HĐND Hà Nội xem xét nhiều nội dung triển khai Luật Thủ đô
Sáng 19/11, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 19 - kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền, trong đó xem xét, quyết nghị về một số nội dung để kịp thời triển khai, thi hành Luật Thủ đô.
Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 (một số nội dung có hiệu lực từ 1/7/2025), với nhiều điểm đổi mới và tầm nhìn đột phá, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.
Kịp thời giải quyết các vấn đề lớn
Việc xây dựng Luật Thủ đô không chỉ nhằm mục tiêu mang lại lợi thế, tạo sự thuận lợi cho xây dựng, phát triển của riêng Thủ đô mà còn để Hà Nội trở thành động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho sự phát triển chung của đất nước.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, căn cứ các quy định của Luật và tình hình, yêu cầu thực tiễn của thành phố, trên cơ sở thống nhất với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Thường trực HĐND thành phố quyết định triệu tập kỳ họp thứ mười chín HĐND thành phố để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền.
Nhóm vấn đề quan trọng trước hết được HĐND thành phố xem xét, quyết nghị là về một số nội dung để kịp thời triển khai, thi hành Luật Thủ đô. Để triển khai, thi hành Luật Thủ đô, Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch trong đó rà soát kỹ lưỡng các nội dung, nhiệm vụ, xác định rõ lộ trình và phân công trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản của thành phố để cụ thể hóa các quy định của Luật, đảm bảo đồng bộ, kịp thời, chất lượng, hiệu quả, đúng quy trình, quy định.
Các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, các công trình kiến trúc có giá trị, hạ tầng văn hóa, thể thao của thành phố.
Theo Kế hoạch, HĐND Thành phố sẽ ban hành 89 nghị quyết, gồm 76 nội dung quy phạm pháp luật và 13 nội dung văn bản cá biệt. Dự kiến trong năm 2024 sẽ ban hành 28 nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 để đảm bảo cùng với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô.
Trong đó, tại kỳ họp thứ 19 này, HĐND Thành phố sẽ xem xét, ban hành 11 nghị quyết quy phạm pháp luật để triển khai, thi hành Luật Thủ đô gồm các nhóm vấn đề liên quan đến tổ chức, bộ máy như: Quy định về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác của Thành phố và các quận, huyện, thị xã; quy định trình tự, thủ tục thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố; việc chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính.
Công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại các xã, phường, thị trấn; quy định việc ký hợp đồng có thời hạn để đảm nhiệm một số vị trí việc làm tại các cơ quan của Thành phố và UBND các huyện; quy định về phân cấp, ủy quyền của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố cho các Ban QLDA, Giám đốc Ban QLDA của Thành phố; của Chủ tịch UBND cấp xã cho công chức thuộc UBND cấp xã.
Bên cạnh đó là các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, các công trình kiến trúc có giá trị, hạ tầng văn hóa, thể thao của Thành phố.
Quy định về điều kiện, thủ tục xét tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô; Quy định áp dụng các biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm; Quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh cục bộ quy hoạch…
Chờ cú hích cho kinh tế - xã hội
Xác định tầm quan trọng và để đẩy mạnh tốc độ “thẩm thấu” của Luật Thủ đô 2024, ngày 22/8/2024 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND về tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Công tác tuyên truyền tập trung trong năm 2024 và các năm tiếp theo, trong đó cao điểm tuyên truyền, tập huấn vào quý III, quý IV/2024 và quý I và II/2025.
Đặc biệt, Kế hoạch tập trung theo 9 nhóm chính sách về: Tổ chức chính quyền đô thị Thủ đô; thu hút, trọng dụng người tài; huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; quy hoạch phát triển Thủ đô; phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế…; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; liên kết, phát triển vùng Thủ đô…
Cùng với đó là các chính sách theo lĩnh vực quy định trong Luật Thủ đô; các hoạt động cơ quan, tổ chức, diễn đàn pháp luật, hội nghị, hội thảo, tọa đàm…. trong quá trình triển khai thi hành Luật Thủ đô; quá trình xây dựng, dự thảo và triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô.
Mới đây, tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15): Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh đến việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô theo định hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.
Trong đó, thành phố cần hoàn thiện mô hình quản trị Thủ đô hiệu quả, hiện đại, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Đặc biệt là khẩn trương xây dựng và phát triển Thủ đô theo quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh; cảnh quan trung tâm; phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố (theo khoản 1 Điều 17, Luật Thủ đô).
“Xây dựng đô thị thông minh là xu thế tất yếu, cần có sự tham gia, phối hợp từ Chính phủ, chính quyền đô thị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Việc xây dựng mạng lưới dịch vụ pháp lý đủ mạnh để giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện và sử dụng pháp luật hiệu quả, từng bước hình thành xã hội pháp quyền, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành nếp sống của người dân Thủ đô”, GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.