Hệ lụy từ việc sinh con tại nhà
Việc sinh con tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bởi sản phụ hầu như không được hỗ trợ, chăm sóc y tế trong quá trình sinh con, nguy cơ xảy ra các tai biến sản khoa sau sinh là rất lớn.
Nguy hiểm là vậy, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản vùng cao sinh con tại nhà, mặc dù đã được cán bộ y tế tuyên truyền, vận động.
Hơn một năm qua, anh Giàng Dế Chua, bản Nà Trịa, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, vẫn không thể quên nỗi đau quá lớn khi mất đi người vợ và đứa con mới sinh của mình vào đầu năm 2023.
Anh Chua nhớ lại: Các lần sinh con trước, được cán bộ Trạm Y tế xã tư vấn nên tôi đều đưa vợ đến cơ sở y tế. Lần này thì tôi đã chủ quan, không cho vợ đi khám thai, nên không dự tính được ngày sinh, cũng không đi tiêm phòng uốn ván. Vợ tôi sinh non lại chuyển dạ nhanh, nên tôi để sinh tại nhà, gia đình tự đỡ. Sau khi vợ tôi sinh thường được 30 phút thì con mất, vợ bị băng huyết sau sinh, người nhà đưa vợ tôi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp để cấp cứu, nhưng trên đường đi thì vợ tôi tử vong. Tôi rất ân hận, nếu như quan tâm hơn đến thai kỳ và đưa vợ đi siêu âm định kỳ, đăng ký quản lý thai sản và đưa đến cơ sở y tế để sinh, thì đã không xảy ra chuyện đau buồn này.
Đang điều trị cho con là Giàng A Tán tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, do bị uốn ván rốn nặng, anh Lù A Chầu, bản Nậm Lin, xã Chiềng Sại, huyện Bắc Yên, nói: Vợ tôi sinh con tại nhà, cắt dây rốn bằng kéo sinh hoạt, khi được 5 ngày tuổi, cháu bỏ bú, co giật. Gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Sau 8 ngày được y, bác sĩ cấp cứu và điều trị tích cực đến nay con tôi đã đỡ, nhưng vẫn phải theo dõi, điều trị thêm.
Bác sĩ Ngô Thanh Huế, Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Hiện tại Khoa Sơ sinh có 6 trường hợp là bệnh nhi mắc các bệnh nhiễm trùng máu, uốn ván rốn liên quan đến việc sinh con tại nhà, đang được điều trị tích cực. Từ đầu năm đến nay, tình trạng tai biến sản khoa sau sinh nhập viện điều trị tăng, chủ yếu là các bệnh nhân vùng sâu, vùng xa, đẻ thường tại nhà, khi được đưa đến bệnh viện đều có biểu hiện nặng vì khi thấy trẻ sơ sinh có biểu hiện bất thường như bỏ bú, khóc nhiều, co giật, da tím tái, người nhà mới đưa đến cơ sở y tế.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ phụ nữ mang thai sinh con tại nhà vẫn còn khá cao. Năm 2023, toàn tỉnh có 3.017 trường hợp sinh con tại nhà trong tổng số 19.698 ca đẻ, chiếm 15,3%, trong đó 8 trường hợp người mẹ tử vong. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 1.234 trường hợp sinh con tại nhà trong tổng số 8.943 ca đẻ, chiếm 13,7%. Các huyện có số ca sinh tại nhà cao tập trung tại các huyện Bắc Yên, Mường La, Sốp Cộp, Phù Yên. Riêng huyện Sốp Cộp có 8 xã, hơn 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện có 1.583 phụ nữ sinh con, trong đó 1.313 trường hợp sinh tại cơ sở y tế, 270 trường hợp sinh tại nhà; có 86 ca không có nhân viên y tế đỡ; 2 trường hợp tử vong mẹ hoặc con do sinh tại nhà ở xã Mường Lạn và Sam Kha.
Bà Đoàn Thanh Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Sinh đẻ tại nhà rất nguy hiểm nếu không được cán bộ y tế hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ, sinh con, không có trang thiết bị cấp cứu. Mẹ và con không được theo dõi và chăm sóc trước, trong và sau sinh, bà mẹ sẽ có rất nhiều nguy cơ tai biến sản khoa, như băng huyết, nhiễm trùng, vỡ tử cung, sản giật... dẫn đến tử vong. Tác hại về phía con như uốn ván rốn, xuất huyết não, suy tuần hoàn, suy hô hấp... cũng dẫn đến tử vong.
Giảm thiểu các trường hợp tai biến có thể xảy ra khi sinh con tại nhà, các cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp với các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ có thai đến các cơ sở y tế để sinh con. Ngoài ra, trong các đợt triển khai chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm chủng cán bộ y tế lồng ghép tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cách chăm sóc thai nhi và sự an toàn khi sinh tại các cơ sở y tế... phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế đạt trên 90% và phụ nữ khi sinh được nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đẻ đạt 92%.