Hệ lụy từ việc đồng đô la suy yếu

Trên thực tế, giá trị của đồng bạc xanh đã giảm trong nhiều tháng so với rổ tiền của các quốc gia ngang hàng; các đồng tiền khác đang tăng.

Đồng 100 đô la Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng 100 đô la Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ The Economist, vài tháng trước, mọi người trên Phố Wall đều thảo luận về "thương vụ của ông Trump". Có sự đồng thuận rằng nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump sẽ thúc đẩy sự vượt trội của cổ phiếu Mỹ, tăng lợi suất trái phiếu kho bạc và tăng sức mạnh cho đồng USD.

Cho đến nay, cả ba đều chìm sâu trong sắc đỏ. Giá cổ phiếu Mỹ lao dốc, trong khi những cổ phiếu được niêm yết ở nơi khác tốt hơn nhiều. Lợi suất trái phiếu kho bạc giảm, với các nhà đầu tư lo ngại tăng trưởng chậm lại. Cả hai xu hướng này đều tăng tốc sau khi ông Trump áp mức thuế quan mới với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ vào ngày 2/4.

Tuy nhiên, đồng đô la suy yếu mới là điều gây sốc nhất. Suy cho cùng, xét theo những nguyên tắc đầu tiên, chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump được kỳ vọng sẽ củng cố đồng đô la. Bằng cách tăng giá hàng hóa nước ngoài mà người Mỹ sẽ phải trả, các mức thuế quan của ông khiến chúng kém hấp dẫn hơn và do đó khiến người Mỹ ít bán đô la hơn để mua hàng. Hơn nữa, các biện pháp thuế quan của ông đang đe dọa gây ra hỗn loạn kinh tế. Kiểu lo lắng đó thường khiến các nhà đầu tư chọn đô la, bởi họ coi đồng tiền dự trữ của thế giới là nơi trú ẩn an toàn khi thị trường hỗn loạn.

Trên thực tế, giá trị của đồng bạc xanh đã giảm trong nhiều tháng so với rổ tiền của các quốc gia ngang hàng. Các đồng tiền khác đang tăng. Tính theo đô la, đồng euro đã tăng 6% trong năm nay, bảng Anh tăng 3%, và yen Nhật và franc Thụy Sỹ - hai đồng tiền trú ẩn truyền thống khác - lần lượt tăng 8% và 6%. Hầu hết đều tăng đặc biệt cao sau thông báo thuế quan của ông Trump vào ngày 2/4. Ngay cả đồng peso Mexico cũng đã tăng nhẹ so với đồng đô la trong những tháng gần đây.Xét tất cả những điều này, có lý do để lo ngại rằng khi ông Trump theo chủ nghĩa biệt lập, vai trò của đồng đô la trong hệ thống tài chính toàn cầu đang gặp khó khăn. Các đối thủ cũng như đồng minh của Mỹ từ lâu đã tìm kiếm các giải pháp thay thế nằm ngoài tầm với của “chú Sam”, bằng cách phát triển các kênh thanh toán mới hoặc lập hóa đơn thương mại bằng các đồng tiền khác.

Hiện tại, đồng bạc xanh giảm giá được giải thích tốt hơn bằng lý thuyết "đồng đô la cười”, theo đó đồng tiền của Mỹ có giá khi nền kinh tế Mỹ hoạt động tốt hơn các nền kinh tế khác, như trong vài năm qua, cũng như khi nền kinh tế rơi vào suy thoái. Nếu Mỹ đang suy thoái, các nền kinh tế khác cũng có khả năng suy yếu, làm tăng sức hấp dẫn của đồng đô la như một nơi trú ẩn an toàn. Nếu mối đe dọa hiện tại đối với hệ thống thương mại toàn cầu trở nên tồi tệ hơn, điều này sẽ kéo theo suy thoái. Nhưng cho đến nay, các nhà giao dịch chỉ đang đặt cược rằng tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại so với phần còn lại của thế giới. Do đó, đồng đô la đang rơi vào điểm giữa của mặt cười (giá đồng đô la xuống mức thấp).

Điều này có những tác động đáng lo ngại trên toàn thế giới. Đầu tiên, mức thuế quan của ông Trump sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ chịu nhiều thiệt hại hơn do so với dự đoán của họ. Trong phiên điều trần phê chuẩn của Thượng viện, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã lập luận rằng người tiêu dùng sẽ không phải gánh chi phí của các khoản thuế bởi kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy đồng đô la sẽ mạnh lên. Nếu điều này xảy ra, giá hàng hóa nước ngoài tính bằng đô la sẽ giảm, bù đắp một phần cho khoản thuế bổ sung. Tuy nhiên, thay vào đó, người Mỹ mua hàng nhập khẩu giờ đây sẽ phải trả chi phí cho cả thuế quan cao hơn và đồng tiền yếu hơn.

Các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản của Mỹ cũng đang bị ảnh hưởng. Họ đã quen với việc đồng đô la mạnh lên trong các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán, làm giảm bớt một số thiệt hại. Ví dụ, trong cả năm 2022, một nhà đầu tư bằng đô la vào chỉ số S&P 500 công ty lớn của Mỹ sẽ phải chịu khoản lỗ 19% trong khi sẽ chỉ mất 14% khi tính bằng euro. Năm 2025, yếu tố dự phòng này đã sụp đổ khi đồng đô la làm trầm trọng thêm các khoản lỗ do giá cổ phiếu giảm. Kể từ đỉnh điểm vào tháng 2, chỉ số S&P 500 giảm 17% tính bằng đô la, nhưng giảm 21% tính bằng euro.

Điểm tích cực, ít nhất là đối với những người bên ngoài nước Mỹ, là đồng đô la yếu hơn có thể bù đắp một phần thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu do chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump gây ra. Điều này đặc biệt đúng đối với các thị trường mới nổi.

Minh Hợp (P/v TTXVN tại London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/he-luy-tu-viec-dong-do-la-suy-yeu/369113.html
Zalo