Hành vi mua bán thận sẽ bị xử lý thế nào?
Kể cả người mua, người bán, môi giới hay các đối tượng tham gia trong đường dây mua bán thận đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM có đăng tải loạt bài điều tra “Thâm nhập đường dây mua, bán thận ở TP.HCM”, loạt bài đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía bạn đọc. Một số bạn đọc thắc mắc tại sao đường dây mua bán thận quy mô lớn này lại có thể tồn tại trong suốt khoảng thời gian qua.
Trao đổi với PLO, luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết hiến tặng nội tạng là một hành động mang nhiều ý nghĩa nhân văn, thể hiện nghĩa cử cao đẹp giữa người với người, chính sách nhân đạo của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều đối tượng lại lợi dụng điều này để hợp pháp hóa cho những đường dây mua bán bộ phận cơ thể người.
Mua bán thận là hành vi bị nghiêm cấm
. Phóng viên: Thưa luật sư, việc mua bán thận có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không?
+ Luật sư Hoàng Anh Sơn: Xuất phát từ nạn mua bán thận nói riêng, các bộ phận cơ thể người nói chung trên thực tế, hiện nay pháp luật nước ta đã kịp thời có những quy định nghiêm cấm và xử lý hành vi trên. Cụ thể, căn cứ khoản 3, khoản 8 Điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 thì hành vi mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác và hành vi quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm .
. Như vậy, việc người mua, người bán, môi giới và các đối tượng tham gia trong đường dây mua bán thận sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật, thưa luật sư?
+ Căn cứ quy định Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) tại Điều 154 Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, trường hợp do khách thể của Tội mua bán bộ phận cơ thể người là bộ phận cơ thể của người khác nên người bán bộ phận cơ thể của chính mình sẽ không bị truy cứu theo tội này.
Tuy nhiên, người mua, người bán bộ phận cơ thể người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm về Tội mua bán bộ phận cơ thể người theo quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12-20 năm hoặc chung thân.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Đồng phạm gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Vì vậy, các đối tượng tham gia trong đường dây mua bán thận là đồng phạm, có thể sẽ bị xử lý cùng tội danh Mua bán bộ phận cơ thể người. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi thực hiện, tham gia với vai trò khác nhau (chủ mưu cầm đầu hay thực hành, xúi giục, giúp sức) mà người phạm tội sẽ phải chịu mức hình phạt tương ứng.
Trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh
. Giả sử trường hợp bác sĩ biết đó là hành vi mua bán thận nhưng vẫn thực hiện thì xử lý thế nào và trường hợp bác sĩ không biết thì giải quyết ra sao?
+ Như phân tích ở trên, nếu trong quá trình điều tra, xác minh cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ căn cứ xác định bác sĩ biết rõ hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, vai trò tham gia cụ thể mà sẽ phải chịu mức hình phạt tương ứng.
Hoặc người biết rõ hành vi đó nhưng không tố giác với cơ quan chức năng có thẩm quyền thì có thể bị xử lý theo quy định pháp luật về Tội không tố giác tội phạm căn cứ theo quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), có thể sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Hơn nữa, sứ mệnh cao cả của bác sĩ là cứu người, chữa bệnh nhưng lại thông đồng cấu kết với những đối tượng xấu nhằm thực hiện hành vi mua bán bộ phận cơ thể người là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, có thể bị xử lý kỷ luật nội bộ ngành, quy định Đảng, xử lý theo quy định pháp luật liên quan đến công chức, viên chức.
Trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh thật sự bác sĩ không biết đây là hành vi phạm tội (ý chí chủ quan) thì có thể sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
. Trong loạt bài điều tra có một tình tiết được thể hiện là người bán thận được làm giả, hợp thức hóa các giấy tờ trở thành người thân của người mua thận để việc mua bán được diễn ra như một cuộc hiến thận. Để tránh tiêu cực như vậy trong quy trình ghép thận, không chỉ các cơ quan chức năng mà ngay cả các bệnh viện có cần phải phối hợp với các địa phương xác minh tính trung thực trước khi thực hiện ghép thận hay không thưa luật sư?
+ Hiện pháp luật chưa quy định về việc phải xác minh ở địa phương trước khi thực hiện ghép mô, bộ phận cơ thể người nhưng nhiều bệnh viện cũng đã rất thận trọng, thực hiện kiểm tra, xác minh kỹ lưỡng trước khi tiếp nhận ghép thận đối với những trường hợp có nghi ngờ, giả mạo giấy tờ.
Trước vấn nạn mua bán nội tạng xảy ra ngày càng tinh vi và phức tạp như ngày nay, các cơ quan chức năng, bao gồm cả bệnh viện cần không ngừng nâng cao nhận thức, tuân thủ quy trình chặt chẽ, đồng thời thận trọng, có kỹ năng kiểm tra đối với tất cả hồ sơ.
Những hồ sơ nào nghi ngờ, có dấu hiệu mua bán thì phải nhanh chóng xác minh tại cơ quan chức năng (bao gồm cả chính quyền địa phương) nhằm góp phần ngăn chặn việc giả mạo, gian lận trong cấy ghép thận, bộ phận khác, tuân thủ đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi người bệnh tốt nhất.
. Xin cảm ơn luật sư.