Hậu Giang: Kinh tế - xã hội tăng tốc phát triển từ chính sách 'Tam nông'

Tỉnh ủy Hậu Giang vừa ban hành Báo cáo số 601-BC/TU tổng kết 05 năm thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Báo cáo cho biết 05 năm qua, thực hiện chính sách 'Tam nông', kinh tế - xã hội của Hậu Giang đã tăng tốc phát triển.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa gặt đập liên hợp.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa gặt đập liên hợp.

Diện mạo nông nghiệp, nông thôn nhiều đổi thay

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Hậu Giang tiếp tục ban hành nhiều chính sách có liên quan đến đất đai, thuế, tín dụng, môi trường, lao động, đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn...

Trong đó, các chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, phát triển ngành, nghề nông thôn đã góp phần từng bước phát triển nền nông nghiệp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao gắn với liên kết chuỗi giá trị, phát huy thế mạnh hiện có của tỉnh và mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng thời, tỉnh triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp; hỗ trợ nâng cao đời sống của người trồng lúa, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo đúng quy định của pháp luật; phát huy vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ hỗ trợ của các tổ chức chính trị - xã hội trong cung cấp tín dụng đối với các hộ sản xuất nông nghiệp, nhất là với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; ngăn chặn, xử lý nghiêm tín dụng đen.

Thời gian qua, công tác xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm quốc gia đang được đầu tư với hơn 100km đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang là điều kiện thuận lợi cho tỉnh Hậu Giang trong kết nối các tỉnh trong vùng và phát triển logistic. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh huy động được nhiều nguồn lực và các thành phần kinh tế tham gia thực hiện.

Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn được tăng cường theo hướng đồng bộ, từng bước kết nối với đô thị. Tính đến năm 2023, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa trên 80%; 100% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến UBND cấp huyện được nhựa, cứng hóa; hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện; trên 80% diện tích đất sản xuất được tưới tiêu chủ động, tỉnh hiện có trên 130 trạm bơm điện, đảm bảo phục vụ trên 30.000ha đất sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương.

Về hạ tầng phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh có 02 tuyến đê bao chính, trong đó tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh có tổng chiều dài 62km với 30 cống hở và 18 cống tròn, tổng diện tích phục vụ 24.000ha đất nông nghiệp; tuyến đê bao Ô Môn - Xà No có tổng chiều dài 41km với 54 cống hở và 01 cống tròn, tổng diện tích phục vụ 12.800ha đất nông nghiệp.

Các tuyến đê thời gian qua đã giúp bảo vệ vườn cây ăn trái và hệ thống hạ tầng cơ sở; phục vụ tưới, tiêu, xổ phèn, ngăn mặn, lấy phù sa cải tạo đất góp phần sản xuất nông nghiệp ổn định…

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ

Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, mục tiêu từ nay đến năm 2030, là: Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp ở những vùng có điều kiện lợi thế.

Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Mục tiêu cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GRDP nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 3,05%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Tỷ lệ xã nông thôn mới đạt 100% tổng số xã, trong đó, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt trên 50%, số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt trên 20%; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới đạt 75% (06 đơn vị cấp huyện), trong đó phấn đấu 35% số đơn vị cấp huyện (02 đơn vị) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng tối thiểu 3,0 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 90%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 30%; tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 3%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%.

Theo đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đầu tư phát triển kinh tế tập thể; công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, phát triển các cụm liên kết ngành nông nghiệp – công nghiệp chế biến - dịch vụ Logistics tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Tăng cường công tác kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm. Tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang tham gia sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ hình thành các tổ chức kinh tế chính thức (hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nghề có đăng ký, tổ chức của hội nông dân) để lao động có hợp đồng làm việc chính thức, có các chính sách thu hút, giữ chân nhân lực về công tác tại khu vực nông thôn.

Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; nâng cấp hệ thống chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu của người dân. Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại, kết nối với đô thị, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Nông dân thu hoạch đặc sản nổi tiếng khóm Cầu Đúc.

Nông dân thu hoạch đặc sản nổi tiếng khóm Cầu Đúc.

Chú trọng nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, nâng cao đời sống tinh thần và an ninh nông thôn. Xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh nông nghiệp; chính sách thu hút đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn để từng bước giảm tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển hợp tác xã, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn. Tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh. Triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn.

Phát huy vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh trong cung cấp tín dụng đối với các hộ sản xuất nông nghiệp, nhất là với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; ngăn chặn, xử lý nghiêm tín dụng đen. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay…

Huỳnh Biển

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/hau-giang-kinh-te-xa-hoi-tang-toc-phat-trien-tu-chinh-sach-tam-nong-383156.html
Zalo