Hé lộ dàn cổ đông 'khủng' của công ty chứng khoán KAFI
Vợ chồng Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ đang sở hữu tổng cộng hơn 47 triệu cổ phần KAFI sau đợt KAFI tăng vốn vừa qua.
Uniben biến mất, Unicap xuất hiện trong cơ cấu cổ đông KAFI
CTCK Chứng khoán KAFI vừa công bố kết quả chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vừa qua. Theo đó, công ty đã hoàn tất đợt chào bán 250 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 17/12/2024 vừa qua.
Thông qua đợt chào bán này, KAFI thu về 2.500 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư trong nước đã mua 200 triệu cổ phiếu và nhà đầu tư nước ngoài mua vào 50 triệu cổ phiếu.
Theo danh sách, KAFI có tổng cộng 50 cổ đông hiện hữu. Kết quả phát hành cũng hé lộ danh sách cổ đông chi tiết cùng tỷ lệ sở hữu của công ty chứng khoán chưa niêm yết này. Đáng chú ý, trong danh sách 50 cổ đông của KAFI, cái tên CTCP Uniben đã biến mất. Thay vào đó là sự xuất hiện của CTCP Unicap.
Báo cáo tài chính quý III/2024 của KAFI vẫn còn cho biết, tính đến 30/09/2024, KAFI có 2 cổ đông lớn là CTCP Uniben sở hữu 10% vốn và Gentle Sun Investment sở hữu 20%. Các cổ đông khác nắm gần 70% còn lại.
Tuy nhiên, trong danh sách cổ đông sau đợt phát hành 17/12 vừa qua, Uniben đã không còn trong danh sách cổ đông của KAFI. Trong tổng số 50 cổ đông, hiện KAFI chỉ còn lại 1 cổ đông lớn là Gentle Sun Investment (20%), đây cũng là cổ đông ngoại duy nhất của KAFI. Như vậy, Uniben đã âm thầm rút khỏi danh sách cổ đông của KAFI sau tháng 9 vừa qua.
Uniben được xem là cái tên gắn với sự hình thành thương hiệu KAFI khi Uniben bắt đầu mua lại phần lớn cổ phần của CTCK Globalmind Capital vào cuối năm 2021 và đổi tên thành Chứng khoán KAFI, thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu. Cũng với cổ đông này, vốn điều lệ và quy mô hoạt động của KAFI cũng được gia tăng nhanh chóng trong 2 năm vừa qua. Uniben được biết đến với sản phẩm chính là Mì 3 Miền và có nhiều liên kết với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Bên cạnh sự biến mất của Uniben thì đáng chú ý, cái tên Unicap lại xuất hiện trong danh sách cổ đông KAFI khi sở hữu 4,95% vốn. Unicap từng gây chú ý hồi tháng 10 vừa qua, công ty này đã bất ngờ chi hơn 1.200 tỷ đồng mua hơn 66,7 triệu cổ phiếu VIB, tương đương tỷ lệ nắm giữ trên 2,2%.
Unicap được ghi nhận có liên quan với 2 cá nhân là Nguyễn Thùy Nga và Tống Ngọc Mỹ Trâm. Sau khi Unicap mua vào cổ phiếu VIB, tỷ lệ sở hữu của nhóm này chiếm trên 7,47%.
Gây chú ý thời điểm đó là việc Unicap là doanh nghiệp chỉ mới thành lập đầu tháng 9/2024, ngành nghề kinh doanh bán buôn thực phẩm với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, cổ đông sáng lập bao gồm 2 cá nhân trên và ông Đặng Khắc Cường.
Sau khi gây chú ý với việc xuất hiện trong danh sách cổ đông của VIB, đến nay, Unicap tiếp tục xuất hiện khi là cổ đông của KAFI với tỷ lệ gần chạm ngưỡng trở thành cổ đông lớn. Ngoài ra, các cổ đông của Unicap cũng đang sở hữu cổ phần KAFI, lần lượt là bà Nguyễn Thùy Nga (2,93%), ông Đặng Khắc Cường (4,9%) và bà Tống Ngọc Mỹ Trâm (1,9%).
Nhóm VIB hiện diện rõ nét
Ngoài Unicap, các cổ đông tổ chức khác đều giữ tỷ lệ sở hữu dưới 5% - mức nắm giữ không cần công bố thông tin khi xuất hiện giao dịch như CTCP Beston (4,92%), CTCP Đầu tư và Phát triển Quang Kim (4,5%), CTCP Funderra (4,515%).
Sự hiện diện của gia đình ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch VIB xuất hiện rõ ràng tại KAFI khi đều nắm giữ lượng cổ phần lớn.
Ông Vỹ đang nắm trực tiếp 24,3 triệu cổ phần KAFI sau đợt chào bán, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,86%. Bà Trần Thị Thảo Hiền - vợ ông Vỹ cũng sở hữu 4,88%. Bên cạnh đó, vị chủ tịch ngân hàng này cũng đang là Chủ tịch HĐQT sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định tại CTCP Beston và CTCP Funderra. Chỉ riêng nhóm này đã sở hữu hơn 19% vốn KAFI.
Ngoài ra, ông Đặng Văn Sơn - Phó chủ tịch HĐQT VIB cũng đang sở hữu 4,9% KAFI. Vợ ông Sơn - bà Đặng Thị Thu Hà cũng nằm trong danh sách này với tỷ lệ nắm giữ 2,45%.
Còn CTCP Đầu tư và Phát triển Quang Kim cũng chỉ mới được thành lập hồi tháng 5/2024 với vốn điều lệ 250 tỷ đồng. Công ty này có liên quan với ông Đỗ Xuân Hoàng - Thành viên HĐQT VIB khi chính ông Hoàng và các thành viên gia đình góp vốn thành lập công ty này.
Với cơ cấu cổ đông hiện tại, có 16 cá nhân và tổ chức đang nắm giữ tổng cộng hơn 86% vốn của CTCK KAFI. Trên thực tế, nhiều cá nhân/tổ chức là cổ đông của KAFI hiện cũng đang là cổ đông tại VIB.
Xét trong thế trận của các công ty chứng khoán, KAFI đang dần nổi lên với sự hậu thuẫn lớn về mặt tài chính. Công ty chứng khoán này tăng vốn liên tục trong vài năm gần đây, đặc biệt gia tăng mạnh mẽ nguồn tiền cho hoạt động cho vay ký quỹ.
Việc phát hành 250 triệu cổ phần vừa qua của KAFI là bước đi nhằm tiếp tục tăng vốn điều lệ công ty lên 5.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn thu về được từ đợt phát hành này dự kiến sẽ dành 45% tương đương 1.125 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh chứng khoán và 45% cho hoạt động vay ký quỹ. Phần còn lại sẽ được phân bổ cho các hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, duy trì mạng lưới và bổ sung ngân sách hoạt động.
Báo cáo tài chính quý III/2024 cho biết, tính đến cuối quý III, KAFI đang dùng hơn 4.679 tỷ đồng cho hoạt động cho vay, gấp 4,6 lần con số hồi đầu năm. Công ty cũng đang dùng 7.547 tỷ đồng cho các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL). Hai mảng hoạt động này chiếm phần lớn tài sản của KAFI, tính đến 30/09/2024, tổng tài sản công ty chứng khoán này ở mức 12.794 tỷ đồng.
Nhờ đẩy mạnh đầu tư, hoạt động tự doanh và lãi từ cho vay margin đã trở thành 2 mảng mang lại doanh thu lớn nhất cho KAFI. Trong 9 tháng 2024, lãi từ FVTPL đóng góp 388,2 tỷ đồng, lãi từ các khoản cho vay và phải thu đóng góp hơn 165 tỷ đồng, đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của công ty chứng khoán này trong 2024 tăng đến 74% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 117,3 tỷ đồng.