Hệ lụy khôn lường khi mỹ phẩm giả tung hoành thị trường

Việc dễ dàng mua được các loại hóa chất, tạo màu, máy móc tạo các thương hiệu, mẫu mã đã dọn đường cho mỹ phẩm giả tung hoành thị trường. Hệ lụy của nó là vô cùng nguy hại.

Mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn chất lượng đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội hiện đại.

Mỹ phẩm giả được tuồn ra thị trường gây hệ lụy khôn lường

Mỹ phẩm giả được tuồn ra thị trường gây hệ lụy khôn lường

Việc buôn bán và sử dụng mỹ phẩm giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý của người tiêu dùng. Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, có những giải pháp hiệu quả để loại bỏ mỹ phẩm giả ra khỏi đời sống.

Theo các chuyên gia, mỹ phẩm giả thường chứa các thành phần độc hại, không được kiểm định an toàn. Những hóa chất này có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nhiều sản phẩm giả có thể gây ra dị ứng, mẩn đỏ, ngứa ngáy và viêm da.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khỏe, kinh tế, môi trường từ mỹ phẩm giả

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khỏe, kinh tế, môi trường từ mỹ phẩm giả

Một số thành phần trong mỹ phẩm giả có thể chứa hóa chất gây ung thư, dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng về sau. Không ít các hóa chất như parabens, phthalates có thể gây rối loạn hormone, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển của trẻ em.

Việc sử dụng phẩm giả có thể tạo ra cảm giác thất vọng và bất an cho người tiêu dùng. Khi họ không đạt được kết quả như mong đợi từ sản phẩm. Điều này có thể dẫn đến giảm sự tự tin của người dùng, đặc biệt là ở phụ nữ.

Cơ quan chức năng thu giữ nhiều loại mỹ phẩm giả

Cơ quan chức năng thu giữ nhiều loại mỹ phẩm giả

Trong thời đại ngày nay, nhu cầu làm đẹp ngày càng cao, việc sử dụng mỹ phẩm giả có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy áp lực phải duy trì hình ảnh đẹp nhưng lại không đạt được kết quả. Không ít người đã rơi vào tình trạng trầm cảm về vẻ bề ngoài xuống cấp.

Mỹ phẩm giả thường có giá rẻ hơn sản phẩm chính hãng, nhưng người tiêu dùng có thể phải trả giá đắt hơn về mặt sức khỏe và tài chính. Các vấn đề sức khỏe do mỹ phẩm giả có thể dẫn đến chi phí điều trị y tế cao. Việc đầu tư vào sản phẩm giả không mang lại giá trị thực, khiến người tiêu dùng lãng phí tài chính.

Nguyễn Thị Dung tại cơ quan điều tra

Nguyễn Thị Dung tại cơ quan điều tra

Buôn bán mỹ phẩm giả không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm chân chính. Các doanh nghiệp chính hãng phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng từ sản phẩm giả, dẫn đến giảm doanh thu và lợi nhuận.

Một khi lòng tin của người tiêu dùng đã bị tổn thương, thì thật giả đều bị loại bỏ khỏi nhu cầu sử dụng. Khi người tiêu dùng sử dụng mỹ phẩm giả có thể gây ra những phản hồi tiêu cực về thương hiệu, ảnh hưởng đến uy tín của các thương hiệu chính hãng.

Không những thế, nhiều mỹ phẩm giả được sản xuất mà không tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường. Các hóa chất độc hại từ mỹ phẩm giả có thể xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm đất, nước và không khí. Các sản phẩm mỹ phẩm giả thường không được phân loại và xử lý đúng cách, gây áp lực lên hệ thống xử lý chất thải.

Việc buôn bán và sử dụng mỹ phẩm giả là một vấn đề nghiêm trọng với nhiều tác hại không thể xem nhẹ. Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức và kiến thức về sản phẩm mình sử dụng, lựa chọn các sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng để bảo vệ sức khỏe bản thân và góp phần vào việc xây dựng một thị trường mỹ phẩm lành mạnh.

Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường quản lý và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán mỹ phẩm giả để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ngày 23/5, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một cơ sở sản xuất, buôn bán số lượng lớn mỹ phẩm giả trên địa bàn huyện Triệu Sơn do Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1995, trú tại xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa làm chủ.

Quá trình đấu tranh, Nguyễn Thị Dung khai nhận, khoảng tháng 12/2024, Nguyễn Thị Dung đã tham gia hội nhóm chuyên mua bán mỹ phẩm trên mạng xã hội Facebook và liên hệ đặt mua mỹ phẩm về bán tại nhà qua Facebook cá nhân và trang fanpage “Mỹ phẩm pass” do Dung tự lập.

Quá trình kinh doanh buôn bán mỹ phẩm, nhận thấy việc bán mỹ phẩm kiếm lời cao, khách hàng mua qua mạng lại không có nhiều hiểu biết về các mỹ phẩm, ham rẻ nên Dung đã nảy sinh ý định làm giả các loại mỹ phẩm để bán kiếm lời.

Để thực hiện được hành vi của mình, Dung đã thuê nhà ở thôn 4, xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn để sản xuất mỹ phẩm giả. Tại đây, Dung đã đặt mua các loại kem, serum và các chất pha trộn trên mạng xã hội với giá 50.000đ/1kg cùng với một số chất tạo màu, tạo mùi.

Sau đó sử dụng máy trộn cầm tay để khuấy, đánh, trộn cho các loại dung dịch này gần giống với các loại mỹ phẩm nguyên bản rồi bơm, đổ vào các chai lọ mỹ phẩm của các nhãn hàng đã sử dụng hết được thu mua từ trước đó.

Chỉ tính từ khoảng cuối năm 2024 đến khi bị bắt, Nguyễn Thị Dung đã bán trót lọt hơn 1.000 đơn hàng cho các khách hàng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng giá trị hơn 142 triệu đồng.

Hiện, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thị Dung về tội “Sản xuất, mua bán hàng giả”, đồng thời tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/he-luy-khon-luong-khi-my-pham-gia-tung-hoanh-thi-truong-479902.html
Zalo