HĐND TP thông qua Nghị quyết Đề án Giao thông thông minh
Tại Kỳ họp thứ 19, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã nhất trí thông qua Nghị quyết Đề án 'Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội' do UBND Thành phố trình tại Tờ trình số 421/TTr-UBND ngày 13/11/2024.
Với mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới, đối tượng nghiên cứu của Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” là: hệ thống giao thông vận tải thành phố Hà Nội, tập trung trước mắt vào loại hình giao thông đường bộ và đường sắt đô thị, đồng thời tích hợp từng bước các thông tin giao thông được cung cấp từ cảng hàng không, thủy nội địa trên địa bàn thành phố.
Nghị quyết nêu rõ: giao UBND Thành phố nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị HĐND Thành phố và ý kiến của đại biểu HĐND Thành phố để hoàn thiện nội dung của Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” và ban hành theo quy định của pháp luật; Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” theo quy định, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố, trong quá trình thực hiện có rà soát, đánh giá việc thực hiện Đề án để làm cơ sở xem xét, điều chỉnh kịp thời theo quy định.
Theo đó, Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” được triển khai 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2025-2027):
- Hình thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp vào năm 2025 với 09 chức năng: (1) Giám sát giao thông; (2) Cung cấp thông tin giao thông (ứng dụng Hanoi Maps); (3) Điều khiển giao thông; (4) Hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; (5) Quản lý giao thông công cộng; (6) Quản lý đỗ xe; (7) Quản lý sự cố; (8) Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; (9) Quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.
- Lắp đặt thiết bị giao thông thông minh ngoại vi tại 60 nút và vị trí trên các tuyến vành đai 1,2,3 và các trục xuyên tâm bên trong vành đai 3, bao gồm: 600 camera, 20 VMS, 10 tủ điều khiển đèn tín hiệu thích ứng).
- Vận hành thử nghiệm hệ thống giao thông thông minh, tổng kết, đánh giá, xây dựng kế hoạch đầu tư giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 (2028-2030):
- Bổ sung thêm 03 chức năng Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp, gồm: (10) Quản lý vận tải; (11) Quản lý nhu cầu; (12) Mô phỏng giao thông.
- Mở rộng phạm vi triển khai lắp đặt các thiết bị ITS ngoại vi cho: 150 nút và vị trí, bao phủ toàn bộ các tuyến vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, và các tuyến chính, trong đó số lượng camera là 1.600 chiếc, 100VMS, 50 tủ điều khiển tín hiệu thích ứng.
- Nâng cao hiệu quả hệ thống giao thông thông minh, tổng kết, đánh giá, xây dựng kế hoạch đầu tư giai đoạn 3.
Giai đoạn 3 (Từ sau 2030):
- Hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng 12 chức năng của Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp đã hình thành trong giai đoạn trước.
- Mở rộng phạm vi lắp đặt các thiết bị ITS ngoại vi cho toàn thành phố cho 300 nút và vị trí, bao phủ toàn bộ mạng lưới giao thông thành phố với 3.000 camera, 100 tủ đèn tín hiệu thích ứng, 200 VMS.
Hệ thống giao thông thông minh tạo điều kiện giao thông bền vững cho các thành phố thông minh, khuyến khích khả năng sử dụng giao thông công cộng và đúng giờ. Việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng càng cao, lượng khí thải nhà kính ra môi trường càng ít. Hệ thống quản lý sự cố giao thông tiên tiến trong hệ thống giao thông thông minh nhanh chóng phản ứng với các trường hợp khẩn cấp, giúp giảm thời gian đi lại và tắc nghẽn, và cuối cùng là các chất gây ô nhiễm trong không khí, thúc đẩy các hệ thống giao thông bền vững.