Hầu hết quỹ đầu tư đang có hiệu suất âm, hai đơn vị ngược dòng nhờ nắm VHM và TCB

Dù VN-Index đã quay lại vùng điểm đầu năm sau nhịp phục hồi mạnh mẽ từ giữa tháng 4, hiệu suất đầu tư của phần lớn các quỹ chủ động trên thị trường vẫn chưa thể theo kịp, phản ánh độ lệch pha ngày càng rõ rệt giữa chỉ số và hoạt động quản lý quỹ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn 4 tháng đầu năm trải qua nhiều biến động mạnh, đặc biệt là cú giảm sâu trong tháng vừa qua khi VN-Index có thời điểm rơi về vùng đáy 1.073 điểm với lo ngại thuế quan. Tuy nhiên, chỉ số sau đó đã phục hồi mạnh nhờ lực đỡ từ nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu họ Vingroup. Tính đến ngày 9/5, VN-Index đóng cửa tại 1.267 điểm, gần tương đương mức đầu năm.

Trái ngược với diễn biến hồi phục của thị trường, hiệu suất nhiều quỹ đầu tư vẫn ghi nhận mức âm đáng kể.

Dữ liệu thống kê cho thấy, trong 29 quỹ chủ động được khảo sát, chỉ 2 quỹ có hiệu suất dương là MBVF và BVFED, với mức tăng khiêm tốn dưới 2%. Phần lớn các quỹ còn lại lỗ từ 2–13%, trong đó đáng chú ý là VDEF và NTPPF cùng giảm 12%, quỹ tăng trưởng KIM Việt Nam Hàn Quốc và VEOF âm khoảng 11%, còn VESAF cũng giảm 10%.

Hiệu suất kém tích cực cũng xuất hiện tại nhóm các quỹ lớn. Quỹ VEIL – hiện là quỹ ngoại có quy mô lớn nhất thị trường – ghi nhận mức âm hơn 8% tính đến đầu tháng 5. Hai quỹ khác thuộc Dragon Capital là DCDS và DCDE cũng lần lượt âm 3% và 5%. Nhóm quỹ của SSIAM như VLGF, SSI-SCA hay các quỹ của Thiên Việt (TVGF3, TVGF4) cùng ghi nhận mức giảm quanh 8%.

(Nguồn: X.N tổng hợp).

(Nguồn: X.N tổng hợp).

Diễn biến này được lý giải bởi độ lệch danh mục giữa các quỹ và diễn biến chỉ số. VN-Index từ đầu tháng 4 đến nay phục hồi chủ yếu nhờ nhóm bất động sản, đặc biệt là VIC, VHM và VRE – những cổ phiếu vốn không phải lựa chọn ưu tiên của đa phần các quỹ chủ động trong thời gian qua.

Ví dụ, danh mục của VDEF (VinaCapital) tại thời điểm cuối tháng 3 tập trung mạnh vào nhóm ngân hàng (26,3%), công nghiệp (23,2%) và vật liệu (15,4%). Top các khoản đầu tư lớn gồm MBB, PVI, ACB, SZC, GVR – trong đó có nhiều mã giảm sâu như SZC mất 23%, GVR giảm 18% hay PVI giảm 16% chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến 9/5.

Tương tự, danh mục của NTPPF (thuộc NTP Capital) có tỷ trọng lớn tại các mã như FPT, HCM, CTD, CTG, HPG – trong đó một số cổ phiếu như FPT, HCM chưa phục hồi đáng kể khi so với đà tăng của VN-Index. Vietnam Holding cũng có sự hiện diện lớn của các cổ phiếu FPT, TCB, MWG, ACB, SIP, FRT – trong đó riêng SIP giảm đến 22% kể từ tháng 4.

FPT, SZC, SIP, PVI, HCM, GVR... chưa thể bắt kịp VN-Index, kéo lùi hiệu suất một số quỹ (đến 12/5). (Nguồn: TradingView).

FPT, SZC, SIP, PVI, HCM, GVR... chưa thể bắt kịp VN-Index, kéo lùi hiệu suất một số quỹ (đến 12/5). (Nguồn: TradingView).

Trái lại, MBVF và BVFED – hai quỹ có hiệu suất dương hiếm hoi – lại có danh mục gần với những mã cổ phiếu dẫn dắt chỉ số. Báo cáo gần nhất của MBVF cho thấy quỹ này ưu tiên nắm giữ nhóm ngân hàng (ACB, VCB), cùng các mã như VHM và HPG – trong đó VHM là một trong những mã hồi phục ấn tượng nhất giai đoạn qua. Đây cũng là một trong số ít quỹ chủ động sở hữu cổ phiếu họ Vingroup từ đầu năm.

Báo cáo tháng 4 của BVFED cho thấy danh mục quỹ có 32 cổ phiếu niêm yết, trong đó các mã chiếm tỷ trọng lớn như TCB, BWE, SHB, MWG, MBB, HCM. Nhiều mã trong danh mục đã tăng tích cực từ đầu năm, như SHB tăng 40%, BWE tăng 13% hay TCB tăng 12%, góp phần cải thiện hiệu suất tổng thể cho quỹ.

VHM, SHB, TCB, BWE hỗ trợ hiệu suất đầu tư của MBVF, BVFED (đến 12/5). (Nguồn: TradingView).

VHM, SHB, TCB, BWE hỗ trợ hiệu suất đầu tư của MBVF, BVFED (đến 12/5). (Nguồn: TradingView).

Kết quả hiệu suất phân hóa cũng phản ánh khẩu vị đầu tư khác nhau của từng quỹ. Các quỹ theo hướng tăng trưởng, tập trung vào cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hay mang tính chu kỳ, chưa thể theo kịp đà phục hồi của các cổ phiếu đầu ngành và nhóm vốn hóa lớn vốn dẫn dắt chỉ số.

Trong khi đó, những quỹ có danh mục thiên về nhóm ngân hàng, bất động sản hoặc phân bổ đều hơn vào các cổ phiếu bluechip đang cho thấy sự thích nghi tốt hơn với bối cảnh thị trường.

Định giá hấp dẫn, dư địa phục hồi còn lớn

Dù hiệu suất ngắn hạn vẫn đang phân hóa mạnh, các nhà quản lý quỹ nhận định dư địa thị trường còn khá lớn trong các tháng tới khi mặt bằng định giá hiện tại vẫn tương đối hấp dẫn. Tuy nhiên, việc lựa chọn danh mục đầu tư sát với xu hướng dẫn dắt chỉ số và có khả năng hồi phục sớm vẫn là yếu tố then chốt giúp các quỹ cải thiện hiệu suất trong thời gian còn lại của năm 2025.

Theo SGI Capital, Chính phủ Việt Nam đang phản ứng nhanh trước nguy cơ rủi ro từ chính sách thuế của Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực phần lớn không bị ảnh hưởng, trong khi Việt Nam là một trong 6 nước được ưu tiên đàm phán thương mại song phương – dự kiến hoàn tất trong một đến hai tháng tới.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách điều hành linh hoạt, giữ ổn định tỷ giá và lãi suất thấp, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.

Về chính sách tài khóa, Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, miễn giảm thuế phí và cải cách thể chế thông qua Nghị quyết 68, nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng bền vững.

Dù khối ngoại bán ròng gần 14.500 tỷ đồng trong tháng 4, dòng tiền đã chuyển sang mua ròng trở lại vào cuối tháng. Đặc biệt, nhà đầu tư trong nước gia tăng tích lũy khi thị trường hoảng loạn, giúp tạo nền hỗ trợ mạnh cho VN-Index quanh vùng 1.200 điểm – được xem là vùng định giá hấp dẫn xét theo P/E và P/B lịch sử.

Định giá VN-Index. (Nguồn: SGI Capital).

Định giá VN-Index. (Nguồn: SGI Capital).

Lumen Vietnam cho biết hệ số P/E dự phóng 2025 của danh mục hiện chỉ 11,3 lần và tiếp tục giảm còn 9,3 lần vào năm 2026. Dù đã điều chỉnh kỳ vọng tăng trưởng do yếu tố thuế, lợi nhuận doanh nghiệp vẫn dự báo tăng 18,7% trong năm 2025 và hơn 21% năm 2026 – vượt trội so với khu vực.

Các nhóm ngành bất động sản dân dụng, vật liệu xây dựng, năng lượng và tiện ích được đánh giá gần như không chịu tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới.

Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt khi lợi nhuận năm 2024 tăng gần 23%, và triển vọng tăng trưởng trên 18% trong năm nay. Hòa Phát (HPG) – đại diện tiêu biểu ngành vật liệu – được hưởng lợi nhờ mở rộng công suất và được bảo vệ bởi các biện pháp thương mại. Ngành năng lượng, bán lẻ xăng dầu và các cổ phiếu tiêu dùng cũng đang giao dịch dưới mức định giá trung bình nhiều năm, mở ra cơ hội tích lũy dài hạn cho nhà đầu tư.

Pyn Elite Fund cũng bày tỏ góc nhìn lạc quan về kinh tế vĩ mô Việt Nam. Từ ngày 7/5, Việt Nam chính thức bước vào tiến trình đàm phán thương mại với Mỹ.

Trong khi đó, các chỉ số vĩ mô ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực: doanh thu bán lẻ tăng 11,1%, xuất khẩu tăng 20%, sản xuất công nghiệp tăng gần 9%, và vốn FDI giải ngân tăng 7,9% – cho thấy niềm tin dài hạn của các nhà sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử.

Dù Ngân hàng Thế giới vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 xuống 5,8%, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng 8%. Gói hỗ trợ thuế VAT dự kiến được kéo dài đến năm 2026, cùng các ưu đãi trong Nghị quyết 68 sẽ tiếp thêm động lực cho khu vực tư nhân.

Đặc biệt, hệ thống giao dịch chứng khoán KRX đi vào vận hành từ ngày 5/5 là bước ngoặt lớn, mở đường cho các cải cách như giao dịch T+0 và thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), hướng đến chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế.

Xuân Nghĩa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/hau-het-quy-dau-tu-dang-co-hieu-suat-am-hai-don-vi-nguoc-dong-nho-nam-vhm-va-tcb.html
Zalo