Háo hức sau 14 năm trông đợi

Đoạn trên cao tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội vừa đưa vào khai thác thương mại ngày 8-8 đã tạo ra 'cơn sốt' với không ít người dân địa phương. Sau chưa đầy 10 ngày vận hành, đoạn đường sắt đô thị này đã thu hút lượng hành khách khiến không ít người bất ngờ.

Theo đó, ngay trong ngày đầu tiên vận hành, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đã vận chuyển hơn 34.000 lượt hành khách, ngày thứ 2 hơn 52.000 lượt và ngày thứ 3 hơn 66.000 lượt. Lượng khách đi tuyến metro thứ 2 của thủ đô này ngày càng tăng, xác lập kỷ lục vận chuyển hơn 100.000 lượt vào hôm chủ nhật, 11-8. Kỷ lục trước đó của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 58.000 lượt hành khách/ngày.

Có nhiều lý do khiến tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội hút khách dù chỉ mới đưa vào vận hành đoạn trên cao dài 8,5 km trong tổng chiều dài toàn tuyến 12,5 km, 4 km còn lại đi ngầm. Trước hết là tâm trạng háo hức bởi chờ đợi quá lâu của người dân. Tuyến đường sắt đô thị này khởi công từ năm 2010 với mục tiêu hoàn thành vào năm 2015, song lỡ hẹn hết lần này tới lần khác, với tổng cộng 13 lần! Thế nên, ngoài những hành khách có nhu cầu thực sự, không ít người háo hức, hiếu kỳ cũng muốn đi tàu metro để xem thế nào.

Việc TP Hà Nội quyết định miễn phí cho khách đi tàu tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội trong 15 ngày đầu tiên vận hành cũng góp phần thu hút không ít người đến trải nghiệm, "check in"... Sau nửa tháng miễn phí, giá vé sẽ áp dụng đối với khách đi 1 ga là 8.000 đồng, đi cả tuyến 12.000 đồng/lượt; vé ngày là 24.000 đồng, có giá trị trong ngày và không hạn chế số lượt; vé phổ thông 200.000 đồng/tháng; vé ưu tiên cho học sinh, sinh viên 100.000 đồng/tháng; vé tập thể là 140.000 đồng/tháng.

Cùng với tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội là Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại từ tháng 12-2021, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội được trông đợi sẽ từng bước làm thay đổi bộ mặt giao thông của thủ đô, thể hiện được tính ưu việt, thu hút ngày càng đông hành khách sử dụng. Các tuyến metro này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần đưa Hà Nội đến gần hơn với mục tiêu giảm thiểu xe cá nhân, đẩy lùi ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, vì thủ đô xanh - sạch - đẹp - văn minh.

Để đạt được những mục tiêu sau khi đã đầu tư rất lớn trong thời gian hàng chục năm, điều quan trọng là các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội phải thực sự trở thành một trong các phương tiện đi lại quan trọng hàng đầu của đa số người dân. Muốn thế thì sự hiếu kỳ, háo hức, trải nghiệm… khi một tuyến metro đi vào vận hành thôi là hoàn toàn chưa đủ. Điều quan trọng hơn là phải làm sao để người dân thấy đó là một phương tiện giao thông thuận tiện, ưu việt, hơn hẳn phương tiện cá nhân để trở thành nhu cầu đi lại thực sự của họ.

"Cơn sốt" metro vì thế sẽ nguội dần. Muốn thực sự trở thành phương tiện đi lại phổ biến của người dân, đường sắt đô thị cần phải đồng bộ trong một tổng thể vận tải hành khách công cộng, kết nối thành một mạng lưới rộng khắp trên địa bàn thủ đô.

Phan Đăng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hao-huc-sau-14-nam-trong-doi-196240815190846501.htm
Zalo