Hậu quả tàn khốc từ những vụ cháy rừng liên tiếp những ngày qua

Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho rằng tình hình cháy rừng trong các tháng qua, thực sự rất đáng báo động. Số vụ cháy rừng và diện tích bị thiệt hại tăng gần gấp đôi so với năm ngoái,

Hàng loạt địa phương cháy rừng nghiêm trọng

Theo hệ thống giám sát bằng vệ tinh của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) trong mấy ngày qua các tỉnh miền Bắc xuất hiện 72 điểm cháy rừng. Nhiều nhất là Lạng Sơn 18 điểm; Tuyên Quang 8; Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên mỗi nơi 6 điểm, Hà Nam...

Đêm 16/4, lực lượng chức năng đã huy động hơn 600 người xuyên đêm, phát quang cây xung quanh ngọn núi, tạo đường băng để ngăn cháy rừng lan rộng tại phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng (Hà Nam).

Cháy rừng ở Hà Nam gây thiệt hại nghiêm trọng.

Cháy rừng ở Hà Nam gây thiệt hại nghiêm trọng.

Trước đó, tối 15/5, lửa bùng phát ở khu rừng sản xuất thuộc xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Tỉnh huy động cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cùng người dân khoanh vùng dập lửa. Thống kê ban đầu khoảng 6 ha rừng bị thiệt hại…

Tối 14/4, tại huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) đã xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị trấn Na Sầm và xã Bắc Hùng. Cách đó 2 ngày, tối 12/4, một vụ cháy rừng cũng xảy ra tại thị xã Bình Liêu và xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu) khiến khoảng 40ha đồi trồng rừng của người dân bị cháy.

Đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết, thời tiết miền Bắc đang bước vào giai đoạn nắng nóng kéo dài, nhiều ngày không có mưa, độ ẩm không khí thấp. Đây là những điều kiện lý tưởng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.

Ngoài yếu tố thời tiết, một nguyên nhân khác cũng đáng lo ngại là hoạt động xử lý thực bì để làm nương rẫy hoặc trồng rừng. Nhiều người dân sau khi phát dọn thực bì đã đốt để dọn sạch đất, có thể vô tình tạo ra nguồn lửa gây cháy rừng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 129 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 150 ha rừng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, vụ cháy rừng cuối tháng Ba vừa qua tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã làm 1 người tử vong, thiêu rụi trên 20ha rừng.

Sau vụ cháy trên, tình trạng cháy rừng vẫn xuất hiện tại một số địa phương ở khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn. Mới đây nhất, là vụ cháy rừng "xuyên địa giới" xảy ra vào chiều 16/4 tại khu vực giáp ranh giữa huyện Yên Thủy (Hòa Bình) và thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho rằng tình hình cháy rừng trong các tháng qua, thực sự rất đáng báo động. Nhất là khi số vụ cháy rừng và diện tích bị thiệt hại tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024.

Một điều khác mà ông Nam lưu ý, là tình trạng cháy rừng trong hơn 3 tháng qua cho thấy xu hướng cháy rừng không chỉ xuất hiện tại những khu vực có nguy cơ cao đã được cảnh báo, mà còn có thể lan sang cả những vùng trước đây ít ghi nhận sự cố. Điều này cho thấy biến đổi khí hậu đang làm xáo trộn quy luật khí hậu địa phương đồng thời cảnh báo sự lơ là trong quản lý và giám sát lửa rừng.

"Nếu để cháy rừng xảy ra, cái mất không chỉ là cây gỗ, tre nứa hay dược liệu, mà còn hủy hoại lớp phủ bảo vệ đất, làm suy giảm chất lượng nước và tăng nguy cơ sạt lở, xói mòn, sâu xa hơn là ảnh hưởng tới cả hệ sinh thái.

Hơn thế, cháy rừng không chỉ gây thiệt hại về tài nguyên mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới độ đa dạng sinh học và an ninh sinh thái, đặc biệt là tại nhiều khu vực miền núi khi sinh kế phụ thuộc vào rừng - từ lâm sản, cây dược liệu đến du lịch sinh thái...", ông Đoàn Hoài Nam cho hay.

Cháy rừng không chỉ mất gỗ, hậu quả vô cùng nghiêm trọng

Theo các chuyên gia của Đại học Lâm nghiệp, cháy rừng chỉ xảy ra khi có sự kết hợp đồng thời của 3 yếu tố là oxy, vật liệu cháy và nguồn nhiệt. Trong đó, oxy là chất duy trì sự cháy, sẵn có trong không khí. Dưới tán rừng tỷ lệ này có thể thấp hơn một chút do quá trính phân giải một số hợp chất hữu cơ làm cho lượng CO2 tăng lên. Vật liệu cháy là chất bị cháy, có sẵn trong rừng. Vật liệu cháy là tất cả những chất có khả năng bén lửa và bốc cháy trong điều kiện có đủ nguồn nhiệt và oxy. Nguồn vật liệu cháy có độ ẩm ≤ 25% có khả năng bắt lửa dễ dàng.

Nguồn nhiệt là yếu tố duy nhất không sẵn có trong rừng. Nhiệt độ cần để đốt cháy vật liệu cháy ở thời điểm ban đầu gọi là điểm bén lửa. Thời tiết và các nhân tố khí tượng là một tác nhân cho sự phát sinh và phát triển của một đám cháy rừng. Yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới cháy rừng và dự báo cháy rừng bao gồm nhiệt độ, độ ẩm và gió.

Địa hình ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cháy rừng và liên quan trực tiếp đến sự phát triển của đám cháy; có tác động ngăn chặn các hệ thống gió, hình thành các khu vực tiểu khí hậu khác nhau tạo ra các khu vực thường xuyên có mưa hoặc khu vực khô hạn. Ngoài ra, các điều kiện địa hình tạo ra có ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện bốc hơi nước của vật liệu cháy hoặc chi phối quy mô, tốc độ lan tràn các đám cháy rừng.

Kiểu rừng và loại thực bì có liên quan trực tiếp đến nguồn vật liệu cháy, tính chất và khối lượng của vật liệu cháy do đặc điểm của kiểu rừng và loại thực bì quyết định, từ đó dẫn đến tính dễ bắt lửa và quy mô đám cháy.

GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia về phát triển rừng bền vững cho biết, cháy rừng thu hẹp nhanh chóng diện tích rừng có giá trị kinh tế. Nếu tính bình quân một ha rừng cho khoảng 50 m3 gỗ, thì những thập kỷ gần đây cháy rừng gây thiệt hại khoảng 10 triệu m3 gỗ, chưa kể nguồn cây dược liệu, chim thú mất môi trường sống, mất nguồn thức ăn và phải di chuyển đến nơi khác gây mất cân bằng sinh thái và khó khăn cho công tác quản lý, theo dõi.

Đối với thực vật rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến quần thể thực vật rừng chủ yếu thông qua sát thương, sau cháy rừng một số loài cây ưa sáng mọc nhanh phát triển phá vỡ cấu trúc của rừng, ảnh hưởng đến tổ thành rừng và diễn thế rừng. Đối với động vật, ảnh hưởng trực tiếp, sát thương động vật, thiêu cháy động vật, ảnh hưởng tới nguồn thức ăn và môi trường sống.

Đối với vi sinh vật, cháy rừng ảnh hưởng tới cấu trúc, số lượng và hoạt động của các vi sinh vật trong đất. Đối với môi trường, với môi trường đất, sau khi cháy rừng hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng tăng lên. Tuy nhiên thời gian sau do không có độ che phủ của tán rừng và lớp thực bì (mất nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và bảo vệ đất) nên nhanh chóng trở nên bạc màu, xói mòn, rửa trôi, sạt lở…

Đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cảnh báo, trong điều kiện thời tiết khô hanh, ít mưa, gió mạnh càng khiến nguy cơ cháy lan nhanh và khó kiểm soát. Vì vậy, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm khuyến cáo người dân và du khách theo dõi sát các thông tin dự báo, cảnh báo cháy rừng trên website của cục để kịp thời phát hiện và xử lý các điểm cháy.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hau-qua-tan-khoc-tu-nhung-vu-chay-rung-lien-tiep-nhung-ngay-qua-169250418062614657.htm
Zalo