Hậu tái cơ cấu, CII 'nợ chồng nợ', phải phát hành thêm 300 tỷ trái phiếu để đảo nợ

Mục tiêu tái cơ cấu nguồn vốn của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) là giảm nợ. Tuy nhiên công ty vừa phải phát hành thêm 300 tỷ trái phiếu để đảo nợ.

CII phát hành 300 tỷ trái phiếu để đảo nợ

Vừa qua, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Mã: CII) đã thông báo chào bán lô trái phiếu mã CIIB2426001. Đây là lô 3.000 trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tương đương tổng giá trị 300 tỷ đồng.

Lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, lãi suất 10%/năm, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo.

Mục đích phát hành được CII đưa ra để lấy tiền thanh toán một phần hoặc toàn bộ gốc lô trái phiếu CIIB2124002. Như vậy, có thể thấy mục đích chính của đợt phát hành trái phiếu này là để lấy tiền "đảo nợ".

 CII sau 1 năm tái cơ cấu, nợ chồng thêm nợ, phải phát hành 300 tỷ trái phiếu để lấy tiền đảo nợ (Ảnh TL)

CII sau 1 năm tái cơ cấu, nợ chồng thêm nợ, phải phát hành 300 tỷ trái phiếu để lấy tiền đảo nợ (Ảnh TL)

Trước đó, vào ngày 22/7/2024, CII cũng đã dùng cổ phiếu NBB và LGC đang sở hữu làm tài sản đảm bảo phát hành lô trái phiếu CIIB2427001. Lô trái phiếu này cũng có giá trị 300 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, được đảm bảo bằng 10 triệu cổ phiếu NBB và 5,3 triệu cổ phiếu LGC.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tại tháng 10/2023, CII từng đưa ra kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn nhằm giảm áp lực tài chính do dùng đòn bẩy tài chính quá cao trong hoạt động đầu tư dự án BOT.

Phương án được đưa ra là CII sẽ phát hành 7.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi nhằm tăng tỷ trọng vốn chủ sở hữu so với nợ vay. Từ đó, giảm tỷ lệ đòn bẩy Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu từ 2,2 lần xuống còn 1,1 lần.

Có thể thấy việc phát hành thêm lô trái phiếu 300 tỷ lần này đang đi ngược với kế hoạch tái cơ cấu giảm nợ của CII. Ngoài ra, cơ cấu nguồn vốn thực tế của doanh nghiệp sau 1 năm triển khai tái cơ cấu đang ra sao?

Tái cơ cấu nguồn vốn nhưng "nợ chồng thêm nợ"

Theo BCTC hợp nhất giữa niên độ 2024, CII đang ghi nhận tổng nguồn vốn 35.664 tỷ đồng, cao hơn 2.480 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó, nợ phải trả đang chiếm 26.332 tỷ đồng với phần lớn là nợ dài hạn. Lượng nợ vay dài hạn của CII đang chiếm 14.917 tỷ đồng, cao hơn gần 900 tỷ so với thời điểm đầu năm. Phần lớn nguồn vốn vay dài hạn này được dùng để đầu tư các dự án BOT.

Bên cạnh đó, CII cũng ghi nhận lượng nợ vay ngắn hạn chiếm 4.683 tỷ đồng, cùng khoản dự phòng phải trả ngắn hạn 328 tỷ đồng. Tổng nợ vay ngắn và dài hạn hiện tại của CII lên tới 19.600 tỷ đồng, cao gấp đôi vốn chủ sở hữu hiện tại.

Tổng thể, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu hiện tại của CII đang ở mức 2,8 lần, còn cách rất xa so với con số mục tiêu 1,1 lần mà CII từng đặt ra cho kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn.

Thậm chí so với đầu năm, tổng lượng nợ vay của đơn vị không giảm mà còn gia tăng. Tổng nợ vay ngắn và dài hạn tại cuối tháng 6/2024 tăng 714 tỷ đồng so với đầu năm 2024. Như vậy, kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn của CII có đang đi đúng hướng hay khiến doanh nghiệp "nợ chồng thêm nợ"?

Mỗi ngày "gánh" 5 tỷ lãi vay

Việc vay nợ hàng chục nghìn tỷ đồng đã ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền của CII. Ghi nhận trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy chỉ trong 6 tháng đầu năm, CII đã phải chi ra 918 tỷ đồng chỉ để trả tiền lãi vay.

Dù đã giảm hơn so với cùng kỳ nhưng đây vẫn là một con số khổng lồ, chưa kể tới việc công ty còn phải trả gốc. Chia trung bình mỗi ngày, CII đang phải trả 5 tỷ tiền lãi vay cho các chủ nợ.

Bên cạnh đó, lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính cho thấy CII đã vay thêm 6.311 tỷ đồng trong khi chỉ trả 4.824 tỷ đồng tiền nợ gốc vay trong kỳ.

Điều này đồng nghĩa số nợ gốc đơn vị này trả được ít hơn số vay thêm trong kỳ. Kết quả, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính là 1.176 tỷ đồng.

Bích Diễm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hau-tai-co-cau-cii-no-chong-no-phai-phat-hanh-them-300-ty-trai-phieu-de-dao-no-post314211.html
Zalo