HDBank và VPBank nhận chuyển giao DongA Bank và GPBank

Lễ chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) vừa được thực hiện sáng 17/01. Trong đó, HDBank nhận chuyển giao DongA Bank, còn VPBank nhận chuyển giao GPBank.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cho Ngân hàng Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vào sáng nay (17/1), theo phương án được Chính phủ phê duyệt. Đây là giải pháp trong Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần khắc phục các tồn tại và lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng.

Chuyển giao bắt buộc DongA Bank và GPBank

GPBank là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng trong năm 2015. Còn DongABank là nhà băng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém, theo VPBank và HDBank, là một trong những giải pháp nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Tại thời điểm kết thúc quý III/2024, VPBank có quy mô tổng tài sản hơn 850.000 tỷ đồng, quy mô vốn điều lệ hơn 79.300 tỷ đồng. Trong khi đó, HDBank có tổng tài sản gần 630.000 tỷ đồng, với quy mô vốn hơn 29.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Quốc Thanh, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc HDBank cho biết, việc nhận chuyển giao DongA Bank được xác định là nhiệm vụ chiến lược, thể hiện trách nhiệm của HDBank trong việc đồng hành cùng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống tài chính - ngân hàng quốc gia.

"Việc HDBank chính thức nhận chuyển giao Ngân hàng Đông Á không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển, mà còn đóng góp vào tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước" - CEO HDBank cho biết.

Lễ công bố quyết định chuyển giao bắt buộc DongA Bank và GPBank tổ chức sáng 17/01. Ảnh: VPBank.

Lễ công bố quyết định chuyển giao bắt buộc DongA Bank và GPBank tổ chức sáng 17/01. Ảnh: VPBank.

Trước đó, ngày 17/10/2024, lễ chuyển giao hai ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đã được thực hiện. Trong đó, Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) nhận chuyển giao CBBank, còn Ngân hàng Quân Đội (MB) nhận OceanBank.

Giữa tháng 12/2024, hai tháng sau khi OceanBank được chuyển giao, ngân hàng này đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam hiện đại (MBV) và bầu chủ tịch, tổng giám đốc mới là nhân sự của Ngân hàng Quân đội.

Hoạt động sau quá trình chuyển giao như thế nào?

Sau chuyển giao, GPBank tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do VPBank sở hữu 100% vốn điều lệ, được thực hiện các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại theo quy định. Mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, khách hàng tại GPBank tiếp tục được đảm bảo. Đồng thời, GPBank sẽ là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính với VPBank.

VPBank cho biết sẽ thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với GPBank theo quy định. Để hỗ trợ GPBank, VPBank sẽ góp vốn vào ngân hàng này, với tổng mức vốn góp không vượt quá 20% vốn điều lệ.

"Việc góp vốn sẽ được ngân hàng cân nhắc kỹ lưỡng và xin ý kiến ĐHĐCĐ để vừa đảm bảo an toàn vốn hoạt động của ngân hàng vừa đảm bảo lợi ích của cổ đông" - đại diện VPBank cho biết. VPBank và GPBank cũng được áp dụng các biện pháp hỗ trợ khác từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trong khi đó, theo HDBank, DongA Bank cũng là pháp nhân độc lập, không hợp nhất báo cáo tài chính vào HDBank. Ngân hàng này được quản lý và hỗ trợ từ HDBank để dần phục hồi hoạt động và cải thiện tình hình tài chính.

HDBank nhận chuyển giao bắt buộc DongA Bank. Ảnh minh họa.

HDBank nhận chuyển giao bắt buộc DongA Bank. Ảnh minh họa.

DongA Bank và HDBank sẽ nhận hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo quá trình chuyển giao bắt buộc hiệu quả. Với kinh nghiệm tái cấu trúc và M&A, HDBank sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ DongA Bank củng cố hoạt động, khắc phục tồn tại, hướng tới mục tiêu xây dựng một ngân hàng tài chính lành mạnh, an toàn và phát triển bền vững. Điều này sẽ đảm bảo quyền lợi cho nhân viên, mang lại lợi ích cho khách hàng và đối tác.

Đối với hai ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, đại diện VPBank và HDBank đều cho biết cả hai nhà băng sẽ có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới. Đồng thời, GPBank và DongABank có thể duy trì như một ngân hàng con hoặc bán/chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới sau khi kết thúc phương án chuyển giao bắt buộc./.

Tại đại hội cổ đông thường niên các năm gần đây, lãnh đạo của MB và Vietcombank từng chia sẻ, việc nhận chuyển giao bắt buộc không yêu cầu nhà băng nhận chuyển giao phải bỏ tiền mua, do đây là đơn vị yếu kém trong diện tái cơ cấu đã được mua lại 0 đồng.

Để xử lý khoản lỗ lũy kế của ngân hàng 0 đồng, lãnh đạo MB từng nhận xét, biện pháp quan trọng nhất vẫn là sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý ngân hàng chuyển giao bắt buộc: nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách, chẳng hạn như chuyển sang ngân hàng số. Nếu tái cơ cấu thành công, ngân hàng 0 đồng có thể sáp nhập vào ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc.

Minh Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hdbank-va-vpbank-nhan-chuyen-giao-donga-bank-va-gpbank-168955.html
Zalo