Hé lộ mới về vụ nổ loạt máy nhắn tin chết chóc nhằm vào Hezbollah

Các nguồn tin cấp cao từ Lebanon tiết lộ Israel đã giấu chất nổ vào bên trong pin máy nhắn tin của Hezbollah. Công nghệ này tiên tiến tới mức gần như không thể bị phát hiện.

Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên Hezbollah đã nổ vào hôm 17-18/9, khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương.

Mặc dù cả Lebanon và Hezbollah đều đổ lỗi cho Israel, Tel Aviv vẫn chưa lên tiếng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant ngầm thừa nhận vai trò khi ca ngợi “những thành tựu tuyệt vời cùng với Shin Bet và Mossad” một ngày sau vụ việc.

CNN nhận định hoạt động này là kết quả của cơ quan tình báo Mossad và quân đội Israel.

Gài thuốc nổ vào vỏ kim loại của pin

Một nguồn tin an ninh Lebanon tiết lộ cách thức giấu vật liệu nổ bên trong pin máy nhắn tin tinh vi tới mức không thể phát hiện, nhưng không giải thích thêm về các bước kiểm tra thiết bị trước khi nhập khẩu vào nước này.

Một người khác cho biết ông đã kiểm tra một máy nhắn tin bị can thiệp và chứng kiến cách nó nổ, khẳng định mình chưa bao giờ thấy thứ gì giống vậy. Ông nói vật liệu nổ được gắn bên trong pin lithium của máy nhắn tin và gần như không thể phát hiện ra.

Một thiết bị nổ tự chế có 5 thành phần chính: Nguồn điện, bộ khởi động, bộ kích nổ, thuốc nổ và hộp chứa các vật này. Sean Moorhouse - cựu sĩ quan quân đội Anh và chuyên gia xử lý vật liệu nổ - cho hay chỉ cần thêm bộ kích nổ và thuốc nổ là có thể biến máy nhắn tin thành vũ khí, bởi thiết bị này vốn đã có 3 thành phần còn lại.

Để khiến bộ kích nổ và thuốc nổ "vô hình", ông Moorhouse cho biết có thể cấy lượng nhỏ vào bên trong vỏ kim loại của pin, và không thể tìm ra những vật lạ này chỉ bằng máy X-quang.

Máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ. Ảnh: CNN.

Máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ. Ảnh: CNN.

Các chuyên gia khác, thông qua các video về vụ nổ, cũng nhận định thiết bị nổ khả năng cao được giấu trong các máy nhắn tin, nên đây là một cuộc tấn công vào chuỗi cung ứng tinh vi có sự tham gia cấp nhà nước.

Lebanon cũng có đánh giá ban đầu tương tự. Trong thư gửi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hôm 20/7, phái đoàn Lebanon viết điều tra sơ bộ nhận định các thiết bị liên lạc bị cấy thuốc nổ trước khi đến nước này, bị can thiệp “một cách chuyên nghiệp” bởi “các thực thể nước ngoài”.

Chính quyền Lebanon cũng xác định các thiết bị bị kích nổ bằng tin nhắn điện tử, và cáo buộc Israel chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công, khiến hàng nghìn thiết bị phát nổ cùng lúc.

Trong bài phát biểu hôm 19/9, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cho biết nhóm đã thành lập ủy ban điều tra nội bộ để tìm hiểu tận cùng, từ công ty bán thiết bị, khâu sản xuất, vận chuyển, phân phối cho đến thời điểm xảy ra vụ việc. Ông khẳng định sẽ “trừng phạt” người chịu trách nhiệm.

Ông Nasrallah nói thêm mặc dù mục tiêu là giết càng nhiều thành viên cấp cao Hezbollah càng tốt, phần lớn lãnh đạo không bị ảnh hưởng do họ dùng mẫu máy nhắn tin đời cũ. Điều này cho thấy nhóm đã sử dụng phương thức liên lạc này trong một thời gian dài.

Chuỗi cung ứng bí ẩn trải dài từ đảo Đài Loan đến Hungary

Những mảnh vỡ còn sót lại cho thấy máy nhắn tin giống mẫu do công ty Đài Loan - Gold Apollo - sản xuất, trong khi bộ đàm là sản phẩm của một công ty Nhật Bản - ICOM. Lebanon cho biết các thiết bị phát nổ là máy nhắn tin Gold Apollo Rugged Pager AR-924 và bộ đàm ICOM IC-V82.

Tuy nhiên, cả Gold Apollo và ICOM đều phủ nhận liên quan tới vụ việc.

ICOM cho biết công ty đã ngừng sản xuất mẫu IC-V82 cách đây một thập niên. Họ không thể xác định liệu các thiết bị phát nổ ở Lebanon có phải hàng giả hay được công ty này vận chuyển hay không. Các bộ đàm nhái được bán rộng rãi trên các trang thương mại điện tử, như Alibaba.

Bộ Truyền thông Lebanon cho biết các bộ đàm IC-V82 phát nổ không được cung cấp bởi một đại lý chính thức, không được cấp phép và không được kiểm tra an ninh.

Các nỗ lực điều tra quốc tế phần lớn tập trung vào máy nhắn tin Gold Apollo AR-924. New York Times trích dẫn 3 nguồn tin cho biết Israel đã thành lập ít nhất ba công ty ma để che giấu danh tính những người sản xuất máy nhắn tin - các sĩ quan tình báo Israel.

Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Gold Apollo có trụ sở tại đảo Đài Loan (Trung Quốc), Hsu Ching-kuang, đã bị thẩm vấn vào hôm 19/9, sau đó được thả.

Trước đó một ngày, ông Hsu kịch liệt phủ nhận việc máy nhắn tin mang thương hiệu công ty mình, khẳng định chúng được sản xuất bởi một công ty Hungary tên BAC Consulting.

Ông Hsu cho biết đã ký kết thỏa thuận cấp phép với BAC, chuyển giao trách nhiệm sản xuất và bán mẫu AR-924. Một trong những người mà ông Hsu liên lạc để thực hiện thỏa thuận có tên Teresa.

 Ông Hsu Ching-kuang trả lời báo chí về vụ việc. Ảnh: Guardian.

Ông Hsu Ching-kuang trả lời báo chí về vụ việc. Ảnh: Guardian.

Teresa Wu - cựu nhân viên Gold Apollo - bị bắt gặp rời khỏi văn phòng công tố viên thành phố Tân Bắc tối 19/9. Các công tố viên Đài Loan liệt kê ông Hsu và bà Wu là nhân chứng. Bà Wu được cho là đã rời Gold Apollo cách đây vài năm và bắt đầu làm việc cho BAC Consulting.

Bà Wu thành lập công ty tên Apollo Systems Ltd hồi tháng 4. Không rõ liệu bà có đang điều hành BAC Consulting tại Đài Bắc dưới tên công ty mới là Apollo Systems Ltd hay không.

Apollo Systems Ltd ghi tên trang web “www.apollosystemshk.com”, theo cơ sở dữ liệu do cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế Đài Loan quản lý. Trang web Apollo Systems HK - đã bị gỡ xuống sau vụ nổ - cho biết doanh nghiệp này có một trung tâm sản xuất và bán hàng tại thành phố Đài Bắc cùng một văn phòng hậu cần tại thành phố Hong Kong. Khi CNN đến địa chỉ tại Hong Kong, không có dấu hiệu nào cho thấy công ty này tồn tại.

Vào tháng 12/2022 và tháng 2/2023, kênh YouTube của Apollo Systems HK tải lên hai video về máy nhắn tin Gold Apollo AR-924, quảng cáo về “pin lithium dung lượng cao có thể sạc” và nhiều tính năng khác. Trên kênh YouTube và trang web, Apollo Systems HK nói họ mua được “quyền phân phối độc quyền" với hệ thống máy nhắn tin Gold Apollo, trong đó có mẫu AR-924.

Hai nguồn tin cho biết không có hồ sơ về việc Gold Apollo sản xuất máy nhắn tin AR-924 tại Đài Loan. Các quan chức này cũng xác nhận Gold Apollo chỉ sản xuất loại sử dụng pin AA, không phải pin lithium như trong các thiết bị phát nổ.

Hồ sơ hải quan tại Đài Loan cho thấy Gold Apollo vận chuyển hơn 20.000 máy nhắn tin từ hòn đảo này tới Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2024. Hơn 5.000 chiếc được chuyển đến Hong Kong, trong khi hơn 3.000 máy đến Australia.

Phía Đài Loan cũng đã kiểm tra lịch sử đơn hàng và nguồn linh kiện thô cho máy nhắn tin Gold Apollo, đồng thời khẳng định hoạt động sản xuất được kiểm soát chặt chẽ tại hòn đảo này. Trong tuyên bố hôm 19/9, văn phòng công tố khẳng định “cho đến nay chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy có công dân liên quan tới vụ khủng bố phát nổ”.

Các cuộc điều tra về chuỗi cung ứng cũng đang được tiến hành ở châu Âu, trong đó có BAC Consulting và một công ty khác có liên hệ với Bulgaria và Na Uy.

CNN đã tới địa chỉ đăng ký của công ty này, nằm trong một khu dân cư ở thủ đô Budapest. Hôm 18/9, nhân viên lễ tân làm việc tại tòa nhà cho biết BAC Consulting có thuê một không gian tại đây nhưng chưa đại diện nào từng trực tiếp đến đó.

Theo NBC News, Giám đốc điều hành BAC Consulting, Cristiana Bársony-Arcidiacono, xác nhận công ty bà có làm việc với Gold Apollo, nhưng “không sản xuất máy nhắn tin mà chỉ là đơn vị trung gian”.

 Giám đốc điều hành BAC Consulting, Cristiana Bársony-Arcidiacono, phủ nhận vai trò sản xuất của công ty. Ảnh: LinkedIn.

Giám đốc điều hành BAC Consulting, Cristiana Bársony-Arcidiacono, phủ nhận vai trò sản xuất của công ty. Ảnh: LinkedIn.

Hồ sơ hải quan của phía Đài Loan không có thông tin Gold Apollo xuất khẩu máy nhắn tin sang Hungary vào năm 2023 hoặc 2024.

Cơ quan tình báo Hungary đã phỏng vấn bà Bársony-Arcidiacono nhiều lần trong quá trình điều tra BAC Consulting, nhưng không có gì chứng minh được máy nhắn tin trong vụ phát nổ được sản xuất tại quốc gia này. “Kết quả rõ ràng cho thấy ‘máy nhắn tin’ chưa bao giờ có mặt trên đất Hungary, không có công ty hay chuyên gia Hungary nào tham gia vào quá trình sản xuất hoặc sửa đổi", tuyên bố cho biết.

Trong khi đó, chính quyền Bulgaria đang điều tra Norta Global Ltd sau khi truyền thông Hungary đưa tin công ty có trụ sở tại Sofia liên quan đến việc bán máy nhắn tin cho Hezbollah. Cơ quan an ninh quốc gia Bulgaria (DANS) cho biết nước này không “nhập khẩu, xuất khẩu hoặc sản xuất” bất cứ mẫu máy nào có trong vụ nổ, và Norta Global Ltd không “tài trợ khủng bố hoặc giao dịch với bất kỳ bên nào đang chịu lệnh trừng phạt”.

Norta Global Ltd được Rinson Jose - một công dân Na Uy - thành lập vào tháng 4/2022. Hiện ông Jose chưa trả lời yêu cầu bình luận của CNN. Theo một nguồn tin, cảnh sát an ninh Na Uy đã bắt đầu điều tra sơ bộ về các mối liên hệ giữa công ty này và các máy nhắn tin.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/he-lo-moi-ve-vu-no-loat-may-nhan-tin-chet-choc-nham-vao-hezbollah-post1500606.html
Zalo