Hé lộ nhiều điều chưa biết về Thủ đô từ công trình nghiên cứu của cán bộ lưu trữ

Cuốn sách về lịch sử Hà Nội thời cận đại hé lộ nhiều điều bất ngờ, chẳng hạn như liệu có phải Hồ Gươm từng suýt bị lấp hay Hà Nội có đến ba con phố được đặt theo tên nhà thơ Nguyễn Du.

Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại-từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” của Tiến sỹ Đào Thị Diến đã hé lộ nhiều bất ngờ về sự “thay da đổi thịt” của Hà Nội giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Nghiên cứu công phu này đã được Hội đồng Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2024 đánh giá cao và trao giải Tác phẩm-Vì tình yêu Hà Nội.

Nhân dịp này, Tiến sỹ Đào Thị Diến trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về quá trình nghiên cứu, tiếp cận lịch sử Hà Nội thông qua lăng kính tài liệu lưu trữ.

Vượt rào cản ngôn ngữ để hoàn thành nghiên cứu

- Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại-từ nhượng địa đến thành phố” được đánh giá là công trình nghiên cứu công phu của một tác giả có 30 năm công tác trong ngành lưu trữ. Vậy bà đã bắt đầu công việc của mình như thế nào?

Tiến sỹ Đào Thị Diến: Đầu tiên, phải nói rằng tôi là người nghiên cứu lịch sử. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành Sử Thế giới, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1970-1975). Do phân công nhiệm vụ nên năm 1975, tôi vào công tác tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội.

 Tiến sỹ Đào Thị Diến trong buổi giao lưu ra mắt sách. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiến sỹ Đào Thị Diến trong buổi giao lưu ra mắt sách. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng vì trái ngành học nên tôi được giao nhiệm vụ ở phòng đọc, phụ trách độc giả. Nhiệm vụ cụ thể là đọc tài liệu, phát hiện các thông tin hay rồi viết bài giới thiệu.

Vậy là tôi như “chuột sa chĩnh gạo” vì tôi rất thích đọc. Tôi bắt đầu chuyên tâm với chủ đề Hà Nội từ năm 2008, khi tham gia Hội thảo khoa học Quản lý và phát triển Thăng Long-Hà Nội thuộc chương trình khoa học cấp nhà nước K.X 09 của Văn phòng chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội tổ chức vào tháng 3/2008 với báo cáo nhan đề “Hệ thống chính quyền thành phố Hà Nội thời Pháp thuộc và vai trò của nó trong quản lý và phát triển đô thị.”

Tôi tiếp tục viết về Hà Nội ngay cả trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Sau đó, Giáo sư-Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh, người thầy kính mến của các thế hệ sinh viên trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã khích lệ, động viên tôi nên tổng hợp lại để in thành sách.

 Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại-từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” vừa ra mắt bạn đọc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại-từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” vừa ra mắt bạn đọc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Qua gần hai năm tập hợp các bài viết và các báo cáo khoa học về Hà Nội, biên tập và xử lý nhiều vấn đề phát sinh thì cuốn sách “Hà Nội thời cận đại-từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” đã được ra mắt bạn đọc.

- “Hà Nội thời cận đại-từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” được thực hiện trên cơ sở tài liệu lưu trữ. Vậy trong quá trình tiếp cận, xử lý các tài liệu lưu trữ, bà có những thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Tiến sỹ Đào Thị Diến: Đối với cá nhân tôi, việc biên soạn cuốn sách này có những thuận lợi nhất định. Đó là nhờ có thâm niên trong công tác nên tôi nắm vững khối tài liệu tiếng Pháp, hiểu rõ cách tổ chức và nội dung cơ bản của các phông tài liệu tiếng Pháp (fonds d’archives), hiểu rõ bộ máy chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương và Bắc Kỳ, đặc biệt là ở Hà Nội. Vì thế, việc tra tìm tài liệu có nhiều thuận lợi so với các nhà nghiên cứu khác.

Tuy nhiên, cũng vì do chính quyền thuộc địa Pháp sản sinh ra nên tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Điều đó có nghĩa là muốn tiếp cận chúng, người nghiên cứu bắt buộc phải vượt qua “rào cản” của ngôn ngữ. Và, tiếng Pháp, trong trường hợp này, chính là câu thần chú “Vừng ơi, mở ra.”

 Bản đồ gốc kèm Dụ số 59 ngày 28 tháng 5 năm Bảo Đại thứ 17 (11-7-1942) về mở rộng nhượng địa Pháp tại Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Bản đồ gốc kèm Dụ số 59 ngày 28 tháng 5 năm Bảo Đại thứ 17 (11-7-1942) về mở rộng nhượng địa Pháp tại Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Từ vốn tiếng Pháp cơ bản, tôi mày mò tự học thêm để có thể tiếp cận các tài liệu tiếng Pháp. Song, nhiều tài liệu dùng thứ tiếng Pháp cổ, rất khó đối với chúng ta ngày nay. Để vượt qua khó khăn này, tôi đã xin trợ giúp của Giáo sư Đinh Xuân Lâm, một trong “bộ tứ” huyền thoại của Khoa Lịch sử (Đại học Tổng hợp). Nhờ có thầy, các bản dịch từ Pháp sang Việt của tôi ngày càng sáng nghĩa hơn.

- Có lẽ để hoàn thành một công trình nghiên cứu công phu về Hà Nội không chỉ cần một nền tảng kiến thức sâu dày mà còn cần nguồn cảm hứng nào đó, thưa bà?

Tiến sỹ Đào Thị Diến: Nếu không có một tình yêu mãnh liệt với nơi chôn nhau cắt rốn của mình là Hà Nội, nếu không vì muốn lan tỏa những kiến thức về Hà Nội cho những người cùng có tình yêu Hà Nội như mình, làm sao tôi có thể vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành những cuốn sách về Hà Nội mà tôi đã từng viết?

Là một người sinh ra và lớn lên trong một khu phố nhỏ ở phía Bắc thành Hà Nội gần hai năm trước ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954), tuổi thơ của tôi trôi qua êm đềm với biết bao kỷ niệm ở vườn hoa Hàng Đậu gần tháp nước tròn cổ kính, với tiếng tàu điện leng keng dọc phố Quán Thánh, với con đường Phan Đình Phùng có cổng thành Hà Nội còn vẹn nguyên vết đạn pháo công thành của thực dân Pháp, con đường dẫn tới trường Chu Văn An thân yêu tôi đã học trong những năm cấp II rồi cấp III sau khi đi sơ tán trở về.

Với tôi, các con phố nhỏ như Đặng Tất, Lý Nam Đế, rồi vườn hoa Cửa Nam… đã trở thành một phần không thể thiếu của tuổi ấu thơ. Xin được gửi gắm trong cuốn sách này tình yêu sâu đậm với Hà Nội tới những độc giả có cùng tình yêu Hà Nội như tôi.

Những điều gây sửng sốt về Hà Nội

- Về cuốn sách này, bà có thể hé lộ một số chi tiết khiến độc giả cảm thấy thú vị khi tìm hiểu về Hà Nội?

Tiến sỹ Đào Thị Diến: Từng có thông tin cho rằng Hồ Gươm suýt bị lấp năm 1925. Chúng tôi đã tìm thấy hồ sơ số 73511/04 với tiêu đề “Về việc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp chịu trách nhiệm bảo quản các công trình lịch sử phản đối việc lấp một phần Hồ Nhỏ (Petit Lac, tức Hồ Gươm) ở Hà Nội 1925.”

 (Từ trái sang) Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Chambre de Commerce et d'Agriculture (Phòng Thương mại và Nông nghiệp, nay là tòa soạn báo Hà Nội Mới), tàu điện trên phố Hàng Đào, Cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh tư liệu)

(Từ trái sang) Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Chambre de Commerce et d'Agriculture (Phòng Thương mại và Nông nghiệp, nay là tòa soạn báo Hà Nội Mới), tàu điện trên phố Hàng Đào, Cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh tư liệu)

Ngày 1/5/1925, Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội Louis Finot gửi công văn số 526 lên Thống sứ Bắc Kỳ J. Louis René Robin phản ánh việc lấp đất trên vỉa hè ở đầu phía Bắc của Hồ Gươm dọc theo Đại lộ Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay) và Đại lộ Beauchamps (phố Lê Thái Tổ) của Thành phố Hà Nội và yêu cầu người đứng đầu xứ Bắc Kỳ cho ngừng công việc lại vì khu vực đó có cụm công trình lịch sử đền Ngọc Sơn, trong đó có ngọn Tháp Bút, đang được Viện Viễn đông Bác cổ Pháp trình lên Toàn quyền Đông Dương để được phê chuẩn là một trong những công trình lịch sử trên toàn Đông Dương.

Thực chất, việc lấp đất ở phía Bắc Hồ Nhỏ là gia cố các bờ hồ hiện đang bị đào bới và cho phép tiếp tục làm vỉa hè bao quanh.

Kể từ đó tới nay, Hồ Gươm cùng các di tích ven Hồ, bao gồm cả đền Bà Kiệu ở bên đối diện, vẫn sừng sững uy nghi cùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

 Chữ ký của Toàn quyền Đông Dương ngày 25/8/1942 tại Đà Lạt chuẩn y bản đồ kèm theo Dụ số 59 ngày 28 tháng 5 năm Bảo Đại thứ 17 (11/7/1942) về mở rộng nhượng địa Pháp tại Hà Nội.

Chữ ký của Toàn quyền Đông Dương ngày 25/8/1942 tại Đà Lạt chuẩn y bản đồ kèm theo Dụ số 59 ngày 28 tháng 5 năm Bảo Đại thứ 17 (11/7/1942) về mở rộng nhượng địa Pháp tại Hà Nội.

Việc đặt tên phố cũng có nhiều chi tiết thú vị, chẳng hạn, tên của đại thi hào Nguyễn Du từng được đặt cho đường số 20, đoạn giữa đường số 19 và phố O’Dendhal (phố Đinh Liệt) nhưng đến năm 1943, cuộc họp thường kỳ của thành phố đã đề cập đến việc thay đổi tên đường này.

Thư ký cuộc họp đã đọc báo cáo về lý do thay đổi tên phố đó như sau:

“Tên của nhà thơ lớn người Việt Nam là Nguyễn Du đã được đặt cho một con đường của Hà Nội mà ngày nay lại là một con đường xuống cấp nhất, bẩn thỉu nhất, qua một cái ngõ hôi thối, nối liền phố O’Dendhal (phố Đinh Liệt) đến rue de la Soie (phố Hàng Đào), trải dài đến tận phố Tirant (phố Gia Ngư).

Đương nhiên người ta có thể dọn dẹp cái ngõ này, và đó là việc phải làm ngay, không được chậm trễ. Tuy nhiên, dù có được dọn dẹp thì phố đó cũng không bao giờ xứng đáng được mang tên Nguyễn Du.

Điều cần thiết, tôi cho rằng thích hợp, là phải tưởng nhớ đến nhà thơ này bằng cách lấy tên ông đặt cho một đường lớn hoặc một đại lộ khác của Thành phố Hà Nội. Đấy là điều mà dân chúng người Việt mong muốn và nhà thơ cũng xứng đáng được như vậy.”

Vậy là con phố đó được sáp nhập với phố Tirant (phố Gia Ngư ngày nay), còn tên của “tác giả Truyện Kiều” đã được đặt cho đường số 202, nối liền phố Huế với Route Mandarine (đường Cái Quan - nay là một đoạn đường Lê Duẩn).

Năm 1945, ba phố Riquier, Charles Halais và Dufourcq được gộp thành phố Nguyễn Du ngày nay.

- Từ nghiên cứu của mình, bà cho rằng cuốn sách này có giá trị như thế nào đối với việc quản lý cũng như bảo tồn di sản văn hóa của Thủ đô Hà Nội ngày nay?

Tiến sỹ Đào Thị Diến: Tôi tin rằng cuốn sách sẽ được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau đánh giá cao.

Bên cạnh đó, những tài liệu được sử dụng trong cuốn sách này rất có thể giúp các cơ quan chức năng rà soát, thể chế hóa các quy định của nhà nước nhằm tạo ra một hành lang pháp lý để đảm bảo quản lý đô thị phát triển theo đúng quy hoạch và có thể đóng góp có hiệu quả đối với việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa của Thủ đô. Hy vọng sách sẽ được những người làm công tác quản lý ở Hà Nội quan tâm.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện./.

 Phố Concession (nay là phố Phạm Ngũ Lão). Ảnh của Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (Archives Nationales d’outre mer – ANOM), phông: Phủ Toàn quyền Đông Dương (Gouvernement général de l’Indochine – GGI), hồ sơ: 6550.

Phố Concession (nay là phố Phạm Ngũ Lão). Ảnh của Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp (Archives Nationales d’outre mer – ANOM), phông: Phủ Toàn quyền Đông Dương (Gouvernement général de l’Indochine – GGI), hồ sơ: 6550.

Nhà nghiên cứu Đào Thị Diến, sinh năm 1953 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp chuyên ngành Sử Thế giới, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1970-1975) và sau đó công tác tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội (1975-2008). Bà có bằng Thạc sỹ Lịch sử (năm 1999) và bằng Tiến sỹ Lịch sử (năm 2004) tại Đại học Paris 7, Denis Diderot (Pháp).

Bà là tác giả của các sách chuyên về Hà Nội đã xuất bản: “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873-1954),” 2 tập; ”Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý Thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954.” Bà còn tham gia biên soạn các sách: “Từ điển đường phố Hà Nội”; “Biên niên lịch sử Thăng Long-Hà Nội”; “Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính”; “Địa danh hành chính Thăng Long-Hà Nội (từ đầu thế kỷ XIX đến nay)”.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/he-lo-nhieu-dieu-chua-biet-ve-thu-do-tu-cong-trinh-nghien-cuu-cua-can-bo-luu-tru-post980903.vnp
Zalo