Hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường có thể đối diện với hình phạt 12 năm tù

Theo dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tội 'gây ô nhiễm môi trường' được điều chỉnh đổi tên thành 'tội xả chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường' và áp dụng khung hình phạt mới cao hơn đáng kể so với quy định hiện hành.

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội xem xét ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV năm 2025, đã đưa ra nhiều đề xuất tăng cường chế tài đối với một số tội danh và hành vi, trong đó tội phạm liên quan đến môi trường là nhóm hành vi bị thắt chặt hình phạt nhằm tăng tính răn đe, đồng thời phù hợp với các chuẩn mực pháp luật quốc tế.

Theo nội dung dự thảo, tội “gây ô nhiễm môi trường” được điều chỉnh đổi tên thành “tội xả chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường” và áp dụng khung hình phạt mới cao hơn đáng kể so với quy định hiện hành. Cụ thể, ở khoản 1, mức tù được nâng từ 3 tháng – 2 năm lên 1 – 3 năm, đồng thời mức phạt tiền tăng từ mức tối đa 500 triệu đồng lên 3 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đối với khoản 2, mức án tù được đề xuất tăng từ 1 – 5 năm lên 3 – 7 năm, kèm theo đó mức phạt tiền tối đa cũng được điều chỉnh từ 1 tỷ đồng hiện hành lên 6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đối với hành vi được quy định tại khoản 3, khung hình phạt tù được nâng từ 3 – 7 năm lên 7 – 12 năm, cùng với mức phạt tiền tối đa tăng từ 3 tỷ đồng lên 18 tỷ đồng, tức tăng gấp 6 lần so với quy định hiện hành.

Đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại, dự thảo cũng quyết định tăng mạnh cả khung hình phạt tù và mức xử phạt tiền.

Cụ thể, ở khoản 1, mức tù được điều chỉnh từ 3 tháng – 2 năm hiện hành lên 1 – 3 năm, trong khi mức phạt tiền tối đa tăng từ 200 triệu đồng lên 1,2 tỷ đồng.

Ở khoản 2, mức án tù được nâng từ 2 – 5 năm lên 3 – 7 năm và mức phạt tiền được tăng gấp sáu lần, từ 1 tỷ đồng hiện hành lên tới 6 tỷ đồng.

Trong khi đó, ở khoản 3, hình phạt tù được đề xuất nâng từ 5 – 10 năm lên 7 – 15 năm, phản ánh xu hướng tăng cường xử lý hình sự đối với các hành vi gây nguy hại trong lĩnh vực chất thải công nghiệp độc hại.

Bên cạnh đó, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) còn đề xuất tăng mức hình phạt tù tối đa đối với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, từ 12 năm hiện hành lên 15 năm. Động thái này thể hiện quan điểm tăng cường trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ bùng phát dịch bệnh khó lường.

Một điều nổi bật khác là dự thảo có sự điều chỉnh giảm mức định lượng cấu thành tội đối với hành vi xả chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, mức thông số môi trường nguy hại vượt chuẩn quốc gia từ 5 đến dưới 10 lần được hạ xuống từ 3 đến 5 lần, và mức vượt từ 3 đến 5 lần được giãn nới thành từ 2 đến 3 lần tại các khung, khoản tương ứng.

Ngoài ra, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng chuyên biệt và hiệu quả hơn, dự thảo lần này còn bổ sung một tội danh mới: “Tội vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải rắn sinh hoạt” – tội danh được tách riêng từ tội gây ô nhiễm môi trường nhằm xử lý cụ thể hơn trường hợp vi phạm này.

Báo cáo của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2023 cho thấy nhiều chỉ số môi trường quan trọng vẫn ở mức báo động, thể hiện khoảng cách lớn giữa tốc độ phát sinh chất thải và năng lực xử lý của hệ thống hạ tầng hiện có.

Cụ thể, tổng lượng nước thải sinh hoạt và nước thải từ các làng nghề liên tục gia tăng, trong khi tỷ lệ thu gom và xử lý tại các đô thị chỉ đạt khoảng 17% – một con số đáng lo ngại trong hoàn cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và nhu cầu bảo vệ môi trường sống ngày càng cấp thiết.

Ở nông thôn, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ước tính khoảng 67.877 tấn mỗi ngày, nhưng tỷ lệ thu gom và xử lý chỉ đạt khoảng 77%, cho thấy mỗi ngày vẫn còn hàng chục nghìn tấn rác thải chưa được quản lý hiệu quả.

Về mặt xử lý vi phạm, trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã ghi nhận hơn 24.600 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó có 606 vụ bị khởi tố hoặc đề nghị khởi tố hình sự và hơn 22.700 vụ bị xử phạt hành chính.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hanh-vi-xa-thai-gay-o-nhiem-moi-truong-co-the-doi-dien-voi-hinh-phat-12-nam-tu-98237.html
Zalo