyển đổi xanh ngành giao thông vận tải, mở ra thị trường cho cả những ông lớn sản xuất ô tô lâu đời và những tay chơi mới. Tuy nhiên, xe điện khó có thể phổ biến rộng rãi nếu thiếu đi hệ thống hạ tầng trạm sạc điện.

Tại Việt Nam, ngoài hãng xe nội VinFast của Vingroup, không có hãng xe điện nào muốn tự lắp đặt trạm sạc xe điện. Đây là khoảng trống để những startup như EV One hay Eboost, EverCharge tham gia vào hệ sinh thái điện khí hóa giao thông.

Sự tham gia này không chỉ thúc đẩy doanh số bán xe điện mà còn mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp ứng dụng xe điện vào chiến lược chuyển đổi xanh. Chẳng hạn, công ty giao hàng có thể cho tài xế chuyển sang dùng xe điện khi hạ tầng trạm sạc được hoàn thiện, giúp khả năng vận hành xe điện được tối ưu hơn.

Bên cạnh xe điện, quản lý chất thải cũng là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của nhiều startup. Nổi bật trong đó là một loạt cái tên như Veca, Mgreen, Grac, đều ứng dụng nền tảng công nghệ số để kết nối người thu gom với nguồn phế liệu, hoạt động tương tự như các ứng dụng gọi xe công nghệ.

Các startup này được phát triển nhằm đáp ứng tình hình thực tế tại Việt Nam khi rác thải chưa được phân loại tại nguồn khiến các mô hình thu gom của nước ngoài khó được áp dụng, việc thu gom vẫn phải phụ thuộc vào lực lượng đồng nát, ve chai.

Hệ sinh thái rộng mở

Khái niệm ESG (phát triển bền vững theo tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị) ngày càng trở nên phổ biến và dần trở thành yêu cầu bắt buộc. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp lớn, có mối quan hệ làm ăn buôn bán với thị trường quốc tế đang phải chịu áp lực cao về việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang tích hợp ESG để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đối tác.

Không phải doanh nghiệp nào cũng thực sự hiểu khái niệm ESG, chưa nói đến ứng dụng công cụ này vào vận hành doanh nghiệp. Chưa kể đến, việc chuyển đổi tự thân sẽ rất thách thức nếu thiếu đi hệ sinh thái bổ trợ.

Tuy nhiên, một số startup có thể cung cấp lời giải hữu hiệu cho những bài toán khó này, bởi các giải pháp được đưa ra độc lập, không chịu sự ràng buộc, chi phối trong một hệ thống sẵn có vốn đang vận hành và vẫn đem lại lợi nhuận.

Doanh nghiệp lớn sẵn sàng hợp tác và chi tiền cho startup sở hữu giải pháp hữu hiệu bởi đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Thông qua phát triển các giải pháp của startup, doanh nghiệp lớn kiếm được lợi nhuận không chỉ nhờ đáp ứng yêu cầu của đối tác, khách hàng mà còn mở rộng thị trường (như việc phổ biến xe điện nhờ trạm sạc điện).

Hoặc, chính việc ứng dụng các giải pháp mới của startup giúp doanh nghiệp lớn tiết kiệm chi phí sản xuất, chẳng hạn như hợp tác với ứng dụng thu gom rác có thể giúp nhà tái chế tăng cường nguồn phế liệu đầu vào, hay một số nhà sản xuất điện tử có thể tiết kiệm tiền mua khay nhựa kỹ thuật khi sử dụng giải pháp vệ sinh sâu khay nhựa, đang được cung ứng bởi một startup tại Hà Nội.

Đáp ứng các nhu cầu hết sức thiết thực của doanh nghiệp lớn là “cửa” cho startup tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, bên cạnh việc mở ra cơ hội tiếp cận vốn.

Trên hết, cung ứng các giải pháp đi đúng và dẫn đầu xu thế luôn là con đường sống còn của startup, nếu không muốn bị loại khỏi thị trường khi tham gia những sân chơi cũ với kinh nghiệm và tiềm lực ít ỏi.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/he-sinh-thai-xanh-va-san-choi-moi-cho-startup-d38727.html
Zalo