Hào quang mặt trời xuất hiện tại Quảng Ngãi
Hiện tượng hào quang mặt trời là một dạng hiếm gặp của hiện tượng quang học, còn được gọi với các tên khác như quầng mặt trời hay halo mặt trời.
Trưa 14-5, hiện tượng hào quang mặt trời (còn gọi là halo mặt trời) xuất hiện trên vùng trời tỉnh Quảng Ngãi, kéo dài khoảng 90 phút, thu hút sự chú ý của nhiều người.
Anh Võ Minh Huy, ngụ tại xã Bình Tân Phú (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), là một trong số những người đã kịp ghi lại những hình ảnh ấn tượng về hiện tượng này.
Anh chia sẻ: "Tôi đang ngồi trước nhà thì thấy một vầng sáng giống cầu vồng bao quanh mặt trời. Tôi đã dùng điện thoại chụp và quay lại cảnh tượng đó".

Hiện tượng quầng mặt trời tại Quảng Ngãi. Ảnh: M.H
Trên mạng xã hội, hàng loạt video và hình ảnh về halo mặt trời tại Quảng Ngãi được chia sẻ rộng rãi, nhận được sự quan tâm của nhiều người. Một số người lớn tuổi cho rằng đây là dấu hiệu báo trước mưa bão hoặc thời tiết bất thường sắp xảy ra.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia dự báo thời tiết, cho biết hiện tượng này là một dạng hiếm gặp của quang học, còn được gọi với các tên khác như quầng mặt trời, hào quang mặt trời hay halo mặt trời.

Hiện tượng quầng mặt trời xuất hiện hơn 1 giờ trước khi tan. Ảnh: M.H
Hiện tượng xuất hiện dưới dạng một vòng sáng bao quanh mặt trời (hoặc mặt trăng), thường có hình tròn và đôi khi mang màu sắc như cầu vồng. Nguyên nhân là do ánh sáng mặt trời bị khúc xạ và phản xạ qua các tinh thể băng lơ lửng trong khí quyển, chủ yếu nằm trong các đám mây ti tầng (cirrostratus) ở độ cao từ 5 đến 10 km, có nhiệt độ giảm xuống 0⁰C, tạo nên sự ngưng tụ các tinh thể băng mỏng tạo ra mây ti tầng che phủ bầu trời.
Các tinh thể băng hình lục giác trong những đám mây này đóng vai trò như lăng kính nhỏ, làm bẻ cong ánh sáng mặt trời. Góc khúc xạ phổ biến nhất tạo ra hiện tượng halo là 22 độ.
Về quan niệm dân gian cho rằng quầng mặt trời là dấu hiệu dự báo thời tiết, TS Huy cho rằng điều này cũng có cơ sở. Bởi lẽ, các đám mây ti tầng chứa tinh thể băng thường xuất hiện trước khi thời tiết thay đổi, chẳng hạn như trước những cơn mưa.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đây không phải là một dấu hiệu chính xác để dự báo thời tiết dài hạn.