Hé lộ kế hoạch Mỹ tấn công cơ sở hạt nhân ngầm Iran nếu đàm phán đổ vỡ

Mỹ tiếp tục duy trì sức ép với Iran về chương trình hạt nhân, sẵn sàng triển khai phương án tấn công các cơ sở ngầm của Tehran bằng bom xuyên phá MOP nếu đàm phán thất bại.

Trong bối cảnh đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran đang diễn ra, quân đội Mỹ vẫn duy trì sức ép bằng sự hiện diện quân sự lớn tại khu vực do Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) phụ trách. Giới chức Mỹ khẳng định không tìm kiếm chiến tranh, nhưng sẽ hành động nếu cần thiết để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

“Chúng tôi không muốn xảy ra chiến tranh. Ông Trump không phải là một tổng thống tranh cử với mục tiêu phát động xung đột. Nhưng ông ấy đã nói rõ: Iran sẽ không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân, và ông ấy giữ mọi quyền để ngăn điều đó xảy ra”, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố hôm 23/4.

Máy bay ném bom B-2 của Mỹ. Ảnh: Creative Commons

Máy bay ném bom B-2 của Mỹ. Ảnh: Creative Commons

Nếu các cuộc đàm phán ngoại giao thất bại, Lầu Năm Góc có thể kích hoạt phương án sử dụng bom xuyên phá lớn nhất của Không quân Mỹ, Massive Ordnance Penetrator (MOP) GBU-57A/B, để tấn công các cơ sở hạt nhân được bảo vệ kiên cố dưới lòng đất của Iran.

Dù các phương án tấn công mạng và đặc nhiệm vẫn được cân nhắc, nhưng Mỹ đã phát triển một loạt kỹ thuật tác chiến từ trên không trong nhiều năm để vô hiệu hóa năng lực hạt nhân của Tehran.

Trong hơn hai thập niên qua, Không quân Mỹ đã cải tiến các loại bom công phá mạnh và ngòi nổ lập trình theo kinh nghiệm từ Chiến tranh vùng Vịnh 1991. Dù mục tiêu không chỉ nhắm vào Iran – mà còn áp dụng với Triều Tiên hay Trung Quốc – nhưng kế hoạch này sẵn sàng được kích hoạt nhằm xóa sổ các mục tiêu cụ thể tại Iran.

Bom xuyên phá GBU-57A/B: Vũ khí chiến lược

MOP GBU-57 là loại bom nặng khoảng 30.000 pound (hơn 13 tấn), trang bị ngòi nổ thông minh có thể lập trình để xuyên sâu vào lòng đất và chỉ phát nổ khi phát hiện các khoang rỗng, điển hình như cơ sở hạt nhân ngầm. Ngòi nổ thông minh này được phát triển trong một chương trình phản ứng nhanh từ năm 2018 và thử nghiệm thả thực tế từ máy bay B-2 đã được tiến hành vào năm 2020. Các thử nghiệm bổ sung được thực hiện trong năm 2021.

Theo giới chuyên gia, chỉ cần triển khai đồng thời nhiều quả MOP vào cùng một mục tiêu, mức độ công phá sẽ rất lớn.

Việc điều động máy bay ném bom tàng hình B-2 tới căn cứ Diego Garcia, nơi được coi là tiền đồn chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương, đã gửi thông điệp mạnh mẽ. Từ Diego Garcia, Mỹ có thể triển khai lực lượng khắp Trung Đông, Trung Á, Nam Á và Ấn Độ Dương.

Trước đây, một cuộc tấn công nhằm loại bỏ chương trình hạt nhân Iran có thể là điều xa vời. Tuy nhiên, 2 cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Iran vào Israel vào tháng 4 và tháng 10/2024 đã làm thay đổi mọi tính toán và chúng cũng cho thấy những điểm yếu chiến thuật của Iran. Cuộc tấn công đáp trả của Israel ngày 26/10/2024 đã đánh trúng trận địa tên lửa đất đối không và năng lực sản xuất tên lửa của Iran.

Tàu sân bay, phòng thủ tên lửa và lực lượng không gian

Khả năng tấn công của Mỹ còn được hậu thuẫn bởi 2 tàu sân bay USS Harry S. Truman và USS Carl Vinson. Hai con tàu có lượng giãn nước 97.000 tấn hiện đang hoạt động 24/7. Một tàu đảm nhiệm các nhiệm vụ ban ngày, trong khi tàu còn lại tổ chức hoạt động ban đêm.

Máy bay từ các tàu sân bay này có thể hỗ trợ kiểm soát không phận, do thám và trinh sát, tham gia vào việc đáp trả các cuộc tấn công bằng UAV và bảo đảm ưu thế trên không.

Một lợi thế của tàu sân bay là do được triển khai trên các vùng biển quốc tế, chúng có thể cung cấp hỏa lực bổ sung và phương án dự phòng khẩn cấp, đồng thời không cần sự cho phép của quốc gia sở tại để thực hiện các chiến dịch. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhạy cảm về chính trị với các đồng minh trong khu vực.

Mỹ cũng tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa với các hệ thống THAAD và Patriot – đặc biệt tại các điểm nóng như Syria, Iraq và khu vực Vùng Vịnh. Trong một cuộc tấn công của Iran hồi tháng 4/2024, các tàu khu trục của Mỹ như USS Arleigh Burke và USS Carney từ phía Đông Địa Trung Hải đã phóng loạt tên lửa SM-3 đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo của Tehran.

Lực lượng Không gian Mỹ cũng đóng vai trò then chốt trong hệ thống cảnh báo sớm. Nhờ dữ liệu từ vệ tinh, Mỹ đã phát hiện và phản ứng nhanh trước các đợt tấn công tên lửa của Iran, từ “Chiến dịch Martyr Soleimani” nhắm vào căn cứ Mỹ ở Iraq năm 2020 đến cuộc tấn công vào Israel tháng 4/2024.

Đến cuộc tấn công thứ 2 của Iran vào Israel tháng 10/2024, Lực lượng Không gian Mỹ đã nâng cấp hệ thống và chiến thuật.

“Lần thứ nhất, chúng tôi đã làm rất tốt và lần thứ 2 chúng tôi còn làm tốt hơn. Độ trung thực dữ liệu cao hơn và thời gian cảnh báo của chúng tôi cũng sớm hơn rất nhiều”, một sỹ phụ trách tác chiến của đơn vị Space Delta 5 thuộc Lực lượng Không gian Mỹ cho biết.

Công cụ răn đe hiệu quả

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tính đến tháng 6/2024, Iran đã tích trữ lượng uranium làm giàu cao gấp hơn 30 lần mức giới hạn quy định trong thỏa thuận hạt nhân giữa nước này với nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với Đức) ký năm 2015. Cơ quan này thừa nhận không thể xác định chính xác toàn bộ vị trí các máy ly tâm của Iran.

Việc các cơ sở hạt nhân ngầm từng được coi là “bất khả xâm phạm” của Iran gờ đây có thể dễ dàng nhìn thấy qua ảnh vệ tinh và trở thành mục tiêu tấn công, có thể là công cụ răn đe hiệu quả và thúc đẩy Tehran nghiêm túc trên bàn đàm phán.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo 19fortyfive

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/he-lo-ke-hoach-my-tan-cong-co-so-hat-nhan-ngam-iran-neu-dam-phan-do-vo-post1195589.vov
Zalo