Hậu quả khủng khiếp của siêu bão Yagi

Bão số 3 và hoàn lưu có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp 26 tỉnh khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa, gây mưa rất lớn, lũ quét, sạt lở đất... Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng đã xảy ra tại nhiều tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang...

Bão số 3 (Yagi) đi vào đất liền trưa ngày 7/9/2024 với thời gian lưu bão kéo dài trên 12 giờ. Tâm bão khi đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió thực đo lớn nhất trên đất liền tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp 14, giật cấp 17; đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) cấp 13, giật cấp 14; Ba Lạt (Thái Bình) cấp 9, giật cấp 12; Hải Dương cấp 12, giật cấp 13; Hà Nội cấp 6, giật cấp 10.

THIỆT HẠI VÔ CÙNG TO LỚN

Sau khi bão số 3 đi qua, hoàn lưu mưa sau bão đã gây ra nhiều vụ lũ quét và sạt lở đất kinh hoàng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đó, trận lũ quét xảy ra vào sáng ngày 10/9/2024, đã gây sạt lở đất, san phẳng một thôn (thôn Nủ) ở xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Theo báo cáo của tỉnh Lào Cai, trận lũ quét, sạt lở đất đã vùi lấp toàn bộ thôn Nủ với 35 hộ dân, 128 khẩu.

Theo báo cáo của tỉnh Cao Bằng, vào lúc 1 giờ sáng ngày 9/9/2024, tại xóm Lũng Súng, xã Ca Thành bị sạt lở đồi làm lấp 6 hộ dân, 34 nhân khẩu, hậu quả là 7 người chết. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 9/9/2024, tại xóm Lũng Lỳ cũng thuộc xã Ca Thành bị sạt lở đất vùi lấp 6 hộ, 38 nhân khẩu, khiến 2 người chết, 7 người mất tích.

Tại xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành, vào khoảng 5 giờ 45 phút ngày 9/9/2024 tại Km180+680 Quốc lộ 34 (thuộc xóm Khuổi Ngọa xảy ra vụ sạt lở đất Taluy dương, đẩy 2 xe rơi xuống vực, suối, khiến 7 người chết, khoảng 26 người mất tích…

Yên Bái cũng là một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ thiên tai kinh hoàng do mưa lũ sau bão số 3. Theo báo cáo của tỉnh Yên Bái, do ảnh hưởng của mưa lớn, ngập lụt kéo dài, tính đến sáng ngày 11/9/2024, Yên Bái đã có 40 người chết và mất tích, chủ yếu do sạt lở đất. Ngoài ra, thiên tai cũng làm thiệt hại hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập nước.

Theo báo cáo của các địa phương, thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu mưa lũ sau bão tính đến 17h00 ngày 13/9/2024, đã có 336 người chết, mất tích (254 người chết, 82 người mất tích).

Cụ thể, Lào Cai có 172 người chết và mất tích (111 người chết, 61 người mất tích), gồm: Bảo Yên 103 người, Sa Pa 9 người, Bát Xát 17 người, Si Ma Cai 7 người, Bắc Hà 34 người, Văn Bàn 2 người; Cao Bằng có 52 người (43 người chết, 9 người mất tích); Yên Bái có 50 người (49 người chết, 1 người mất tích), gồm: TP Yên Bái 21 người, Lục Yên 14 người, Văn Yên 9 người, Văn Chấn 2 người, Trấn Yên 4 người; Quảng Ninh có 22 người chết; Hải Phòng có 2 người chết do bão; Hải Dương có 1 người chết do bão; Hà Nội có 1 người chết do bão; Hòa Bình có 7 người chết do sạt lở đất; Lạng Sơn có 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất; Bắc Giang có 2 người chết do lũ cuốn; Tuyên Quang có 5 người chết do lũ; Hà Giang có 2 người (1 người chết; 1 người mất tích); Lai Châu có 1 người chết do sạt lở đất; Vĩnh phúc có 2 người chết do lũ; Phú Thọ có 11 người (1 người chết do sạt lở đất, 1 người chết do lũ, 8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu, 1 người mất tích do lũ); Sơn La có 1 người mất tích do lũ cuốn; Thái Nguyên có 2 người chết do lũ.

Về nông nghiệp, 195.929 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, trong đó: Hải Phòng 23.870ha, Nam Định 30.271ha, Thái Bình 11.000ha, Hà Nội 27.318ha, Hưng Yên 2.012ha, Hải Dương 20.467ha, Hà Nam 7.928ha, Bắc Giang 18.779ha, Bắc Ninh 4.711ha, Lạng Sơn 5.220ha, Vĩnh Phúc 9.054ha, Thái Nguyên 7.332ha, Tuyên Quang 4.362ha… Có 35.010ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, tập trung tại: Hải Phòng 2.500ha, Thái Bình 3.345ha, Hà Nội 4.046ha, Hải Dương 3.159ha, Bắc Giang 1.981ha, Hòa Bình 6.728ha, Phú Thọ 1.631ha, Lạng Sơn 1.849ha,... Cây ăn quả có 22.237 ha bị hư hại, tập trung tại: Hải Phòng 2.130ha, Thái Bình 1.385ha, Hà Nội 3.924ha, Hưng Yên 2.953ha, Hải Dương 3.163ha, Bắc Giang 6.669ha…). Thủy sản có 1.791 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Chăn nuôi đã có 2.502 con gia súc, 1.523.345 con gia cầm bị chết (tập trung ở Hải Dương 388.605 con, Hải Phòng 644.452 con, Thái Nguyên 292.696 con...).

Do thời gian hoàn lưu bão dài và duy trì cường độ gió, gió giật rất mạnh đã làm 130.268 nhà hư hỏng, trong đó: Quảng Ninh 70.629, Hải Phòng 36.675, Bắc Ninh 3.472, Lạng Sơn 2.990, Bắc Giang 3.289, Yên Bái 1.378...; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…

Nhà bị ngập: 57.857 nhà, trong đó: Nam Định 959, Hà Nội 6.521, Yên Bái 21.288, Lạng Sơn 6.614, Thanh Hóa 144, Lào Cai 2.930, Thái Nguyên 5.000, Bắc Kạn 342, Sơn La 296, Hà Giang 664, Tuyên Quang 10.489, Ninh Bình 2.604...

Ngày 9/9/2024, Bộ Chính trị họp chỉ đạo công tác ứng phó với bão, mưa lũ; đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có Thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của cơn bão số 3. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm, liên tiếp ban hành 5 Công điện chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở, ngập lụt.

TOÀN HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC ỨNG PHÓ

Công tác phòng, chống thiên tai luôn được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm từ xa của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Trước khi cơn bão đổ bộ, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ. Đó là, kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá, 219.913 người về nơi tránh trú. Tổ chức sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn. Tổ chức bơm tiêu rút nước trên các hệ thống kênh, mương và mặt ruộng. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn 31 trọng điểm đê biển xung yếu. Các Bộ Quốc phòng và công an đã huy động 438.275 người, 6.642 phương tiện các loại để ứng phó với bão.

Ngay khi bão mới vào biển Đông, chiều ngày 5/9/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà họp trực tuyến với các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố Bắc Bộ đến Hà Tĩnh. Ngày 6/9/2024, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đi kiểm tra tại Quảng Ninh, Hải Phòng; Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra, chỉ đạo tại 4 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Nam Định từ ngày 6 - 8/9/2024. Ngày 7/9/2024, trước khi bão đổ bộ đất liền, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương và giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo tại Hải Phòng và trực tuyến với các tỉnh Bắc Bộ.

Ngày 8/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão tại Quảng Ninh, Hải Phòng; Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình tại Nam Định, Thái Bình; Phó Thủ tướng Lê Thành Long tại Hải Dương; Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tại Yên Bái; Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tại Hòa Bình. Ngày 9/9/2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đi chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn tại cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ; Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ tại Lào Cai. Ngày 9/9/2024, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại Lào Cai.

Ngày 9/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 943/QĐ-TTg hỗ trợ khẩn cấp 100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho 5 địa phương để thực hiện khắc phục hậu quả bão số 3.

Ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ tại Bắc Giang. Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã có Công điện số 92 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Thủ tướng yêu cầu Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết, trước hết…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 38-2024 phát hành ngày 16/09/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hau-qua-khung-khiep-cua-sieu-bao-yagi.htm
Zalo