Hãy phát ngôn với tinh thần trách nhiệm, đừng đổ thừa 'do trời mưa' nữa!

Bảng báo trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bong tróc hàng loạt là 'do mưa bão'. Mái hiên nhà văn hóa ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội sập làm 6 học sinh bị thương cũng là 'do mưa nhiều'. Đó là câu trả lời rất nhanh từ những người có trách nhiệm được báo chí trích dẫn, nghe xong người dân chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.

Trong tuần qua, khi hình ảnh hàng loạt bảng báo giao thông trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị bong tróc xuất hiện trên báo chí, chỉ 24 giờ sau đã có câu trả lời từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị quản lý tuyến cao tốc này.

Theo VEC, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được đưa vào khai thác từ năm 2017 và trong hai năm 2022-2023 họ đã sửa chữa gần 180 bảng báo. Tuy nhiên, bảng báo tiếp tục hư hỏng là do “ảnh hưởng của các cơn bão, lốc và hiệu ứng hiện tượng El Nino biến đổi khí hậu”(1).

Bảng báo giao thông trên cao tốc gồm hai thành phần là phần giá long môn với đế bảng bằng kim loại và màng phản quang dán lên bảng kim loại. Đây là hạng mục có tiêu chuẩn rất cao, được quy định chi tiết trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2019).

Quy chuẩn của loại màng này được quy định trong Phụ lục P “Chi tiết các thông số thiết kế biển chỉ dẫn trên đường cao tốc” của QCVN 41:2019. Theo đó, các bảng chỉ dẫn trên cao tốc phải sử dụng “màng phản quang loại VIII, IX, X cấu trúc kim cương”.

Đối chiếu với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7887:2018 “Màng phản quang dùng cho biển báo hiệu đường bộ” thì tại Điều 8.1.1 có quy định màng phản quang loại VIII, IX phải có tuổi thọ tối thiểu 10 năm. Ngoài ra, Điều 8.1.2 quy định chi tiết “trong thời gian tuổi thọ tối thiểu, màng phản quang không xuất hiện các vết rạn nứt, bong tróc khỏi tấm biển báo”.

Như vậy, đối chiếu với quy định trong QCVN 41:2019 và TCVN 7887:2018 thì có thể thấy loại màng phản quang bị bong tróc trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi không đạt cả tiêu chuẩn tuổi thọ tối thiểu 10 năm lẫn tiêu chuẩn bám dính không bong tróc.

Tương tự, chiều 3-6, tại Nhà văn hóa xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), một phần tường bao trên mái hiên có chiều dài khoảng 10 m, cao khoảng 40 cm, bất ngờ đổ sập xuống vị trí nhóm học sinh đang biểu diễn văn nghệ khiến cho 6 em bị thương. Vẫn còn may mắn là phần tường sập xuống phía sau lưng các em học sinh, nếu vị trí các em đứng biểu diễn lùi vào thêm nửa mét thì hậu quả có thể sẽ rất nặng nề.

Câu trả lời từ lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ được đưa ra rất nhanh sau khi sự cố xảy ra: do mưa nhiều, phần vữa của nhà văn hóa bị bở ra, bong tróc. Đúng lúc này, gió mạnh giật vào dây buộc phần mái sân khấu khiến gạch vữa cùng phần mái hiên sập xuống(2).

Dù nhà văn hóa xã này đã xây được 16 năm thì bất kỳ người dân nào cũng thấy rõ, một công trình bê tông cốt thép kiên cố như vậy không thể nào dễ dàng bong tróc, sập tường do mưa nhiều và gió giật mái che. Chỉ cần đối chiếu với các ngôi nhà bình thường có mặt ở khắp nơi trên đất nước này cũng đủ thấy, chuyện sập tường chỉ với lý do trời mưa nghe thật khó thuyết phục.

Thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, nắng nóng gay gắt, mưa bão bất thường… là lý do thường được đưa ra rất nhanh để biện minh khi xảy ra các sự cố. Trong thời đại internet, mọi thông tin đều có thể được kiểm tra, kiểm chứng dễ dàng, nên mong là những người có trách nhiệm hãy phát ngôn với sự cẩn trọng và lòng tự trọng, đừng vội vã đổ thừa cho ông Trời như vậy!

——————-

Mục Đồng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hay-phat-ngon-voi-tinh-than-trach-nhiem-dung-do-thua-do-troi-mua-nua/
Zalo