Hãy một lần về tân trào để yêu thương và tự hào
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, có những vùng đất không chỉ in dấu chân người mà còn ghi tạc vào trái tim dân tộc. Một trong những vùng đất linh thiêng và hào hùng như thế là Tân Trào - Tuyên Quang, nơi được xem là cái nôi của cách mạng, là 'Thủ đô Khu giải phóng', 'Thủ đô kháng chiến'. Hãy một lần về Tân Trào để diện kiến lịch sử, để yêu thương và để tự hào.
Tân Trào với vận mệnh dân tộc
Tân Trào, thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, không chỉ là địa danh địa lý mà còn là biểu tượng tinh thần. Nơi đây từng là trung tâm trọng yếu nhất của cách mạng Việt Nam trong những năm tháng gian khó nhất, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945.
Mùa hè năm 1945, giữa những ngày nước sôi lửa bỏng, lãnh tụ Hồ Chí Minh và các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã chọn Tân Trào làm căn cứ địa lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong một thời gian ngắn, đầy biến động, Tân Trào đã chứng kiến những sự kiện mang tầm vóc lịch sử: Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào ngày 16-8-1945, nơi thông qua những quyết định quan trọng cho sự nghiệp cách mạng; cây đa Tân Trào nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc lệnh xuất quân cho Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đi giải phóng Thái Nguyên - mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Những bước chân từ Tân Trào đã mở đường đi tới ngày Độc lập 2-9-1945. Tân Trào không đơn thuần là “nơi đã từng diễn ra một sự kiện”, mà là nơi khởi phát của một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Du khách về thăm di tích đình tân trào.
Những dấu ấn còn vẹn nguyên
80 năm trôi qua, Tân Trào vẫn giữ được những sử tích thiêng liêng. Lán Nà Nưa - nơi Bác Hồ sống và làm việc từ tháng 5 đến giữa tháng 8 năm 1945 được bảo tồn nguyên trạng. Chỉ là một căn lán nhỏ lợp lá cọ, vách nứa, nhưng nơi đó từng vang lên những quyết sách lớn lao làm thay đổi vận mệnh dân tộc: “thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”.
Đình Tân Trào, ngôi đình cổ nằm dưới tán cây đa già, nơi Quốc dân Đại hội đã nhóm họp. Từng chiếc cột, từng viên ngói rêu phong dường như vẫn lưu giữ âm vang của một hội nghị Diên Hồng thời hiện đại. Cây đa Tân Trào, giờ đã trở thành biểu tượng thiêng liêng. Những người làm báo chúng tôi về đây không phải là để tham quan di tích, mà là để tưởng niệm, để tri ân, và để cảm nhận sự thiêng liêng của một vùng đất từng góp phần to lớn trong cuộc hành trình lấy lại hình của nước, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân.
Về nguồn - hành trình của cảm xúc
Vâng! Hành trình đến Tân Trào là hành trình về nguồn, hành trình của từng cung bậc cảm xúc. Giữa không gian thanh bình của núi rừng, chúng tôi, những nhà báo xứ sở cao nguyên nam Trung bộ, cảm nhận được sự bình dị, gần gũi của bà con vùng đất này. Con đường dẫn vào thủ đô kháng chiến xưa, giờ đã được trải nhựa phẳng lỳ, nối liền với trung tâm thị trấn Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang, nhưng mỗi bước đi, chúng tôi cảm nhận như đang bước trên lớp trầm tích của lịch sử 80 năm trước.
Đứng giữa lán Nà Nưa hay cây đa Tân Trào, chúng tôi chợt lặng đi không phải vì vẻ đẹp hoang sơ mà vì sự rung động từ ký ức, cho dù miền ký ức đó chỉ là những trang sách, những tập tài liệu nghề nghiệp. Chúng tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé trước tầm vóc của những thế hệ cha ông đã từng sống và chiến đấu. Ở đó, chúng tôi thấy lòng mình lắng lại để dày thêm sự biết ơn, để nhận thức rằng tình yêu quê hương đất nước không bao giờ là đủ và để càng thấy rõ hơn giá trị không thể so sánh của độc lập, tự do. Vâng, hành trình về Tân Trào là hành trình bước vào miền lịch sử bằng cảm xúc - cảm xúc biết ơn của người hôm nay đi vào thế giới của người xưa.
Những đổi thay hôm nay
Tân Trào hôm nay đã khoác lên mình màu áo mới. Những con đường bê tông xuyên rừng, những nếp nhà sàn hiện đại xen lẫn truyền thống, trường học khang trang, dịch vụ du lịch cộng đồng phát triển… Mặc dù vẫn còn là vùng nông thôn miền núi, nhưng Tân Trào đang từng bước đi lên bằng nội lực và sự đồng lòng của người dân.
Ngành du lịch của huyện Sơn Dương, đặc biệt là tại Tân Trào, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều hộ dân chuyển sang làm homestay, mở dịch vụ đón khách, giới thiệu ẩm thực địa phương như cơm lam, gà nướng lá mắc mật, canh măng rừng, rượu men lá… Những hoạt động này không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn giúp du khách gắn bó hơn với vùng đất cách mạng. Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang đã xác định phát triển khu di tích Tân Trào thành “công viên lịch sử quốc gia”, gắn kết du lịch văn hóa - lịch sử với sinh thái và trải nghiệm. Một hướng đi phù hợp để vừa bảo tồn, vừa phát triển, vừa lan tỏa giá trị Tân Trào đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.
Yêu thương và tự hào
Chúng tôi những người làm báo Lâm Đồng, xứ sở Nam Tây Nguyên đã về Tân Trào rất đỗi yêu thương! Rất đỗi tự hào.
Hãy một lần về Tân Trào, để cảm!
Hãy một lần về Tân Trào, để một lần dung nạp năng lượng, bản lĩnh phi thường.
Hãy một lần về Tân Trào, để trân quý giá trị hòa bình!
Hãy một lần về Tân Trào, để dạy cho con cháu rằng: độc lập tự do hôm nay là thành quả của máu, nước mắt, sự hy sinh và lòng quả cảm hôm qua.
Tân Trào không xa! Chỉ cần có tấm lòng, chỉ cần một ý nghĩ tri ân, thì mỗi người dân Việt dù ở đâu cũng đều có thể “trở về” dù bằng đôi chân hay bằng trái tim rung động.