Hệ lụy từ vụ rò rỉ thông tin tình báo Mỹ

Vụ rò rỉ thông tin về quân đội Mỹ tiếp tục gây xôn xao, thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, được truyền thông nước ngoài gọi là vụ rò rỉ lớn nhất của Mỹ kể từ sự cố 'PRISM Gate' năm 2013. Tai hại hơn cả, nó đã gây ra một cuộc 'khủng hoảng niềm tin' giữa các đồng minh của Mỹ, tác động đặc biệt và trực tiếp tới cuộc chiến tại Ukraine.

Nhiều tài liệu bị rò rỉ lần này mô tả chi tiết việc triển khai và tình trạng của quân đội Ukraine và Nga, đặc biệt là phơi bày những sơ hở tiềm tàng trong hệ thống phòng không của Ukraine, điều sẽ tạo ra mối đe dọa tình báo đối với kế hoạch phản công mùa xuân của Ukraine. Các tài liệu khác tập trung vào các vấn đề quốc phòng và an ninh ở Trung Đông cũng như khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tiết lộ việc Mỹ tiến hành “hoạt động gián điệp” đối với các đồng minh của mình, điều này có thể gây ra một làn sóng khủng hoảng lòng tin mới. Hiện Mỹ vẫn đang điều tra đầu mối rò rỉ.

Truy nguyên

Theo tờ The New York Times, các tài liệu mật bị rò rỉ trên nền tảng mạng xã hội không phải được scan mà được chụp ảnh trực tiếp, có thể nhìn thấy các nếp gấp của tài liệu trên hình ảnh. Các quan chức điều tra vụ rò rỉ cho biết các tài liệu mật đã được gấp lại, bỏ vào túi, mang ra khỏi khu vực được bảo vệ và sau đó chụp ảnh lại.

Hệ thống tên lửa phòng không SA-11 Gadfly của Ukraine được dự báo cạn kiệt từ cuối tháng 3/2023.

Hệ thống tên lửa phòng không SA-11 Gadfly của Ukraine được dự báo cạn kiệt từ cuối tháng 3/2023.

Trang web điều tra Bellingcat, mặc dù vẫn chưa thể xác nhận nguồn rò rỉ ban đầu của những tài liệu mật này, nhưng qua điều tra có thể thấy chúng bắt đầu lan truyền trên nền tảng mạng xã hội từ đầu tháng 3/2023. Ngày 1 và 2/3, một người dùng có tên là WowMao đã tải lên hơn 30 tệp được đánh dấu “Tối mật”. Tiếp theo, người dùng này đăng hàng chục tài liệu về Ukraine, tất cả đều bị xóa vào ngày 7/4 và hiện tại không thể xác minh được tính xác thực của chúng.

Ngày 4/3, hơn chục tệp đã được đăng trên một máy chủ có tên Minecraft Earth Map trong phần mềm trò truyện Discord (phần mềm liên lạc giữa các game thủ). Một người dùng sau khi bất đồng với một người dùng khác về các vấn đề như bản đồ trong Minecraft và xung đột Nga - Ukraine, đã tải lên 10 tài liệu về Ukraine trên máy chủ Discord, một số tài liệu trong đó được đánh dấu “Tuyệt mật”. Những hình ảnh này sau đó đã được chuyển tiếp đến nền tảng mạng xã hội Twitter.

Ngày 5/4, người dùng có tên Donbass Devushka đăng tải hình ảnh một số tài liệu mật liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine lên Telegram - nền tảng mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở Nga. 3 giờ trước đó, một người dùng ẩn danh cũng đăng 8 bài liên quan đến xung đột Nga - Ukraine trên nền tảng mạng xã hội 4Chan. 3 trong số 8 bài đăng đó đính kèm thông tin và hình ảnh từ các tài liệu mật khác nhau.

Đáng chú ý, những hình ảnh trong cùng một tài liệu được đăng lên 2 nền tảng mạng xã hội lại không hoàn toàn giống nhau. Hình ảnh trên 4Chan cho thấy nhiều binh sĩ Nga thiệt mạng hơn Ukraine, trong khi dữ liệu trên Telegram cho thấy điều ngược lại. Theo điều tra của Bellingcat, hình ảnh trên cả 2 nền tảng đều có dấu vết xử lý lại và không phải là hình ảnh gốc. Việc này, Bellingcat đã cho đăng một bài riêng. Trong khi đó, 2 người dùng của Thug Shaker Central trên máy chủ Discord đã cung cấp thông tin quan trọng phù hợp hơn với vụ rò rỉ tài liệu bí mật này. Trong đó có người dùng tên Vakhi nói rằng vụ rò rỉ đầu tiên bắt đầu từ tháng 10/2022 và tài liệu bị lộ trên các nền tảng mạng xã hội khác chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” so với các tài liệu được đăng trên Thug Shaker Central. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, độ chính xác của thông tin này vẫn chưa được xác nhận.

Những bí mật nào bị tiết lộ?

Theo một bài phân tích trên The Economist, phần tài liệu bị rò rỉ bao gồm đánh giá quân sự về xung đột Nga - Ukraine và báo cáo của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) về một loạt vấn đề toàn cầu. Tờ The Washington Post cho rằng trong vụ rò rỉ này, thông tin tình báo liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là “cực kỳ hữu ích”. Các tài liệu đánh giá được hoàn thành vào tháng 2 và tháng 3 này không chỉ tiết lộ những điểm yếu chính mà các quan chức Mỹ đã xác định được trong hệ thống phòng không và nguồn cung vũ khí của Ukraine, mà còn tiết lộ cả những điểm sơ hở nghiêm trọng của quân đội Nga.

Một trang tài liệu mật được chụp lại và tung lên mạng xã hội.

Một trang tài liệu mật được chụp lại và tung lên mạng xã hội.

Vụ rò rỉ đã cung cấp tình tiết quan trọng về tình trạng của các lực lượng vũ trang Ukraine tại đúng thời điểm nước này đang chuẩn bị cho một cuộc phản công có thể bắt đầu trong vòng vài tuần. John Herbst, Giám đốc cấp cao Trung tâm Á - Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, gọi thông tin về hệ thống phòng không của Ukraine là phần “đáng tiếc nhất” trong số các tài liệu bị rò rỉ.

The tờ The Guardian của Anh và tờ The Hill của Mỹ, một tài liệu đề ngày 23/2 được đánh dấu là tài liệu mật mô tả chi tiết hệ thống phòng không S-300 của Ukraine từ thời Liên Xô và với tốc độ sử dụng thời điểm đó, nguồn đạn của nó sẽ hết vào ngày 2/5. Trong khi đó, hệ thống tên lửa SA-11 Gadfly sẽ cạn kiệt vào cuối tháng 3. NATO cho biết 2 hệ thống này, chiếm 89% lực lượng phòng không của Ukraine, rất quan trọng trong việc chống đỡ các cuộc tấn công tên lửa thường xuyên diễn ra.

Kết quả đánh giá tài liệu cho thấy nếu không có nguồn cung cấp đạn ổn định, hệ thống phòng không của Ukraine, vốn để răn đe là chính, có thể nhanh chóng sụp đổ, dẫn tới cục diện cuộc chiến có thể thay đổi nhanh hơn. Hiện chưa rõ liệu Ukraine có thay đổi tốc độ sử dụng tên lửa hay bổ sung kho dự trữ hay không. Tuy nhiên, John Herbst lại cho rằng mặc dù vụ rò rỉ này chắc chắn gây bất lợi cho Ukraine nhưng không nhiều khả năng gây thiệt hại lớn vì các tài liệu này không chứa bất kỳ thông tin quan trọng nào mà các đồng minh NATO và cơ quan tình báo Nga chưa biết.

Ngoài ra, tờ The Economist cho rằng các tài liệu còn cho thấy chi tiết kế hoạch của phương Tây về vũ trang và huấn luyện cho quân đội Ukraine, bao gồm tình trạng của các lữ đoàn Ukraine, việc triển khai xe bọc thép và kho pháo của họ, cũng như số lượng chi tiết đạn pháo và tên lửa dẫn đường mà quân đội Ukraine bắn mỗi ngày. Nếu thông tin tình báo là chính xác, những số liệu này có thể cho phép tình báo quân sự Nga xác định các lữ đoàn cụ thể của quân đội Ukraine chịu trách nhiệm chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga khi quân đội Ukraine bắt đầu tấn công và thông qua việc theo dõi các lữ đoàn này để đánh giá vị trí tấn công của quân đội Ukraine.

Một tài liệu cho thấy Quân đoàn tác chiến số 10 của Ukraine có thể sẽ dẫn đầu cuộc phản công lần này, điều này sẽ khiến sở chỉ huy của họ có thể trở thành mục tiêu bị tấn công đầu tiên. Một tài liệu khác cho thấy tại Ukraine có 97 lính đặc nhiệm đến từ các nước NATO, bao gồm 50 người từ Anh, 17 người từ Latvia, 15 người Pháp và 14 người Mỹ. Hầu hết trong số họ có lẽ đang huấn luyện lính đặc chủng của Ukraine. Đây sẽ là thông tin bất lợi cho các đồng minh NATO và có lợi cho Nga.

Các bài báo cũng chỉ ra rằng loạt thông tin bị rò rỉ này không chỉ làm lộ các mục tiêu giám sát của Mỹ mà còn làm lộ các kênh thu thập thông tin tình báo của nước này. Ví dụ, đánh giá về sự kiện không kích Belarus trong tài liệu được gắn nhãn “si-g”, có nhắc đến thông tin tình báo này bắt nguồn từ tài liệu tình báo tín hiệu đặc biệt nhạy cảm, chẳng hạn như nghe lén điện thoại hoặc đánh cắp thư điện tử. Đồng thời, vì nhiều tài liệu bị rò rỉ mô tả các thông tin liên lạc cụ thể giữa các cá nhân hoặc tổ chức, kể cả trong quân đội Nga và các cơ quan tình báo, những tài liệu này có thể giúp các đối tượng bị theo dõi của Mỹ tiến hành phản gián.

Theo The Washington Post, các tài liệu bị rò rỉ dự đoán rằng cuộc phản công mà Ukraine sắp triển khai sẽ ít khả năng thành công. Chiến lược của Ukraine xoay quanh việc chiếm lại các khu vực tranh chấp ở miền Đông đồng thời tiến về phía Nam, cắt đứt cầu nối trên bộ của Nga với Crimea, nơi đang được quân đội Nga sử dụng để tiếp tế cho các lực lượng hoạt động trên đất Ukraine. Tài liệu cũng cho biết lực lượng phòng thủ kiên cố của Nga, kết hợp với sự thiếu hụt kéo dài về huấn luyện và nguồn đạn dược trong quân đội Ukraine có thể sẽ cản trở tiến trình phản công của Ukraine và làm trầm trọng thêm tỷ lệ thương vong trong cuộc tấn công.

Thông tin tình báo mới nhất cho thấy các cơ quan tình báo Mỹ không chỉ đang theo dõi Ukraine mà còn theo dõi cả các quan chức của Hungary, Israel, Hàn Quốc và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Một báo cáo của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ cho biết lãnh đạo Cơ quan Tình báo quốc gia Mossad của Israel đã khuyến khích các quan chức và công dân Israel tổ chức biểu tình phản đối cải cách tư pháp gây tranh cãi trong nước thời gian vừa qua.

Cuộc khủng hoảng niềm tin

Theo The Washington Post, nội dung các tài liệu bị rò ri liên quan đến công tác tình báo của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), CIA, Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng (DIA), Cơ quan Chấp pháp (LEA) và Cơ quan Trinh sát quốc gia (NRO). Michael Mulroy, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói với The New York Times rằng vụ rò rỉ tài liệu mật phản ánh “lỗ hổng an ninh nghiêm trọng” của ngành tình báo Mỹ. Hiện tại, Bộ Tư pháp Mỹ đã vào cuộc điều tra sự việc và Lầu Năm Góc cũng đang điều tra nguồn gốc của việc các tài liệu bị rò rỉ.

Tài liệu rò rỉ ban đầu được tung lên phần mềm trò truyện Discord giữa các game thủ.

Tài liệu rò rỉ ban đầu được tung lên phần mềm trò truyện Discord giữa các game thủ.

Một quan chức cấp cao Ukraine giấu tên cho biết quân đội Ukraine bày tỏ bất mãn cao độ đối với vụ rò rỉ tài liệu vì nội dung liên quan đã trực tiếp tiết lộ các dữ liệu chiến trường quan trọng như dự trữ quân sự trong cuộc chiến. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cục diện sắp tới của cuộc chiến. Theo CNN, một nguồn tin thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết sau vụ rò rỉ, Ukraine đã buộc phải thay đổi một số kế hoạch quân sự trên chiến trường.

Theo The New York Times, trong số tài liệu bị rò rỉ, ngoài lượng lớn thông tin quân sự về xung đột giữa Nga và Ukraine, còn có các tài liệu tình báo do Mỹ thu thập về nhiều nước ở Trung Đông, Bán đảo Triều Tiên, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc rò rỉ tài liệu này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin của các đồng minh đối với Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết các quan chức Mỹ đang “bàn bạc với các đồng minh về vấn đề ngăn chặn nguy cơ rò rỉ và thực hiện cam kết với các đồng minh về việc bảo vệ thông tin tình báo”.

Ngày 9/4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người lâu nay luôn bất đồng với chính quyền Tổng thống Mỹ Biden, tuyên bố rằng thông tin trong các tài liệu cho rằng lãnh đạo cơ quan tình báo quốc gia Mossad khuyến khích các cuộc biểu tình phản đối cải cách tư pháp của chính phủ là không có căn cứ.

Ngày 10/4, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết các hoạt động giám sát và gián điệp trong thời gian dài của Mỹ đối với các quốc gia khác không có gì đáng ngạc nhiên. Khi được hỏi về cáo buộc Nga dính líu đến vụ rò rỉ này, ông nói không cần phải bình luận bởi vì Mỹ “có xu hướng đổ lỗi mọi thứ cho Nga”.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/he-luy-tu-vu-ro-ri-thong-tin-tinh-bao-my-i695044/
Zalo