Hé lộ bí kíp rút ngắn tiến độ đào hầm cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn
Vừa qua, hầm số 1 dài 610 m trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được Tập đoàn Đèo Cả đào thông, vượt tiến độ hơn 2 tháng so với kế hoạch trong hợp đồng thi công. Trước đó, hầm số 2 dài 698 m cũng đã được đào thông vượt tiến độ gần 5 tháng so với yêu cầu trong hợp đồng thi công.
Rút ngắn tiến độ, tiết kiệm chi phí
Trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có 3 hầm xuyên núi với chiều dài lần lượt là 610 m, 698 m và 3.200 m. Hạng mục hầm số 2 nằm giữa hầm số 1 và số 3, bị ngăn cách bởi 2 thung lũng nên rất khó tiếp cận. Để tiếp cận được công địa hầm này phải đi qua tuyến đường công vụ dài 3,6 km với hiện trạng là đường đất, độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở và bị chia cắt vào mùa mưa. Bên cạnh đó, gần hạng mục này cũng không có bãi thải và bãi tập kết vật liệu, công tác thi công và di chuyển giữa các hạng mục gặp nhiều khó khăn.
Kỹ sư Bùi Hồng Đăng hiện đang phụ trách hạng mục hầm số 2 trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cho biết, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ hầm số 2 để gỡ nút thắt tiến độ, đội ngũ kỹ sư đã nghiên cứu và đưa ra phương án cải tạo phương pháp đào bằng cách tăng bước đào gương hầm và tăng mũi đào hầm.
Cụ thể, theo phương pháp cũ, các ống hầm sẽ được đào theo 2 mũi từ 2 đầu hầm, gặp nhau ở điểm giữa hầm. Với phương pháp mới được các kỹ sư Đèo Cả đưa ra, khi đào đến ngách thông ngang sẽ tiến hành bổ sung thêm 2 mũi đào từ giữa, tổng cộng có 6 mũi đào (theo sơ đồ). Mỗi gương hầm cũng sẽ tăng từ 2 lên 3 bước đào, chu kỳ thi công mỗi gương rút ngắn 2 giờ so với cách đào cũ.
Bằng phương pháp mới này, thời gian thông hầm rút ngắn hơn 4 tháng so với hợp đồng thi công (mốc thông hầm theo hợp đồng là tháng 4/2024). Kỹ sư Đăng cho biết, việc tăng mũi đào và bước đào không làm tăng chi phí mà ngược lại còn tăng hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, tiết kiệm khi giảm được chi phí nhân công, máy móc trong 4 tháng rút ngắn tiến độ. Chỉ tính riêng chi phí máy khoan, máy phun, nhân công tại hạng mục hầm số 2 dự kiến tiết kiệm được hơn 40 tỷ đồng.
"Không chỉ tiết kiệm chi phí như máy móc, nhân công thi công trực tiếp tại hạng mục này, khi thông hầm 2 và sử dụng như đường công vụ cũng rút ngắn thời gian vận chuyển nguyên vật liệu, tháo nút thắt đẩy nhanh tiến độ toàn tuyến cao tốc", ông Đăng nói.
Sau khi đào thông, hầm số 1 và hầm số 2 được tận dụng làm đường công vụ, rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển, điều phối vật liệu trên toàn tuyến, giúp tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ thi công toàn dự án.
Ngày 5/7/2023, trong chuyến kiểm tra rà soát toàn dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ có nhiều chỉ đạo, tháo gỡ để đôn đốc việc thực hiện dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ban điều hành đã báo cáo phương án này và được Thứ trưởng đánh giá là sáng tạo mới.
"Phương án đào hầm tận dụng 3 tháng mùa mưa, sử dụng vật liệu trong hầm để đắp nền là những sáng tạo của đơn vị thi công", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Công nghệ đào hầm NATM "hệ Đèo Cả"
Phương pháp đào hầm mới của Áo (New Austrian Tunneling Method -NATM) được áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam tại hầm Hải Vân, tiếp đó là hầm đèo Cả do đội ngũ kỹ sư Nhật Bản làm tư vấn thiết kế, giám sát thi công. Các dự án này được ví như "trường học lớn" cho đội ngũ kỹ sư khoan hầm người Việt.
Công nghệ này được đội ngũ kỹ sư người Việt từng bước nhuần nhuyễn, điều chỉnh, cải tiến, tối ưu công nghệ so với thời điểm được tiếp cận, chuyển giao với ưu điểm nhanh hơn, an toàn và tiết kiệm chi phí.
Theo kỹ sư Bùi Hồng Đăng - một trong những kỹ sư trưởng thành từ "trường học lớn", công nghệ NATM cho đến thời điểm hiện tại đã được các nhà thầu Việt Nam áp dụng tương đối tốt và linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam và điều kiện máy móc, nhân sự, vật tư, địa chất… Minh chứng được thể hiện rõ nét qua các hầm mà nhà thầu Việt Nam thực hiện như: Hầm Cù Mông, Hải Vân 2, Thung Thi, Trường Vinh, Tam Điệp, Núi Vung, Dốc Sạn, Thần Vũ…
Về đơn vị thi công, không chỉ các nhà thầu có nhiều kinh nghiệm như: Đèo Cả, Sông Đà, Vinavico, Lũng Lô mà ngay cả những nhà thầu mới tham gia lĩnh vực đào hầm như Sơn Hải, Hòa Hiệp… cũng có thể thực hiện được.
Ông Đăng cho biết, hiện nay có nhiều đơn vị đã làm chủ được phương pháp đào hầm NATM, tuy nhiên công nghệ được Tập Đoàn Đèo Cả áp dụng lại có những điểm khác biệt và mang nét đặc thù riêng được gọi là phương pháp thi công NATM - Hệ Đèo Cả. Đây chính là yếu tố làm nên thương hiệu của Tập đoàn về lĩnh vực này.
So với công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài, phương pháp thi công hầm "hệ Đèo Cả" có những điểm cải tiến điều chỉnh mới được áp dụng nhằm thi công an toàn, rút ngắn tiến độ và giảm chi phí.
Trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, việc thi công 3 hầm xuyên núi được Tập đoàn Đèo Cả áp dụng hệ thống đánh giá địa chất kết hợp với chia diện tích gương đào linh hoạt và công tác quan trắc biến dạng, ứng suất để luôn đưa ra phương án chống đỡ kịp thời. Phương pháp này an toàn hơn so với công nghệ đào hầm theo NATM trên thế giới từ khoảng 20% đến 30%.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Đèo Cả luôn chủ động giải quyết hiệu quả các rủi ro sự cố trong suốt quá trình thực hiện. Tập đoàn có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư hàng đầu về lĩnh vực đào hầm, đã kinh qua nhiều dự án như chuỗi hầm tại miền Trung, hầm bao biển Quảng Ninh, Trường Vinh, Thung Thi,… với nhiều dạng địa chất khác nhau. Đồng thời, sử dụng và kết nối thường xuyên đội ngũ chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam để giải quyết các vấn đề chuyên môn liên quan.
Điển hình gần đây nhất là Đèo Cả đã xử lý thành công vấn đề địa chất bất thường tại hầm Núi Vung (địa chất phía trên hầm đi qua khu vực lòng suối cổ, đất đá phong hóa mạnh). Việc xử lý trên gần như chỉ một số lượng nhỏ nhà thầu trong nước có thể thực hiện thành công, tương tự ngay cả đối với các nước trên thế giới áp dụng tốt công nghệ NATM. Hiện hầm núi Vung đã được đào thông thành công, không xảy ra bất kỳ sự cố nào và đang tiến hành các bước hoàn thiện để đưa vào sử dụng dự kiến vào dịp 30/4/2024..