Hãy chung tay bảo vệ những 'lá phổi xanh' của Thủ đô

Không chỉ c hú trọng tới việc khai thác lợi thế của các con sông trên địa bàn Thủ đô, mà việc giữ gìn và bảo vệ các ao, hồ cũng Thành phố đặc biệt quan tâm. Tại điều 28 của Luật Thủ đô (sửa đổi), vấn đề nghiêm cấm việc san lấp, lấn chiếm các ao hồ đã được luật hóa, để có thể hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng diện tích ao hồ của Hà Nội đang ngày càng bị thu hẹp…

Thực trạng buồn

Ý nghĩa và quan trọng như vậy, nhưng trước sức ép của quá trình phát triển dân cư, đô thị và do công tác quản lý ao hồ của chính quyền cơ sở còn chưa sát sao, nên nhiều ao hồ bị san lấp, chiếm dụng. Những “lá phổi xanh” của Thủ đô đang có nguy cơ ngày càng bị “xâm hại”…

Hồ Đầm Bông thuộc địa bàn phường Định Công, quận Hoàng Mai. Sau một thời gian dài bị san lấp bằng rác thải, phế thải xây dựng, tới tháng 6/2021, phần còn lại của mặt hồ không chỉ rất nhỏ mà còn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tới thời điểm hiện tại, hồ Đầm Bông với diện tích 3,5 hecta đã hoàn toàn biến mất.

Hay như tại hồ Ngòi Cầu Trại nằm giáp ranh giữa quận Hà Đông và quận Nam Từ Liêm, diện tích mặt nước cũng ngày càng bị thu hẹp bởi phế thải xây dựng và rác thải…

Diện tích Hồ Ngòi Cầu Trại đang ngày càng bị thu hẹp.

Diện tích Hồ Ngòi Cầu Trại đang ngày càng bị thu hẹp.

Theo số liệu thống kế cho thấy, chỉ trong giai đoạn 2010-2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn, giai đoạn từ năm 2015 đến 2020 diện tích mặt nước tự nhiên đô thị giảm hơn 203 ha, bởi có tới 65% ao hồ bị san lấp. Năm 2023, tại Quyết định số 1614 của UBND Thành phố đã phê duyệt danh mục 3.164 ao, hồ, đầm nghiêm cấm không được san lấp, chính quyền cơ sở cũng nỗ lực đưa ra các giải pháp để chống đổ trộm phế thải, lấn chiếm các ao, hồ nhưng vẫn không giải quyết được dứt điểm tình trạng này.

Trước thực trạng ao hồ bị ô nhiễm và san lấp, năm 2023, UBND Thành phố đã phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp. Đặc biệt trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi cũng đã thể hiện rõ nội dung: Nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm…

Việc luật hóa các quy định về bảo vệ ao hồ của Hà Nội là cần thiết nhằm duy trì và giữ gìn những lá phổi của thủ đô, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý những vi phạm sau này. Và để triển khai được những quy định này, không thể thiếu sự vào cuộc của chính quyền cơ sở.

Cần chế tài đủ mạnh

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, nhận định: Ao hồ, các thủy vực nói chung cùng với công viên cây xanh được xem là “lá phổi xanh” của thành phố. Nâng cao chất lượng sống của người dân đó là mục tiêu của chính quyền các cấp ở Hà Nội, trong đó, môi trường sống được coi là rất quan trọng.

Những người đứng đầu Nhà nước cũng đã khẳng định, chúng ta không đánh đổi kinh tế lấy môi trường, cho nên việc giữ môi trường an lành cho người dân là vô cùng quan trọng. Ao hồ, cây xanh giúp điều hòa không khí, giảm khói bụi và tăng cường sức khỏe, ổn định đời sống dân cư. Chính vì vậy, ao hồ đang hiện có ở Hà Nội cần được giữ nguyên, bởi “lấp đi thì dễ nhưng tạo ra hồ mới rất khó”; do vậy, khi quy hoạch, đề nghị phải nghiên cứu kĩ, đừng lấp hồ nữa mà hãy giữ lại các ao hồ nguyên vẹn...

Hãy chung tay gìn giữ những "lá phổi xanh" của Thủ đô. (Ảnh minh họa: K.T)

Hãy chung tay gìn giữ những "lá phổi xanh" của Thủ đô. (Ảnh minh họa: K.T)

Theo các chuyên gia môi trường, dù có diện tích mặt nước lớn, nhưng trong những năm qua, Hà Nội đã lấp đi quá nhiều ao hồ tự nhiên trong khi hồ đã hình thành tự nhiên thì sẽ có chức năng điều hòa nguồn nước, tạo cảnh quan. Vì thế, không nên vì lợi ích trước mắt mà lấp hồ, bởi hệ quả của việc lấp hồ sẽ gây ra những biến động của thiên nhiên ngay lập tức như: Ngập lụt, ô nhiễm, giảm lượng nước ngầm đột ngột.

Quá trình bê tông hóa diễn ra quá nhanh, bề mặt đất đai bị che phủ, san lấp ao hồ khiến cho hệ thống thoát nước của Thủ đô bị đình trệ, dẫn tới tình trạng ngập úng như hiện nay. Việc tự ý san lấp ao hồ không chỉ là hành vi vi phạm trong quản lý đất đai, để lại nhiều hệ lụy cho môi trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các hoạt động xây dựng công trình, nhà xưởng trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền cơ sở.

Với những hệ lụy để lại, việc đảm bảo diện tích ao, hồ của Thủ đô không bị sụt giảm là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Chính vì vậy, cần phải có chế tài mạnh hơn nữa với hành vi lấn, chiếm ao hồ.

Theo luật sư Ngọc Anh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội): Tại điều Điều 57 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định “công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, đường giao thông công cộng, hệ sinh thái tự nhiên phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, bảo vệ môi trường và không được lấn chiếm, san lấp, sử dụng sai mục đích”.

Điều 11 của Luật Kiến trúc 2019 cũng yêu cầu các công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị trên tuyến phố, bao gồm cả đài phun nước đều phải đảm bảo thiết kế phù hợp với cảnh quan và đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ.

Mặt khác, công viên, cây xanh đô thị và ao, hồ cũng là một loại tài sản công quan trọng và quý giá. Điều 4 của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công (2017) nêu rõ, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng bao gồm nhiều công trình kết cấu hạ tầng. Trong đó, bao gồm hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa và hạ tầng du lịch.

Như vậy, chính ao, hồ, công viên và cây xanh đô thị thuộc về ba loại tài sản kết cấu hạ tầng nêu trên. Đã là tài sản công thì phải được quản lý và khai thác “công khai, minh bạch, chống lãng phí, chống tham nhũng và đúng pháp luật” (Điều 6). Vì vậy, những hành vi san lấp, lấn chiếm ao hồ trái phép đều là những hành vi vi phạm và cần được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

“Chính quyền các địa phương phải là đơn vị đứng ra quản lý, bảo vệ ao hồ và chịu trách nhiệm chính khi ao hồ trên địa bàn bị xâm hại. Ngoài quy trách nhiệm, cần phải xây dựng chế tài xử phạt thật nặng cho các hành vi xâm hại, bức tử ao hồ. Có như vậy mới đảm bảo tính răn đe”, luật sư Ngọc Anh cho biết.

Đầu năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp nhằm siết chặt quản lý, công khai để người dân thực hiện, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, khó xử lý vi phạm. Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp đến các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã và trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn thành phố theo quy định. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là giải pháp hiệu quả để bảo vệ ao, hồ trên địa bàn thành phố.

H.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hay-chung-tay-bao-ve-nhung-la-phoi-xanh-cua-thu-do-173452.html
Zalo