Hậu Giang nỗ lực hoàn thành các dự án cao tốc trên địa bàn
Tỉnh Hậu Giang và các đơn vị nỗ lực sớm hoàn thành 3 đoạn tuyến cao tốc đang thi công, gồm: Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau và dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Ngày 7/9, UBND tỉnh Hậu Giang đã có buổi làm việc với các đơn vị đang triển khai các dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh để kiểm điểm, đánh giá, tiến tới hoàn thành nhiệm vụ giải ngân cũng như đảm bảo tiến độ chung các dự án.
Theo đó, địa bàn tỉnh Hậu Giang có 3 đoạn tuyến cao tốc đang thi công, gồm: Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau và dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, tổng chiều dài các dự án đi qua địa bàn khoảng 100 km, có 3.217 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 810 hộ dân phải tái định cư. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án và đầu tư xây dựng 6 khu tái định cư.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang (chủ đầu tư dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) cho biết, giá trị giải ngân từ đầu năm 2024 đến nay là 1.414/2.738 tỷ đồng, đạt 51,6% số vốn đã bố trí.
Mặc dù các đơn vị đã cố gắng, nỗ lực triển khai thi công, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tiến độ dự án chậm hơn so với kế hoạch khoảng 9%, nguyên nhân là do nhà thầu chỉ tập trung thi công được các cầu có đường tiếp cận. Tại gói thầu số 2 gặp khó khăn do đường công vụ chưa thông suốt và các tuyến kênh rạch nhỏ, có nhiều cầu giao thông nông thôn nên thiết bị lớn chưa thể di chuyển vào công trường.
Đại diện nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ, ngay từ những ngày đầu, UBND tỉnh, chủ đầu tư và lãnh đạo địa phương đã rất tích cực hỗ trợ, bàn giao mặt bằng sạch cho dự án. Nhưng hiện nay, quá trình thi công phát sinh việc ảnh hưởng đến hệ thống tưới tiêu của người dân, nếu thực hiện thi công sẽ làm tắc nghẽn hệ thống, ảnh hưởng đến công tác sản xuất.
Bên cạnh đó, việc cấp mỏ cát cho nhà thầu mới được triển khai từ tháng 5/2024. Tuy nhiên, trong tháng 8/2024, nhà thầu đã điều chuyển 2.500 m3/ngày cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, do đó công tác thi công tại dự án gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, phía nhà thầu cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công các cầu trên tuyến, đắp gia tải nền đường cùng các giải pháp khác để đảm bảo giải ngân theo kế hoạch được giao.
Ông Vũ Đình Tân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho hay, hiện nay nhà thầu mới đạt 30% sản lượng giải ngân được giao trong năm 2024, nguyên nhân là do nhà thầu không có cát thi công trên tuyến.
Hiện đơn vị đang bám các mỏ ở Bến Tre, trong đó tại sông Ba Lai có trữ lượng 1,2 triệu m3 cát. Tại các mỏ trên sông Tiền, trữ lượng cát rất tốt, tuy nhiên kế hoạch sử dụng các mỏ này nằm ở giai đoạn 2026 - 2030. Hiện nay, nhà thầu đang kiến nghị và tỉnh Bến Tre cũng gửi các văn bản lên Thủ tướng Chính phủ để đưa thời gian khai thác sử dụng các mỏ này xuống giai đoạn 2021 - 2025.
Về cam kết triển khai thi công và hoàn thành giải ngân, đơn vị đưa ra các giải pháp như tập trung gác dầm 12 cầu trên tuyến và hoàn thành 16 km đường công vụ.
Đối với hai đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, đến ngày 31/12/2025, hai cao tốc này sẽ được hoàn thành. Do đó, từ nay đến hết năm 2024, các nhà thầu phải hoàn thành công tác gia tải nền đường và các cầu trên tuyến chính.
Hiện nay, các nhà thầu đều tập trung tăng tốc thi công trên công trường, tuy nhiên khó khăn chung của dự án vẫn là nguồn vật liệu cát. Do đó, đối với đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, dự án đã nhận thêm cát điều chuyển từ cao tốc trục ngang về công trường. Tuy nhiên, việc điều phối cát từ từ các dự án sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng do lượng cát được điều phối chỉ đạt hơn 1.000 m3/ ngày. Ban QLDA Mỹ Thuận cam kết, sau ngày 31/12/2024, các nhà thầu sẽ trả lại số lượng cát đã được điều chuyển cho dự án.
Kết luận buổi làm việc, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, các dự án cao tốc đi qua địa bàn là dự án trọng điểm của tỉnh cũng như khu vực và cả nước. Vì vậy, việc triển khai, sớm đưa vào vận hành hai tuyến cao tốc có thể rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh Hậu Giang với các tỉnh, thành trong khu vực.
Về việc thiếu hụt nguồn vật liệu cát, địa phương sẽ phối hợp với các bên để cùng chia sẻ khó khăn chung. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị nhà thầu phải tập trung mọi nguồn lực với quyết tâm cao nhất, sớm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các dự án cao tốc.