Hệ lụy khi loạt quốc gia điều tra thép cán nóng của Việt Nam

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam.

Động thái này diễn ra sau khi các nhà sản xuất thép Ấn Độ nộp đơn xin điều tra các sản phẩm thép cán nóng xuất xứ từ Việt Nam.

Sản phẩm bị điều tra là thép cuộn cán nóng hợp kim hoặc không hợp kim; không phủ, không mạ hoặc tráng, có độ dày lên đến 25mm và chiều rộng lên đến 2.100mm thuộc các mã HS: 7208; 7211; 7225; 7226. Sản phẩm bị điều tra không bao gồm thép cuộn không gỉ cán nóng.

Thời kỳ điều tra bán phá giá (POI) từ 1/1/2023 đến 31/3/2024 (15 tháng); thời kỳ điều tra thiệt hại các giai đoạn từ 1/4/2020 đến 31/3/2021, từ 1/4/2021 đến 31/3/2022 và từ 1/4/2022 đến 31/3/2023.

Mỗi năm Việt Nam sản xuất được 8,5 triệu tấn thép cán nóng, đáp ứng được 70% nhu cầu trong nước. Ảnh: Hồng Hạnh.

Mỗi năm Việt Nam sản xuất được 8,5 triệu tấn thép cán nóng, đáp ứng được 70% nhu cầu trong nước. Ảnh: Hồng Hạnh.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết đang phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ thu thập thêm thông tin để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước. Các doanh nghiệp được khuyến nghị nghiên cứu kỹ thông báo khởi xướng, nêu ý kiến và hợp tác với DGTR trong quá trình điều tra.

Ngoài Ấn Độ, hồi đầu tháng 8, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

Giai đoạn điều tra bán phá giá từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3; giai đoạn điều tra thiệt hại từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/3.

Tính đến nay, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép.

Ở chiều ngược lại, cuối tháng 7, Việt Nam cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6 năm nay.

Theo Luật Sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, tiến trình tự do hóa thương mại và khó khăn kinh tế chung trên toàn cầu đã khiến xu hướng lạm dụng các biện pháp tự vệ để bảo hộ sản xuất trong nước, do công suất ngành sản xuất thép trên thế giới đang bị dư thừa. Việc này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép.

Do đó, việc khối lượng xuất khẩu của mặt hàng này có thể sụt giảm là điều không tránh khỏi. Hơn nữa, để theo kiện, doanh nghiệp buộc phải bỏ ra các chi phí vật chất và nhân lực rất lớn phục vụ các yêu cầu tố tụng liên quan.

Ông Hà cũng cho hay, điều bất lợi rất lớn là hệ lụy có thể kéo dài nhiều năm, bởi một biện pháp thuế chống bán phá giá kéo dài ít nhất 5 năm và còn có thể bị gia hạn nhiều lần. Mỗi năm các doanh nghiệp có thể phải mất thêm các chi phí để theo đuổi các thủ tục rà soát hàng năm hoặc cuối kỳ nếu bị yêu cầu.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/he-luy-khi-loat-quoc-gia-dieu-tra-thep-can-nong-cua-viet-nam-19224082019321471.htm
Zalo