Hé lộ lợi nhuận ngân hàng quý II: Nhiều nhà băng tăng trưởng 2 chữ số

Dù mới chỉ một vài ngân hàng hé lộ kết quả kinh doanh, song bức tranh lợi nhuận của ngành quý II/2025 được dự báo sẽ tăng đáng kể nhờ tăng trưởng tín dụng và nợ xấu được xử lý, dự phòng giảm.

Lợi nhuận ngân hàng quý II dự báo khởi sắc

Lợi nhuận ngân hàng quý II dự báo khởi sắc

Tín dụng tăng tốc

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 30/6/2025, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.

Tín dụng tăng tốc là nhờ tâm lý tích cực hỗ trợ bởi mục tiêu tăng trưởng GDP 8% và chính sách tiền tệ nới lỏng.

Tại các ngân hàng thương mại nhà nước, tín dụng cũng tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay. Chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, tính đến 30/6/2025 nguồn vốn huy động của nhà băng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm, cao nhất từ năm 2021 trở lại đây, trong đó tiền gửi dân cư chiếm tỷ trọng lớn.

Dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, cao hơn cùng kỳ năm 2024. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 61% tổng dư nợ.

Theo ban lãnh đạo Agribank, hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của toàn hệ thống ngân hàng đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ năm trước, đạt cao nhất sau 4 năm triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng thông tin tính đến ngày 30/6/2025, tín dụng toàn hệ thống Vietcombank đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2024. Nếu không bao gồm hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ hỗ trợ VCB Neo, mức tăng đạt 7,5%. Chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát hiệu quả, với tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1%.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết đã đạt được những kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, dư nợ tín dụng tăng trưởng ước đạt 10% so với cuối năm 2024; nguồn vốn huy động tăng ước đạt hơn 9% so với cuối năm 2024; lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024.

Ở nhóm tư nhân, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) là nhà băng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2025 với lợi nhuận trước thuế trên 2.500 tỷ đồng tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên góp phần giúp ROE duy trì mức gần 20%, ROA đạt 1,5%.

Tổng tài sản của Nam A Bank cán mốc gần 315.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2025, tăng trưởng hơn 30% so với đầu năm và đánh dấu bước tiến mạnh mẽ về quy mô hoạt động của ngân hàng này trong hơn 32 năm hoạt động. Dư nợ tín dụng đạt gần 193.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,7% so với đầu năm, huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 211.000 tỷ đồng tăng mạnh hơn 22% so với đầu năm.

Chất lượng tài sản đang cải thiện dần, khi nợ nhóm 2 (trước CIC) đã giảm đáng kể từ mức 1,47% ở đầu năm 2025 xuống mức 0,62%, tỷ lệ nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) ở mức 2,63%.

Tính đến cuối tháng 6/2025, tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) được kiểm soát ở mức 67,17%. Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 22,33% xuống còn 21,94%.

Nhiều ngân hàng có lãi tăng trưởng 2 chữ số

Dù mới có số ít nhà băng hé lộ một vài chỉ tiêu kinh doanh song các đơn vị nghiên cứu đều chung nhận định bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm nay của các ngân hàng thương mại khởi sắc.

Theo báo cáo mới nhất từ Chứng khoán MB (MBS), lợi nhuận sau thuế quý II của các ngân hàng niêm yết tăng 14,7% so với cùng kỳ, khả quan hơn so với mức 11% trong quý I.

8 ngân hàng được MBS dự báo có lợi nhuận trên 10%, gồm VPBank, Sacombank, VietinBank, HDBank, Eximbank, LPBank, OCB và VIB. Trong đó, VPBank là nhà băng dự kiến có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dẫn đầu với mức tăng 39%, đạt 5.046 tỷ đồng. Hay Eximbank tăng khoảng 35%, thu về 859 tỷ đồng lợi nhuận.

Phần lớn những ngân hàng được nhóm phân tích của MBS nhắc tới cũng "trùng khớp" với danh sách dự báo từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS). Ngoài ra, theo VCBS, hai nhà băng là MB và MSB ghi nhận kết quả khả quan, với lợi nhuận trước thuế quý II lần lượt đạt 9.398 tỷ đồng và 2.512 tỷ đồng, tăng 23% và 16% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các đơn vị nghiên cứu, tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu là yếu tố chính thúc đẩy lợi nhuận các ngân hàng, trong đó nhóm tư nhân có mức tăng tốt hơn so với nhóm quốc doanh.

Những ngân hàng có mức tăng tín dụng tại cuối quý II theo MBS là VPBank (đạt 12%), Sacombank (đạt 9%), Eximbank (đạt 13%), LPBank (10%), Techcombank (9%), VIB (đạt 8%)…

Ngoài ra, biên lãi ròng (NIM) phục hồi và áp lực trích lập dự phòng giảm bớt cũng là lý do giúp nhiều nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng tốc trong quý II.

Theo MBS, một số ngân hàng có mức trích lập dự phòng giảm gồm: VIB (khoảng 1.000 tỷ đồng, giảm 8,7%), Sacombank (trên 300 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ), HDBank (khoảng 1.000 tỷ đồng, đi ngang), ACB (khoảng 600 tỷ đồng, đi ngang so với quý trước)…

Ngược lại, VPBank lại tăng mạnh trích lập dự phòng trên 9.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và 38% so với quý trước, chủ yếu đến từ các khoản nợ xấu liên quan đến cho vay tiêu dùng.

Hay Eximbank dự kiến trích lập khoảng 200 tỷ đồng trong quý II, tăng 66% so với quý trước do nợ xấu và nợ nhóm 2 vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Dự báo về lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm nay, các đơn vị nghiên cứu cho rằng những thay đổi chính sách lớn như Luật hóa Nghị quyết 42 sẽ giúp các ngân hàng chủ động thu giữ tài sản bảo đảm, giảm bớt áp lực trích lập dự phòng và chi phí nợ.

Những ngân hàng có chi phí trích lập lớn như VietinBank, VPBank và những ngân hàng quy mô nhỏ hơn như MSB, OCB, VIB sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nhóm còn lại với quy định mới này.

Nhật Minh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/he-lo-loi-nhuan-ngan-hang-quy-ii-nhieu-nha-bang-tang-truong-2-chu-so-post187509.html
Zalo