HĐND tỉnh thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và hợp nhất với tỉnh Hà Giang

Sáng 28-4, tại Nhà văn hóa Trung tâm thành phố Tuyên Quang, HĐND tỉnh khóa XIX đã khai mạc Kỳ họp chuyên đề lần thứ 13. Các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành kỳ họp.

Các đại biểu dự Kỳ họp.

Các đại biểu dự Kỳ họp.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Hà Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại biểu các Ban Đảng Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố.

Đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp.

Đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp.

Sắp xếp bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thảo luận, xem xét và thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tuyên Quang. Theo nghị quyết, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiến hành sắp xếp 134 xã, phường, thị trấn hiện có để thành lập mới 48 đơn vị hành chính cấp xã (43 xã, 5 phường); đồng thời giữ nguyên 3 đơn vị hành chính cấp xã là Trung Hà, Hùng Đức, Kiến Thiết.

Chủ tọa Kỳ họp.

Chủ tọa Kỳ họp.

Sau sắp xếp, toàn tỉnh còn 51 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 46 xã và 5 phường. Việc sắp xếp nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp cơ sở, phù hợp với điều kiện thực tế về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nghị quyết về chủ trương hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang để thành lập một tỉnh mới mang tên Tỉnh Tuyên Quang. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Tuyên Quang hiện nay, với quy mô diện tích gần 13.800 km² và dân số trên 1,8 triệu người. Việc hợp nhất nhằm tổ chức bộ máy tinh gọn, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh hai tỉnh, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung phát biểu tại kỳ họp.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung phát biểu tại kỳ họp.

Thảo luận về các nội dung trên, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh làm rõ thêm về tính pháp lý đối với các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, hộ tịch, hộ khẩu, giấy phép kinh doanh... đã được cấp trước khi sáp nhập có được giữ nguyên giá trị pháp lý?; việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ không chuyên trách cấp xã.

Đại biểu cũng đã đề nghị UBND tỉnh cần nêu rõ phương án bố trí chỗ làm việc của các cơ quan sau khi sáp nhập; bố trí chỗ ở, nhà công vụ cho đội ngũ cán bộ của tỉnh Hà Giang về làm việc tại tỉnh sau khi sáp nhập. Các ý kiến của đại biểu đã được lãnh đạo các sở, ngành liên quan trả lời trực tiếp tại kỳ họp.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trình bày dự thảo nghị quyết về miễn nhiệm đối với các thành viên UBND tỉnh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trình bày dự thảo nghị quyết về miễn nhiệm đối với các thành viên UBND tỉnh.

HĐND tỉnh cũng đã thảo luận, biểu quyết thông qua các nghị quyết quan trọng về phân bổ vốn ngân sách gồm: Nghị quyết quyết định phân bổ, điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2025 cho các cơ quan, đơn vị sau khi thành lập, sắp xếp và tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Nghị quyết quyết định điều chỉnh Kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (vốn sự nghiệp), tỉnh Tuyên Quang năm 2025; Nghị quyết về việc giao dự toán thu viện trợ, chi ngân sách cấp tỉnh năm 2025 từ nguồn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của nước ngoài; Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2025, tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết phân bổ vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2025; Nghị quyết phân bổ vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang năm 2025.

Các nghị quyết về quy định đối với một số lĩnh vực khác gồm: Nghị quyết phê duyệt mức thu học phí năm học 2024 - 2025 đối với Trường Phổ thông Tuyên Quang; Nghị quyết quy định về tiêu chí cụ thể để xác định vị trí đối với từng loại đất, số lượng vị trí đất trong bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết bãi bỏ Điều 14 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 03/7/2018 của HĐND tỉnh về phân cấp thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công và xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu làm rõ thêm các nghị quyết đã trình bày tại kỳ họp.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu làm rõ thêm các nghị quyết đã trình bày tại kỳ họp.

Kỳ họp đã tiến hành miễn nhiệm đối với 7 Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 do được cơ quan có thẩm quyền bố trí công việc khác và nghỉ chế độ hưu trí. Kỳ họp cũng xem xét chấp thuận cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đối với ông Tạ Đức Tuyên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Tuyên Quang, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND dân tỉnh tại thành phố Tuyên Quang.

Sẵn sàng cho hành trình mới: Phát triển nhanh và bền vững

Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Thị Nga đã nêu những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội quý I/2025, trong đó có những đóng góp hết sức quan trọng của HĐND tỉnh trong thời gian qua. Tại Kỳ họp chuyên đề lần này, HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị những nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó có những nội dung mang ý nghĩa lịch sử. Trọng tâm là, cho ý kiến, thông qua Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển nhanh, bền vững, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tỉnh đề nghị các cấp, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó: Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết được kỳ họp thông qua. Thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ bị ảnh hưởng, tổ chức bàn giao nhiệm vụ chặt chẽ, đưa bộ máy mới vận hành ổn định ngay từ đầu.

Đồng chí Vân Đình Thảo, Giám đốc Sở Tài chính phát biểu ý kiến tại kỳ họp.

Đồng chí Vân Đình Thảo, Giám đốc Sở Tài chính phát biểu ý kiến tại kỳ họp.

Song song với việc sắp xếp đơn vị hành chính, tiếp tục tập trung triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm đạt trên 9%; hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 30/8/2025; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính phải gắn với công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025–2030. Trong đó: Đại hội cấp cơ sở hoàn thành trước 30/6/2025; cấp trên cơ sở hoàn thành trước 31/8/2025; Đại hội Đảng bộ tỉnh tổ chức sau khi hợp nhất hai tỉnh, hoàn thành trước 31/10/2025. Công tác xây dựng văn kiện và nhân sự Đại hội phải đảm bảo chất lượng, gắn với tình hình mới sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Đồng chí nhấn mạnh: Dù trước mắt còn nhiều khó khăn, khối lượng công việc lớn, song với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cùng tinh thần chiến thắng 30/4 lịch sử, toàn tỉnh sẽ đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh: Kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, thông qua 14 nghị quyết quan trọng và 2 nghị quyết về công tác cán bộ. Trong đó nổi bật là Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh và Nghị quyết về chủ trương hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang.

Đồng chí nhấn mạnh: Thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đối với cả hệ thống chính trị là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải triển khai công việc khẩn trương, đồng bộ, quyết liệt và đồng thời trên tất cả các lĩnh vực, không được để chậm trễ bất kỳ nội dung nào.

Đại biểu Mai Quang Thắng, Tổ đại biểu huyện Hàm Yên phát biểu tại kỳ họp.

Đại biểu Mai Quang Thắng, Tổ đại biểu huyện Hàm Yên phát biểu tại kỳ họp.

Đồng chí đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành và các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó: Khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan để trình Bộ Nội vụ thẩm định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trong quá trình này, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ để chủ động cung cấp, bổ sung tài liệu kịp thời, chính xác.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết với yêu cầu cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm. Kế hoạch cần bảo đảm tính khả thi cao, để ngay sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực, tỉnh có thể tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, giúp bộ máy chính quyền cấp xã, cấp phường mới sớm ổn định và vận hành hiệu quả.

Việc hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, UBND tỉnh cần chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự yên tâm, đồng thuận cao trước thay đổi địa giới hành chính.

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần thay đổi tư duy, vượt qua tâm lý vùng miền, hướng tới tầm nhìn rộng lớn hơn với tinh thần “Đất nước là Quê hương”, cùng chung tay xây dựng đất nước và tỉnh Tuyên Quang ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Các đại biểu dự Kỳ họp.

Các đại biểu dự Kỳ họp.

Đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành tổ chức rà soát các cơ chế, chính sách đã ban hành liên quan đến quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư... để kịp thời điều chỉnh phù hợp với thay đổi về thẩm quyền cấp tỉnh, cấp xã. Chủ động cân đối, bố trí ngân sách đầu tư, sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc; quản lý chặt chẽ tài sản công, nhà ở công vụ, bảo đảm không thất thoát, lãng phí.

Đồng thời, thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tình hình mới, đảm bảo chế độ, chính sách cho những trường hợp chịu tác động bởi sắp xếp đơn vị hành chính.

Đồng chí lưu ý, cần quan tâm đặc biệt tới việc giải quyết các TTHC phát sinh sau sắp xếp, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu như hộ tịch, đất đai, tài chính, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục... nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tổ chức; bảo đảm hoạt động của bộ máy chính quyền được thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực.

Tin, ảnh: Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/hdnd-tinh-thong-qua-chu-truong-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-va-hop-nhat-voi-tinh-ha-giang-210856.html
Zalo