Hành xử côn đồ khi va chạm giao thông: Nghiêm trị để răn đe

Những người thực hiện các hành vi bạo lực, côn đồ khi va chạm giao thông sẽ phải chịu các chế tài nghiêm khắc của pháp luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các hành vi thiếu văn hóa, hoặc sử dụng bạo lực trên đường phố do va chạm giao thông, hoặc các mâu thuẫn khác xảy ra khá thường xuyên, từ việc chửi bới, xúc phạm lẫn nhau cho đến việc "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm hoặc đập phá phương tiện diễn ra khá thường xuyên.

Việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Nhiều vụ việc đã dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản, sức khỏe, thậm chí tước đoạt cả tính mạng của người dân. Ví như, vụ việc đánh người dã man xảy ra (sau va chạm giao thông) ngày 30/12/2024, tại giao lộ Mỹ Phước Tân Vạn - NE8, phường Thới Hòa, TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương, khiến cho nạn nhân không qua khỏi.

Đánh người dã man xảy ra (sau va chạm giao thông) ngày 30/12/2024, tại giao lộ Mỹ Phước Tân Vạn - NE8

Đánh người dã man xảy ra (sau va chạm giao thông) ngày 30/12/2024, tại giao lộ Mỹ Phước Tân Vạn - NE8

Ngày 2/1/2025, Công an tỉnh Bình Dương bắt khẩn cấp Lê Văn Hiền (36 tuổi, quê tỉnh An Giang) để điều tra, làm rõ vụ việc. Tiếp đó, ngày 5/1/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra -Công an quận Tân Phú, TP.HCM đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Ung A Nam để điều tra, xử lý về hành vi "hủy hoại tài sản". Nam là người đã chặn đầu xe ô tô và chửi bới, đập bế kính xe do mâu thuẫn với tài xế v.v... Tuy nhiên, những vụ việc được các cơ quan báo chí phản ánh hoặc đăng tải trên không gian mạng chỉ là một phần, còn các vụ việc diễn ra trên thực tế có lẽ sẽ nhiều hơn rất nhiều.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực luôn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, xâm hại đến tinh thần, tài sản, sức khỏe và tính mạng của người khác, gây mất trật tự, an toàn giao thông, ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, tạo tâm lý bất an và bức xúc trong dư luận xã hội.

Và những người thực hiện các hành vi bạo lực sẽ phải chịu các chế tài nghiêm khắc của pháp luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" (Điều 134), "Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" (Điều 178) và "Tội gây rồi trật tự công cộng" (Điều 318) của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Luật sư Hùng cho hay, mặc dù, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, nhiêu đối tượng đã bị khởi tố và bắt giữ, tuy nhiên, đối với nhiều người thì vẫn chưa đủ sức răn đe, làm nguội sự nóng giận, khiến các vụ việc vẫn tiếp diễn.

Tình trạng này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, chủ yếu xảy ra từ va chạm giao thông. Bởi, thời điểm này, các bên thường có xu hướng bảo vệ mình, thậm chí bất chấp lý lẽ để nhận phần đúng về mình, đổ lỗi cho phía bên kia, dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã, công kích lẫn nhau, nóng giận và thiếu kiểm soát trong cách xử sự, giải quyết vụ việc.

Bên cạnh đó, nhiều người có tính cách nóng nẩy, thiếu kiềm chế, thậm chí có xu hướng côn đồ, sử dụng bạo lực, coi thường pháp luật, thiếu tôn trọng tài sản, tính mạng, sức khỏe của người khác.

"Trong nhiều vụ việc thì sự thờ ơ, không có sự can ngăn kịp thời của những người xung quanh cũng là một trong các nguyên nhân khiến sự việc đi quá giới hạn, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Ví như, vụ việc xảy ra ngày 30/12/2024, tại thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Theo nội dung clip được đăng tải trên mạng xã hội, đối tượng đã liên tục tấn công nạn nhân mà không có bất kỳ ai can ngăn hay ngăn chặn. Nếu có sự can thiệp kịp thời của những người xung quanh thì có thể hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra"- luật sư Hùng nói.

Pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh

Theo luật sư Hùng, để hạn chế các vụ việc này, trước hết, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý thật nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là các vụ việc có tính chất côn đồ, manh động, coi thường pháp luật, để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm. Đồng thời, các cơ quan hữu quan và đoàn thể, các nhà trường, cơ quan truyền thông báo chí cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục các cách ứng xử có văn hóa, văn minh và đúng quy định của pháp luật khi xảy ra va chạm giao thông hoặc các mâu thuẫn trên đường phố và các nơi công cộng khác, để góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

"Thông thường những sự việc va chạm giao thông hoặc những mâu thuẫn trên đường phố thường là nhỏ nhặt, không quá lớn. Nếu các bên đều có cách ứng xử văn hóa, kìm chế, tôn trọng lẫn nhau sẽ rất khó có thể xảy ra các vụ việc bạo lực, với những hậu quả đáng tiếc. Do đó, cách tốt nhất để giải quyết các vụ việc va chạm trên đường phố là cách ứng xử có văn hóa, lịch sự, nhẹ nhàng, tránh việc công kích, xúc phạm lẫn nhau. Nếu không thể tự hòa giải, giải quyết được thì cần trình báo, nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng"- luật sư Hùng chia sẻ thêm.

Trong trường hợp bị tấn công, xâm hại đến sức khỏe hoặc tài sản, theo vị luật sư này, người dân cũng nên chọn giải pháp tránh né hoặc ngăn chặn (nếu có thể), nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh, hoặc các lực lượng có thẩm quyền.

Việc tấn công trở lại, gây thiệt hại cho đối tượng chỉ nên là lựa chọn cuối cùng, khi không còn biện pháp phù hợp khác để tự vệ. Cách xử sự này sẽ giúp người dân không vượt quá giới hạn, không trở thành những người vi phạm pháp luật và phải vướng vào vòng lao lý, cũng như hạn chế được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Câu tục ngữ "một điều nhịn chín điều lành" là rất phù hợp và cần được áp dụng trong các trường hợp này.

Nguyễn Hiền/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/hanh-xu-con-do-khi-va-cham-giao-thong-nghiem-tri-de-ran-de-post1146988.vov
Zalo