Hé lộ kế hoạch phá kỷ lục của công ty chứng khoán

Kế hoạch kinh doanh mà các công ty chứng khoán dần hé lộ trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay là tín hiệu quan trọng để nhà đầu tư đánh giá triển vọng của thị trường trong thời gian tới.

Những kế hoạch kỷ lục

Năm 2025 được dự báo là một năm đặc biệt với thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đà kỳ vọng của thị trường, nhiều công ty chứng khoán đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh với lợi nhuận kế hoạch ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Công ty chứng khoán lớn nhất thị trường là SSI không ngần ngại công bố kế hoạch tham vọng của mình. Mục tiêu “ông lớn” này đề ra là 9.695 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 4.252 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng lần lượt 11% và 20% so với thực hiện năm 2024. Con số 4.252 tỷ đồng lợi nhuận nếu đạt được, sẽ phá kỷ lục trước đó của SSI. Năm 2024, SSI lãi lớn nhất lịch sử với khoản lợi nhuận trước thuế đạt 3.453 tỷ đồng.

SSI cho biết, năm 2025 là năm có nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông tư 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính đi vào triển khai từ cuối năm 2024 phần nào tháo gỡ những rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là tiền đề quan trọng để FTSE Russell có thể xem xét nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi vào kỳ đánh giá tháng 9/2025.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm 2025 đặt mục tiêu đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX. Hệ thống giao dịch mới được kỳ vọng thay đổi cả về lượng lẫn về chất cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán năm 2025 còn kỳ vọng các nội dung mới từ Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ đi vào thực tế. Các quy định mới sẽ thúc đẩy hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, giúp thị trường trở nên sôi động và hấp dẫn hơn.

Dù vậy, SSI cũng nhắc đến các rủi ro, tiêu biểu là áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2025, khối ngoại đã bán ròng hơn 92.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán và xu hướng này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt những tháng đầu năm 2025. SSI đưa ra kịch bản Chỉ số VN-Index dao động trong khoảng 1.450 - 1.500 điểm.

Không chỉ “ông lớn” đầu ngành SSI, nhiều công ty chứng khoán khác cũng đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2025 và vượt đỉnh lợi nhuận cũ. Đến nay, đã có 6 công ty chứng khoán đặt mục tiêu lợi nhuận trên ngàn tỷ đồng là SSI, VPS, SHS, VCI, ACBS và MBS.

Các công ty chứng khoán trên đều dự báo mức nền cao cho thị trường chứng khoán. Ví dụ, SHS dự báo Chỉ số VN-Index sẽ dao động từ 1.394 - 1.420 điểm, MBS dự báo từ 1.400 đến 1.420 điểm, VCI dự báo quanh mức 1.400 điểm.

Trong nhóm này, mức tăng trưởng lợi nhuận mục tiêu mà các công ty chứng khoán đề ra khá cao. Ví dụ, ACBS đặt mục tiêu lợi nhuận tăng gần 60%, đạt 1.350 tỷ đồng; MBS đặt kế hoạch tăng 39%, lên 1.300 tỷ đồng lợi nhuận. Nếu đạt được, đây sẽ là năm đầu tiên ACBS và MBS đặt chân vào nhóm công ty chứng khoán có lợi nhuận ngàn tỷ đồng.

Con số lợi nhuận mục tiêu 1.600 tỷ đồng của SHS và 1.420 tỷ đồng của VCI đều tăng quanh 30% so với thực hiện năm 2024. Dù tăng mạnh, nhưng con số này vẫn chưa đạt được mức lợi nhuận mà SHS và VCI đạt được hồi năm 2021.

Hiện TCBS, VNDirect và HSC - 3 công ty chứng khoán lãi ngàn tỷ năm 2024 - chưa công bố kế hoạch doanh thu lợi nhuận năm nay. Tuy nhiên, với kỳ vọng tăng trưởng chung của toàn ngành, số lượng những công ty lãi ngàn tỷ năm 2025 chắc chắn tăng mạnh hơn năm trước (năm 2024 ghi nhận 6 công ty có lợi nhuận trên ngàn tỷ đồng, bao gồm TCBS, SSI, VPS, VNDirect, HSC và SHS).

Ở nhóm quy mô nhỏ hơn, nhiều công ty cũng lên kế hoạch đầy tham vọng. Kafi đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 800 tỷ đồng, tăng trưởng 211% so với năm 2024 khi đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán vẫn lạc quan. Maybank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 55%, đạt 422 tỷ đồng. Cổ đông DNSE đã thông qua kế hoạch lợi nhuận 262 tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước.

Vẫn còn những kế hoạch thận trọng

Phần lớn các công ty chứng khoán lạc quan với triển vọng chung và đưa ra những con số đầy tích cực, song cũng còn số ít công ty đặt ra kế hoạch cẩn trọng hơn.

Một công ty chứng khoán lớn là FPTS đưa ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2025 lần lượt là 1.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, giảm 0,5% và 2,5% so với năm 2024. Trong khi đó, VDSC đề xuất kế hoạch khiêm tốn, con số tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chỉ là 3,5%, đạt 368 tỷ đồng.

Trong đánh giá thị trường của mình, FPTS cho rằng, thị trường sẽ không có thêm sản phẩm mới và có rất ít cổ phiếu mới được niêm yết/đăng ký giao dịch. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh trong ngành vẫn cao khi các công ty chứng khoán tiếp tục đẩy mạnh các chương trình giảm phí giao dịch và lãi suất cho vay margin để thu hút khách hàng.

VDSC tuy vẫn đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam có định giá hấp dẫn và tiềm năng nâng hạng với Chỉ số VN-Index dao động trong khoảng 1.220 - 1.486 điểm, nhưng khá dè dặt khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng. Theo đó, thanh khoản thị trường dự báo đi ngang trong nửa đầu năm 2025 và tăng cao trở lại vào quý III/2025 khi câu chuyện nâng hạng được kích hoạt.

Giới đầu tư cũng xác định, triển vọng thị trường chứng khoán với những yếu tố hỗ trợ từ vĩ mô và kỳ vọng nâng hạng khiến định giá hấp dẫn hơn, tạo nên nhiều cơ hội hơn cho nhóm các công ty chứng khoán trong năm nay, đặc biệt trong các mảng tự doanh, môi giới và cho vay ký quỹ. Tuy nhiên, thị trường không hoàn toàn là “màu hồng” khi áp lực bán ròng từ khối ngoại vẫn hiện hữu.

Cùng với các mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tích cực, các công ty chứng khoán đang lên chiến lược tăng vốn, huy động vốn để mở rộng hoạt động, chuẩn bị cho một năm 2025 nhiều cơ hội, nhưng cũng không kém phần thách thức. Đối với nhà đầu tư, việc theo dõi sát sao các kế hoạch này sẽ là chìa khóa để nắm bắt xu hướng và đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả trong năm 2025.

Thủy Triều

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/he-lo-ke-hoach-pha-ky-luc-cua-cong-ty-chung-khoan-d261254.html
Zalo