Hệ lụy từ làn sóng sa thải càn quét làng công nghệ

Người bị sa thải 'rải' hơn 140 hồ sơ xin việc nhưng không được nhận, người ở lại thấp thỏm về số phận của mình... là những hệ lụy về tài chính, tinh thần mà làn sóng sa thải gây ra.

Hàng chục năm nay, Daelynn Moyer dễ dàng nhận được lời mời làm việc trong ngành công nghệ. Bà đã đi từ một kỹ thuật viên bảo trì máy tính sang quản lý các nhóm kỹ sư phần mềm.

Dù bỏ dở đại học, bà tin rằng công nghệ là ngành ổn định và bà có thể ở lại ngành này cho đến khi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, Moyer, 55 tuổi, không còn lạc quan như vậy nữa. Từ khi bị sa thải năm 2024, bà “rải” hơn 140 hồ sơ nhưng không được nhận. Bà cùng bạn đời đang cân nhắc bán nhà tại Portland, Oregon và mua đất làm trang trại.

Daelynn Moyer trong căn bếp của mình hôm 6/1. Bà chỉ nấu ăn và làm việc nhà kể từ khi bị sa thải. Ảnh: The Washington Post

Daelynn Moyer trong căn bếp của mình hôm 6/1. Bà chỉ nấu ăn và làm việc nhà kể từ khi bị sa thải. Ảnh: The Washington Post

Trong nhiều năm, những người như Moyer kéo đến Silicon Valley, bị thu hút nhờ mức lương hậu hĩnh, phúc lợi như ăn uống miễn phí, dịch vụ giặt là, chăm sóc sức khỏe.

Thành công của các nền tảng lớn như Meta, Google, Amazon khiến ngành công nghiệp dường như miễn nhiễm với làn sóng cắt giảm đang tàn phá các lĩnh vực khác.

Dù vậy, từ khi ngành công nghệ cho thôi việc hàng trăm nghìn vị trí trong hai năm 2022 và 2023, việc sa thải diễn ra thường xuyên hơn. Đầu tuần trước, Meta cắt giảm khoảng 5% trong tổng số 74.067 lao động nhằm loại bỏ những người năng suất thấp.

Một số bày tỏ cú sốc khi bị dừng hợp đồng vì họ luôn được đánh giá hoàn thành hoặc hoàn thành tốt.

Theo The Washington Post, tại cuộc họp toàn công ty cuối tháng 1, CEO Meta bảo vệ quyết định của mình và lập luận những người ở lại cần có đồng nghiệp tốt hơn. Điều đó sẽ giúp công ty trở nên tốt hơn.

“Tôi sẽ không xin lỗi vì điều đó”, ông tuyên bố.

Làn sóng sa thải có thể ập đến với các nhân viên chính phủ khi Elon Musk – người đã cắt giảm lượng lớn nhân sự Twitter năm 2022 – cố gắng áp dụng chiến lược cắt giảm chi phí tương tự cho khu vực công.

Theo Bloomberg, hơn 10 nhân viên CNTT chính phủ Mỹ đã nhận được thư hủy hợp đồng của Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) do Musk điều hành.

Họ cung cấp dịch vụ CNTT và hỗ trợ khác cho các cơ quan liên bang. Năm 2024, khi việc cải tổ cổng hỗ trợ sinh viên liên bang của Bộ Giáo dục trở nên hỗn loạn, USDS là nhóm đã “dẹp loạn”.

Nội bộ Silicon Valley rỉ tai nhau về việc sa thải đã làm hủy hoại nghiêm trọng lòng tin giữa nhân viên và lãnh đạo. Một số đang đánh giá lại thời gian và công sức họ đầu tư cho công việc, trong khi số khác học hỏi kỹ năng mới – như cách làm việc với AI – để duy trì cạnh tranh trên thị trường việc làm khắc nghiệt. Họ cũng để ý đến tài chính của những doanh nghiệp dự định đầu quân.

Thông tin các mã chứng khoán Microsoft, Apple, Alphabet, Amazon, Meta hiển thị trên bảng điện Nasdaq MarketSite tại New York ngày 27/1. Ảnh: Bloomberg

Thông tin các mã chứng khoán Microsoft, Apple, Alphabet, Amazon, Meta hiển thị trên bảng điện Nasdaq MarketSite tại New York ngày 27/1. Ảnh: Bloomberg

Lĩnh vực “cổ cồn trắng” – bao gồm công nghệ - đã loại bỏ hàng chục nghìn người từ tháng 1/2024, theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ.

Trong tháng 1, khoảng 9.000 vị trí bị cho thôi việc khi lãi suất tăng khiến các ông chủ e ngại tuyển dụng hơn.

Dù theo truyền thống, sa thải hàng loạt tại các hãng công nghệ lớn khá hiếm gặp, nghiên cứu cho thấy, quyết định sa thải liên tục có thể đẫn đến hậu quả tâm lý và tài chính kéo dài cho cả nhân viên lẫn nhà tuyển dụng.

Nó làm suy giảm niềm tin giữa người lao động và doanh nghiệp, thường khiến cho người ở lại mất kết nối hơn, sẵn sàng nghỉ việc hơn và kém đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, theo Sandra Sucher, Giáo sư Thực hành quản trị tại Trường Kinh doanh Harvard, mọi người sẽ gặp áp lực khi muốn làm điều gì đó mới mẻ, nhưng rủi ro vì họ không còn cảm giác an toàn nữa.

Đây là “hiện thực mới” trong giới công nghệ. Jean trải qua cảm giác này khi nhận được công việc trong mơ tại một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới vài tháng trước.

Đối mặt với hai vòng cắt giảm chỉ trong một năm, Jean luôn trăn trở mình còn ở lại được bao lâu. Từ đó, cô liên tục mở rộng mạng lưới quan hệ với hi vọng sẽ có ích trong trường hợp bị sa thải.

Sean Johnson, 15 năm kinh nghiệm kỹ sư, cho rằng, việc các hãng đưa ra nhiều đánh giá năng suất tiêu cực và giới thiệu chính sách mạnh mẽ hơn chống lại làm việc từ xa là một vỏ bọc để đuổi việc người lao động.

Là một người làm từ xa tại Bắc Carolina, Johnson cũng thừa nhận công việc của mình khá rủi ro, buộc anh phải tìm cách làm thế nào để linh hoạt hơn, bao gồm chuyển hướng sang AI và máy học – hai công nghệ thực sự “hot” hiện nay.

Eliot Lee, 52 tuổi, quản lý dự án tại một hãng phần mềm, chia sẻ, sau khi thất nghiệp vài lần, ông đã thay đổi cách tìm việc làm. Nhà tuyển dụng nói với ông rằng, mỗi vị trí thường nhận được cả nghìn hồ sơ xin việc, vì vậy, ông luôn thức khuya để trở thành người đầu tiên nộp đơn.

Khi cân nhắc cơ hội mới, ông dành thêm thời gian đọc đánh giá về nhà tuyển dụng, trò chuyện với nhân viên cũ và mới về trải nghiệm của họ, cũng như nhìn vào tình hình tài chính của công ty.

“Tôi không còn tin các ông chủ nữa. Tôi từng nghĩ, ‘ồ, đây là ngôi nhà của mình, ngôi nhà chuyên nghiệp của mình’. Nhưng giờ, tôi không còn ý nghĩ đó nữa”.

(Theo Bloomberg, The Washington Post)

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/he-luy-tu-lan-song-sa-thai-can-quet-lang-cong-nghe-2372239.html
Zalo