Hậu kiểm về an toàn thực phẩm: khởi tố 23 vụ, 21 bị can

Trong năm 2022 đã xử lý 23.322 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, khởi tố 23 vụ/21 bị can.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cho biết, trong năm 2022 đã xử lý 23.322 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, tổng số tiền phạt 157,267 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 16,45 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 102 cơ sở; khởi tố 23 vụ/21 bị can.

Tăng cường hoạt động hậu kiểm an toàn thực phẩm trong năm 2022. Ảnh: Báo Hà Nội Mới

Tăng cường hoạt động hậu kiểm an toàn thực phẩm trong năm 2022. Ảnh: Báo Hà Nội Mới

Năm 2022, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã xử lý 23.322 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, tổng số tiền phạt 157,267 tỷ đồng

Cụ thể, trong năm 2022, hoạt động hậu kiểm về an toàn thực phẩm được triển khai từ Trung ương đến địa phương có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Công an, trong năm 2022 đã hậu kiểm 381.108 cơ sở, đã xử lý 23.322 cơ sở, tổng số tiền phạt 157,267 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 16,45 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 102 cơ sở; số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm 1.023 cơ sở, tiêu hủy 5.132 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...); khởi tố 23 vụ/21 bị can.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã có kế hoạch hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023.

Tại tuyến Trung ương, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ triển khai 2 đợt kiểm tra liên ngành vào dịp Tết Quý Mão và mùa lễ hội Xuân năm 2023; kiểm tra liên ngành trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023.

Tại địa phương, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương và triển khai thực hiện kế hoạch hậu kiểm thường xuyên, liên tục về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm, nhóm sản phẩm và theo đúng nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; hậu kiểm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đoàn hậu kiểm của Trung ương khi hậu kiểm trên địa bàn

Riêng hậu kiểm trong ngành y tế, Bộ Y tế giao Cục An toàn thực phẩm phối hợp các viện, các lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an và đơn vị liên quan triển khai hậu kiểm về công bố, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hậu kiểm về tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm, nhóm sản phẩm.

Cụ thể, quý I/2023, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2023; hậu kiểm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài và môi trường mạng.

Quý II/2023, kiểm tra liên ngành trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2023; hậu kiểm việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; hậu kiểm các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước; hậu kiểm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phụ gia thực phẩm; kiểm tra an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe và cơ sở được cấp giấy chứng nhận GMP thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Trong quý III/2023, hậu kiểm việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; hậu kiểm về quảng cáo thực phẩm vệ sức khỏe; hậu kiểm các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục quản lý nhà nước; hậu kiểm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phụ gia thực phẩm; kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau cấp giấy chứng nhận GMP thực phẩm bảo vệ sức khỏe và cơ sở được cấp giấy chứng nhận GMP thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Quý IV/2023, hậu kiểm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; hậu kiểm việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; hậu kiểm các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước; hậu kiểm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phụ gia thực phẩm, kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau cấp giấy chứng nhận GMP thực phẩm bảo vệ sức khỏe và cơ sở được cấp giấy chứng nhận GMP thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Ngoài việc hậu kiểm theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ tăng cường hậu kiểm đột xuất đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hau-kiem-ve-an-toan-thuc-pham-khoi-to-23-vu-21-bi-can-post232317.gd
Zalo