Hào khí xứ trà

Trải ngàn đời nay, võ cổ truyền Việt Nam được chắt lọc, nhào luyện, trao truyền qua các thế hệ. Dù xã hội trải nhiều biến cố thăng trầm, nhưng võ cổ truyền không bị mai một, có sức sống mãnh liệt và trở thành một di sản văn hóa hóa phi vật thể tồn tại trên mọi miền Tổ quốc, trong đó có xứ trà Thái Nguyên.

Võ đường Đức Sung (TP. Sông Công) trong buổi tập luyện.

Võ đường Đức Sung (TP. Sông Công) trong buổi tập luyện.

Khát vọng một Việt Nam hùng cường và tinh thần thượng võ xứ trà được thể hiện bằng phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Mỗi người lựa chọn một môn thể thao yêu thích, trong đó có võ cổ truyền Việt Nam. Luyện võ, ngoài nâng cao thể lực còn là cách để mỗi người tu tâm, dưỡng tính.

Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 10.000 người tham gia tập luyện võ thuật, với nhiều môn võ khác nhau, phổ biến như: Taekwondo, Karate, Muay; Wushu; Judo; Thái Cực quyền; Vịnh Xuân quyền; Boxing... Đặc biệt, võ cổ truyền Việt Nam được ví là tài sản của cộng đồng và góp phần làm giàu bản sắc văn hóa truyền thống ở xứ trà Thái Nguyên.

Điều đó được minh chứng bằng tinh thần võ đức của các thế hệ cha ông đi trước. Điển hình phải kể đến vị vua Lý Nam Đế (phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên), người đầu tiên xưng đế khai sinh ra Nhà nước Vạn Xuân. Vị thủ lĩnh tài ba Dương Tự Minh (xã Động Đạt, Phú Lương), biểu tượng anh hùng chống giặc ngoại xâm, giữ vững chủ quyền biên giới phía Bắc. Vị danh tướng tài hoa, đức độ Lưu Nhân Chú (xã Ký Phú, Đại Từ)… đều là những người luyện võ và có tài thao lược binh pháp.

Còn nhiều nữa những bậc tiền nhân lòng chất chứa khí phách, hào hiệp trong đấu tranh bảo vệ đất nước. Thế hệ sau theo người đi trước, cứ như lớp lớp sóng bồi xây nền Tổ quốc, cùng kiến tạo nên hào khí xứ trà. Giặc đến nhà, trẻ già cùng đánh. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, làm nhiệm vụ quốc tế và bảo vệ biên giới, những người con của xứ trà Thái Nguyên mang theo lòng quả cảm vào các mặt trận. Hơn 10.000 người con ưu tú đã không trở về, hơn 12.000 người gửi lại một phần thân thể trên các mặt trận; hơn 580 phụ nữ được vinh danh bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Đất nước có chiến tranh, võ cổ truyền được người xứ trà Thái Nguyên mang theo vào trận mạc. Đất nước thanh bình, người xứ trà luyện tập võ cổ truyền với một niềm tự hào “dân cường, nước thịnh”. Cũng bởi thế tinh thần thượng võ của người xứ trà Thái Nguyên luôn gắn với dòng chảy sử xanh dân tộc. Các dòng họ, gia đình cha truyền con nối, hằng ngày truyền dạy cho nhau những bài quyền, cước, đao pháp.

Nếu như trước đây việc dạy võ, học võ được giấu kín, thậm chí nhiều người luyện võ thông đạt đến một đỉnh cao nào đó, ra ngoài bị “người ta” bắt nạt vẫn cam chịu. Và chỉ khi thấy chuyện bất bình mới ra tay tương trợ. Ví như câu chuyện kể bằng thơ của cụ Đồ Chiểu về chàng Lục Vân Tiên: “Anh hùng hễ thấy bất bằng mà tha”. Biết là chuyện của ngày xưa, nhưng thời nay soi vào vẫn thấy như một tấm gương về tinh thần hào hiệp, đầy khí phách của người luyện võ. Đương nhiên khí phách luôn đi cùng với tinh thần văn hóa dân tộc.

Vận động viên Thái Nguyên cọ sát nội dung đối kháng.

Vận động viên Thái Nguyên cọ sát nội dung đối kháng.

Với các võ sĩ người xứ trà Thái Nguyên cũng có cách ứng xử đầy nghĩa khi khi thượng đài. Quyết liệt thi đấu với ý thức tôn trọng đối phương. Cụ thể trong làng thể thao thành tích cao: Năm 2022, tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, đội ngũ vận động viên của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã giành được 59 huy chương các loại, đứng Nhất toàn đoàn của 19 tỉnh miền núi toàn quốc.

Không kiêu hùng, từ năm 2022 đến hết năm 2024, vận động viên của Trung tâm tham gia thi đấu tại gần 170 giải vô địch trong nước, quốc tế, giành hơn 1.000 huy chương các loại. Riêng năm 2024 giành tổng số hơn 500 huy chương các loại, trong đó tham gia Giải Vô địch võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33 tại tỉnh Gia Lai, các võ sĩ xứ trà Thái Nguyên giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.

Chưa nhiều, nhưng đủ để động viên, khuyến khích người xứ trà Thái Nguyên phát triển tốt hơn nữa bộ môn võ cổ truyền. Rồi cơ hội cũng đến, cuối tháng 11-2024 tỉnh đã triển khai kế hoạch phát triển võ cổ truyền Việt Nam trên địa bàn toàn tỉnh với một hào khí phấn chấn. Hàng loạt các hoạt động trình diễn, thi đấu võ thuật cổ truyền Việt Nam được tổ chức. Có thể coi đó là một đại tiệc võ thuật thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của người xứ trà Thái Nguyên. Người Việt Nam luyện tập võ thuật của người Việt Nam là lẽ đương nhiên.

Tấm huy chương, giấc mơ của mọi võ sinh.

Tấm huy chương, giấc mơ của mọi võ sinh.

Tuy trong nhiều năm qua việc trao truyền võ cổ truyền Việt Nam được diễn ra trong lặng lẽ. Nhưng ngày đại tiệc các võ sư và võ sinh tại các võ đường đã thể hiện một tinh thần đoàn kết, cháy hết mình thông qua các bài biểu diễn và thi đấu đối kháng trên lôi đài. Điều ghi nhận là các cơ sở truyền dạy võ thuật trên địa bàn tỉnh đã bảo tồn, gìn giữ và trao truyền được nhiều bài võ cổ.

Các võ sư, võ sinh tham gia thể hiện nhuần nhuyễn 18 bài quyền, binh khí. Đặc biệt là 10 bài quyền thuật được quy định thi đấu trong các giải võ thuật cổ truyền cấp quốc gia và quốc tế, bao gồm: Lão mai quyền; Lão hổ thượng sơn; Ngọc trản quyền; Hùng kê quyền; Thanh long độc kiếm; Siêu xung thiên; Phong hoa đao; Thái sơn côn; Độc lư thương và Song tuyết kiếm.

Võ cổ truyền Việt Nam đã bám sâu rễ vào xứ trà. Nhưng sẽ phát triển nhanh, mạnh ở những năm tới bởi được lãnh đạo các cấp, ngành của tỉnh quan tâm đúng mức. Cơ hội mới đã mở ra cho võ cổ truyền Việt Nam phát triển xứng tầm trên xứ trà Thái Nguyên.

Kế hoạch phát triển Võ cổ truyền Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên:

+ Đến hết năm 2025:

- 30% trường học các cấp xây dựng được câu lạc bộ võ cổ truyền.

- Tham dự giải vô địch quốc gia, đoàn Thái Nguyên nằm trong top 10.

- 2 vận động viên trở lên đạt kiện tướng quốc gia.

- 3 vận động viên trở lên đạt cấp I quốc gia.

+ Đến năm 2030:

- 100% trường học các cấp có câu lạc bộ võ cổ truyền.

- 50% đơn vị lực lượng vũ trang ứng dụng võ cổ truyền trong huấn luyện.

- 100.000 người dân tham gia tập luyện võ cổ truyền tại các câu lạc bộ.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/the-thao/202501/hao-khi-xu-tra-f6b19ea/
Zalo