HĐND TP. Hồ Chí Minh: Bàn nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

Tại kỳ họp thứ 17, kỳ họp giữa năm, HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X sẽ bàn thảo, quyết định nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn cả năm đạt trên 95% kế hoạch.

Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Sơn Nam

Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Sơn Nam

Kinh tế tiếp đà tăng trưởng

Sáng 15/7, HĐND TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 17. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, kỳ họp tập trung đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Đồng thời, kỳ họp sẽ tập trung thảo luận, xem xét thông qua các nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa - xã hội, giáo dục,… trên địa bàn thành phố như: điều chỉnh chỉ tiêu thu chi ngân sách tại Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; Danh mục dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2024 – 2025.

Kỳ họp cũng xem xét tờ trình chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030; cho ý kiến về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM… và nhiều nội dung quan trọng khác.

Báo cáo của UBND thành phố khẳng định: tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2024 về “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”; kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm… Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội TP.HCM đạt một số kết quả tích cực.

6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố ước tăng 6,46% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8,8%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,67 tỷ USD (tăng 10,34%); kim ngạch nhập khẩu đạt 27,7 tỷ USD (tăng 5,18%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,5%. Số doanh nghiệp thành lập mới ước tăng 9,6%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 55,38% dự toán, tăng 17,31% so với cùng kỳ…

Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và số lượng khách. Tổng doanh thu du lịch tăng 14,6%; khách quốc tế đến TP.HCM ước tăng 38%. Tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 2,44%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 1,55%. TP.HCM cũng đã triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 2; đẩy mạnh thi công các công trình giao thông trọng điểm.

Theo UBND TP.HCM, một số chỉ tiêu mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu, như: Thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm so với cùng kỳ (giảm 19,5%). Công tác phối hợp, đôn đốc giữa các chủ đầu tư với UBND các quận, huyện trong bồi thường hỗ trợ tái định cư chưa đáp ứng tiến độ...

UBND TP.HCM đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, như đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn cả năm đạt trên 95% kế hoạch. Thành phố cũng tháo gỡ và triển khai các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Sơn Nam

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Sơn Nam

Đồng thời, thành phố triển khai Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt (dự kiến đầu tháng 8/2024); hoàn thành trình Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060; Đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040.

UBND TP.HCM tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Đất đai năm 2024. Cùng với đó rà soát, đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng lưới trường học, phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học.

Đề xuất phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để phát triển đường sắt đô thị

Trong Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, UBND TP.HCM đề xuất được vay vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, với chính sách hấp dẫn về lãi suất.

Trình bày tờ trình của UBND TP.HCM về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải cho biết, đề án nhằm phát triển đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ, hình thành phương thức vận tải công cộng văn minh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đề án hướng tới phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đạt từ 15-20%, đến năm 2035 đạt 40 - 50% và sau năm 2035 đạt 50 - 60%.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ (chưa tính lãi vay khi xây dựng) từ nay đến năm 2035 khoảng 837.250 tỷ đồng (khoảng 35 tỷ USD), không gồm vốn đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1.

 Tuyến đường sắt đô thị metro số1 TP.HCM đang chuẩn bị chính thức vận hành. Ảnh: Sơn Nam

Tuyến đường sắt đô thị metro số1 TP.HCM đang chuẩn bị chính thức vận hành. Ảnh: Sơn Nam

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm, vốn đầu tư công là chủ đạo, phát huy nguồn lực nhà thầu trong nước. Do đó, đề án đề xuất cơ chế cho nhà thầu tham gia vào khâu thiết kế thi công. TP.HCM sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn công nghệ phù hợp.

Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu đến năm 2035 xây dựng 183 km đường sắt đô thị, đề án đề xuất Quốc hội, Chính phủ 28 cơ chế, chính sách thuộc 6 nhóm vấn đề. Trong đó có nhóm chính sách về quy hoạch; về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; về huy động vốn; trình tự thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án; tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và nhóm chính sách về cơ chế tổ chức quản lý, khai thác.

Cụ thể, đề án đề xuất cho phép TP.HCM phê duyệt các chỉ tiêu trong đồ án quy hoạch đối với khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) khác với tiêu chuẩn, quy hoạch hiện hành. Đặc biệt, đề án đề xuất cho phép TP.HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, với lãi suất ưu đãi.

Đề án đề xuất cho phép TP.HCM thành lập Tổng công ty Đường sắt đô thị do TP.HCM nắm 100% vốn điều lệ, có chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh đa ngành để khai thác hiệu quả các tài sản thuộc quản lý của tổng công ty... Dự kiến trong tháng 7, TP.HCM sẽ báo cáo Chính phủ về đề án, trình Bộ Chính trị xin ý kiến trong quý III/2024 và dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2024./.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng: Mặc dù gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, song theo dự báo, 6 tháng cuối năm 2024, thành phố sẽ tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, do vậy các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị cần tập trung các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn, cản trở để thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hdnd-tp-ho-chi-minh-ban-nhieu-giai-phap-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-6-thang-cuoi-nam-154998.html
Zalo